Lý giải nền nông nghiệp tỷ USD của TPHCM

26/02/2021 - 11:55

PNO - Không sở hữu quỹ đất lớn để có thể hình thành những vùng nuôi trồng quy mô, lại chịu tác động mạnh của quá trình đô thị hóa nhưng nhờ phát triển theo hướng công nghệ cao, doanh thu ngành nông nghiệp TPHCM năm 2020 đạt hơn 23,4 ngàn tỷ đồng.

Trong trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, cho hay giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 của thành phố ước đạt 23.481,6 tỷ đồng, tăng 2,07% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất của nhóm sản phẩm chủ lực đạt hơn 15,2 ngàn tỷ đồng, chiếm 65% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Phóng viên: Xin ông nói rõ hơn về những đóng góp của nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực?
Ông Đinh Minh Hiệp: TPHCM đã xác định năm sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ và một sản phẩm tiềm năng là cá cảnh. Giá trị đem lại từ các sản phẩm này chính là phát triển giống qua nghiên cứu, áp dụng công nghệ lai tạo… Chẳng hạn, với rau các loại, các doanh nghiệp tại TPHCM đã cung cấp ra thị trường 142,7 tấn hạt giống rau, xuất khẩu 126,3 tấn. 

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM

Về hoa cây kiểng, sưu tập, bảo dưỡng 564 giống hoa, cây kiểng các loại như sứ, lan, hoa hồng… Cây kim ngân hoa trở thành cây xuất khẩu chủ lực với kim ngạch hơn 13.200 USD. Hiện có 20 tổ chức nuôi cấy mô thực vật, cung cấp khoảng 16 triệu giống cây mô/năm, chủ yếu là lan; 39 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng rau ứng dụng công nghệ cao tập trung các thế mạnh là trồng rau ăn lá, ăn quả và dưa lưới. 

Với bò sữa, mỗi năm TPHCM cung ứng khoảng 20.000-24.000 con giống cho các hộ chăn nuôi tại thành phố và các tỉnh thành, doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm. Hiện nay, do vấn đề đô thị hóa, diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp dẫn đến khó khăn về nguồn thức ăn bò sữa. Nhưng một phần do các hộ chăn nuôi đang chuyển dịch chăn nuôi, tái cơ cấu theo hướng giảm nhỏ lẻ, tăng quy mô đàn, loại thải bò già, không có khả năng sinh sản tốt, nâng cao năng suất chất lượng đàn.

Trong năm 2020, TPHCM đã sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 447.000 con heo giống các loại và khoảng 432.000 liều tinh heo giống. Tất cả giống heo đều đạt chất lượng tốt. 

Đối với nhóm thủy sản, hiện thành phố vẫn chưa sản xuất được giống tôm nước lợ mà lấy giống từ các cơ sở sản xuất, thuần dưỡng ở các tỉnh miền Trung. Thế mạnh của nhóm hàng này là cá cảnh.

TPHCM có 39 cơ sở sản xuất cá cảnh kiểm soát tốt các mối nguy trong sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao đã sản xuất và cung cấp khoảng 163.500 con cá giống cho các cơ sở cá cảnh. Đặc biệt, xuất khẩu cá cảnh ở Việt Nam đang phát triển mạnh, chiếm hơn 3% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản, trên 100 loài cá cảnh có giá trị của thế giới đều có mặt ở Việt Nam. Trong đó, thị trường cá cảnh TPHCM chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh cả nước, đạt 17,26 triệu USD. 

* Thành phố đã có chiến lược nào với nhóm nông nghiệp chủ lực để có sự phát triển mạnh như vậy, thưa ông?
- Chúng tôi chia ra những giai đoạn gắn với mục tiêu phát triển cụ thể. Trong 5 năm tới sẽ là thúc đẩy năng suất với nhóm sản phẩm chủ lực trên cơ sở khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ với các chính sách hỗ trợ phù hợp; tạo quỹ đất (hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao) để tăng quy mô, thu hút các doanh nghiệp đầu tư; có chính sách ưu đãi, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này…

Sản phẩm nông nghiệp chủ lực đem lại giá trị cao cho ngành nông nghiệp TPHCM
Sản phẩm nông nghiệp chủ lực đem lại giá trị cao cho ngành nông nghiệp TPHCM

Giai đoạn sau đó (2026 - 2030), sở sẽ rà soát chương trình phát triển nông nghiệp. Căn cứ nhiệm vụ được UBND TPHCM giao trong Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 6/1/2021 về kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ngân sách thành phố và chương trình công tác của UBND TPHCM năm 2021; với vai trò tham mưu, sở sẽ đề xuất UBND TP.HCM đổi tên thành “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” để phù hợp với định hướng và quy hoạch chung. 

* Như vây, thách thức lớn nhất với ngành nông nghiệp TPHCM trong kế hoạch thực hiện các mục tiêu này là gì?
- Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đất nông nghiệp bị chia cắt, manh mún. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ là trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Công tác quản lý đất đai còn để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm đất nông nghiệp; dẫn đến người dân đang sản xuất nông nghiệp không an tâm và còn bị những người xây dựng trái phép khiếu nại về tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Ngành nông nghiệp còn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Hạn hán, dịch bệnh như dịch tả heo châu Phi, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện các chủng vi-rút mới gây áp lực lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 
Ngành chăn nuôi cả nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của việc tăng giá thức ăn chăn nuôi, cạnh tranh với sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán do chưa kết nối yếu tố cung cầu trên thị trường, diện tích tham gia chuỗi sản phẩm an toàn thấp.

Đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức, cá nhân sản xuất. Một số tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ để phục vụ nuôi, trồng, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TPHCM (như nhà lưới, nhà kính, nhà sơ chế, bao gói sản phẩm…) nhưng khó được đáp ứng.

Việc triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc về định mức kinh tế kỹ thuật trong hoạt động khuyến nông, khuyến ngư công nghệ cao trên địa bàn TPHCM do chưa được cấp có thẩm quyền (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành.

Một số hợp tác xã thiếu nguồn nhân lực được đào tạo; liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp để giải quyết vấn đề vật tư, giống đầu vào và đầu ra sản phẩm nông nghiệp chưa tích cực. Các hợp tác xã nông nghiệp đều thiếu nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất do vốn góp của thành viên còn thấp và chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng. 

Ngoài ra, một số thủ tục chứng nhận VietGAP còn bất cập khi xác nhận lại đối với các hộ sản xuất quy mô nhỏ và khu vực chưa được công nhận vùng sản xuất an toàn. Chất lượng và giá thành cây, con giống chưa thể cạnh tranh với các giống nhập ngoại. Quy trình nhân giống, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng giống chưa ban hành cụ thể cho từng đối tượng nên chất lượng giống chưa cao, đặc biệt cây giống cấy mô. 
* Cảm ơn ông! 

Thanh Hoa (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI