Lý giải cho ánh mắt kì lạ này chính là cuộc gặp kéo dài 90 phút bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 của hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ nhưng không đi đến được kết quả đồng nhất nào.
Trong cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo đã bàn về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và tình hình ở Ukraine.
|
Dù đã kéo dài cuộc gặp lâu hơn so với dự kiến, hai vị lãnh đạo Nga - Mỹ vẫn không thể đi đến đồng nhất nào về chiến sự ở Syria. |
Về phía Nga, tham gia cuộc đàm phán này còn có trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov, thư ký báo chí, Dmitry Peskov, và Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov. Về phía Hoa Kỳ, tham dự cuộc hội đàm này có Ngoại trưởng John Kerry.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết, cuộc họp đã kéo dài lâu hơn so với kế hoạch.
Trước đó cùng ngày, giới chức Mỹ cho hay, vòng đàm phán mới nhất giữa Ngoại trưởng nước này John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị Cấp cao G-20 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào nhằm chấm dứt tình hình bạo lực tại Syria.
Theo RIA Novosti, trong cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Theresa May trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi sự nhượng bộ từ phía Nga để đưa tiến trình giải quyết khủng hoảng Syria sang giai đoạn mới.
Tổng thống Obama cho rằng, tiến trình mới trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria sẽ không thể đạt được nếu như không có sự nhượng bộ thực sự từ phía Nga.
''Chúng tôi đang có những bất đồng sâu sắc về các lực lượng mà chúng tôi đang ủng hộ (ở Syria). Nếu không có sự nhượng bộ của Nga thì việc đưa tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria sang giai đoạn mới là điều không thể đạt được. Các cuộc đàm phán của Mỹ với Nga về Syria vẫn đang đóng vai trò then chốt cho tiến trình này'', ông Obama nói trong buổi họp báo.
Trước đó, hôm 1/9, Mỹ đã thừa nhận không thể tách lực lượng đối lập Syria ra khỏi thành phần của lực lượng khủng bố theo những gì mà phía Nga yêu cầu.
Những động thái này của Mỹ khác hẳn với những tuyên bố mạnh mẽ mà trước đây họ thể hiện. Gần đây nhất là trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với kênh thời sự CNN hôm 22/8, Tướng Stephen Townsend, tân Tư lệnh trưởng Quân đội Mỹ tại Syria và Iraq đã lên tiếng cảnh báo Nga cũng như Iran rằng, Washington sẽ bảo vệ lực lượng đặc nhiệm của mình ở miền Bắc Syria.
“Chúng tôi đã thông báo với Quân đội Nga vị trí của chúng tôi. Họ cho biết đã nhắn lại phía Syria. Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng tôi sẽ hành động tự vệ nếu cảm thấy bị đe dọa”, ông Townsend nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu nhân chuyến thăm Na Uy và sau cuộc gặp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif hồi tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đưa ra lời cảnh cáo với Nga về tình hình chiến sự tại Syria.
''Nga cần phải hiểu rằng sự kiên nhẫn của chúng tôi không phải là vô hạn. Sự kiên nhẫn của Mỹ, trên thực tế là rất hữu hạn dù ông Assad có được tính đến (trong lộ trình hòa bình) hay không. Chúng tôi cũng sẵn sàng bắt giữ các thành viên có trách nhiệm của phe đối lập'' - ông Kerry tuyên bố.
Thêm vào đó, Washington đã từng thẳng thừng từ chối liên minh với Nga để chống IS tại Syria sau lời đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi cuối tháng 5. Ông Jeff Davis, người phát ngôn Lầu Năm Góc khẳng định, không cộng tác hoặc phối hợp với Nga trong mọi chiến dịch ở Syria.
Theo ông Davis, Mỹ và Nga có mục tiêu quân sự khác nhau tại Syria. Các chiến dịch của Nga nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad trong khi Mỹ chỉ tập trung vào làm suy yếu và đánh bại IS.
Tuy nhiên sự thật là, phía Nga luôn giữ thái độ cởi mở, lạc quan trong việc giải quyết vấn đề tại Syria. Mới đây, hôm 2/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga và Mỹ đang tiến gần đến việc đạt một thỏa thuận về Syria, bất chấp những khác biệt về cách thức giải quyết tốt nhất cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Putin cho biết, đàm phán giữa Nga và Mỹ về vấn đề Syria rất khó khăn nhưng vẫn đang đi đúng hướng. Ông cũng nêu rõ, không loại trừ khả năng ''trong tương lai gần, hai bên có thể nhất trí về vấn đề nào đó và sẽ công bố cho cộng đồng quốc tế''.
Ngoài ra, hôm 26/8 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc đàm phán kéo dài đến 12 giờ đồng hồ ở Geneva, Thụy Sỹ.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 . |
Ngoại trưởng Nga cho biết, Moscow và Washington đã tìm thấy ''ngày càng nhiều điểm tương đồng hơn'' trong vấn đề Syria. Theo đó, Nga và Mỹ đã cùng thực hiện một vài bước tiến quan trọng trong giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng tuyên bố rằng, hiện đang có những chứng cứ khách quan cho thấy hoạt động phối hợp giữa Nga và Mỹ trong giải quyết cuộc khủng hoảng Syria sẽ đạt được thành công. Tuy nhiên, rào cản chính cản trở tiến trình này là việc Washington không thực hiện các cam kết đã ký với Nga.
Theo bà Maria Zakharova, Washington đã tuyên bố rằng Mỹ cần 2 tuần để phân biệt rõ giữa lực lượng đối lập ôn hòa với lực lượng khủng bố ở Syria nhưng Mỹ đã không thực hiện bước đi này.
Trên thực địa, Nga đang liên tiếp giành được những chiến thắng quan trọng tại chảo lửa Aleppo. Ở hành lang phía Bắc, quân đội Syria cũng giành lại được Trường cao đẳng kỹ thuật Không quân và củng cố lực lượng tại đây.
Khu vực trung tâm của căn cứ Aleppo bị pháo và súng cối bắn phá liên tục và bị không kích bằng máy bay trực thăng. Trong 1070 tòa nhà thì đến 2/9 quân đội Syria đã kiểm soát đến khoảng 60% các tòa nhà, phá vỡ hệ thống phòng thủ của các chiến binh ở phía tây nam.
Từ ngày 1/9, quân đội Syria đã kiểm soát hoàn toàn từ phía bắc đến phía nam đồi Al Sanobrat, đồi Um al-Kara, đồi Tal Mahrukat, đồi và làng Al-Amiriyah, đồi Tal Mardzhum.
Như vậy, việc Mỹ chấp nhận xuống nước yêu cầu Nga nhượng bộ cho thấy nước này đã dần yếu thế trong cuộc chiến tại Syria. Ngoài ra, dường như Mỹ còn gián tiếp thừa nhận những sai lầm trước đây về mặt chiến lược mà Washington sử dụng trong việc giải quyết vấn đề Syria với Moscow.
Minh Đức (Theo New York Times, RIA Novosti)