PNO - Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tòa xử kín là đúng luật, những hành vi của bị cáo quá tàn ác, không nên công khai.
Dự kiến, ngày 21/7, Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử kín vụ án bé gái tám tuổi bị người tình của cha bạo hành đến tử vong. Quyết định này của tòa khiến nhiều bạn đọc thắc mắc, vì sao vụ việc rúng động như thế nhưng tòa lại không xét xử công khai?
Luật sư Nguyễn Ánh Thơm - một trong ba luật sư đại diện lợi ích hợp pháp cho bị hại - nói: “Thứ nhất, ngay sau khi sự việc bị phát hiện, tố giác, vụ án đã gây chấn động dư luận. Tên, tuổi thậm chí hình ảnh nạn nhân đã được cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều. Hơn nữa, nạn nhân đã mất, việc giữ bí mật đời tư, cho bé V.A. lúc này không còn cần thiết. Thứ hai, từ vụ việc bé V.A. cần gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ trẻ em. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện một đứa bé bị người tình của cha/mẹ bạo hành đến tử vong, thương tật suốt đời. Do đó, thiết nghĩ, việc đưa vụ án ra xét xử công khai sẽ vừa cảnh tỉnh mọi người trong việc chăm sóc bảo vệ trẻ em, vừa tăng tính răn đe lẫn tính giáo dục của pháp luật”.
Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với việc đưa vụ án xét xử công khai sẽ tăng tính răn đe đối với những người có hành vi phạm tội và giáo dục ý thức pháp luật với cộng đồng. Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, việc xét xử công khai sẽ khiến nhiều người ám ảnh về những hành vi của người phạm tội.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Danh, Trưởng khoa Khoa học Giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM, với một vụ án, đặc biệt các vụ xâm hại trẻ em, nếu thấy có tính chất côn đồ, man rợ, tàn độc thì cần xét xử kín.
Những lý do để xử kín
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho rằng việc xử kín vụ án bé gái tám tuổi bị bạo hành có thể khiến dư luận bất ngờ bởi ai cũng nghĩ sự việc đã rõ ràng sao lại không xử công khai. Song, đây là quy định pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em.
“Những hành vi phạm tội của kẻ thủ ác với bé gái V.A. là quá đê hèn, tàn độc, không nên đưa ra công khai”, ông phân tích và cho rằng ngoài nạn nhân đã mất, vẫn còn có mẹ và các em của bé V.A. Trong đó, mẹ của bé V.A., là đại diện hợp pháp của bé trước tòa, rất cần bảo vệ bí mật nhân thân.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM - cũng cho biết trong quá trình tòa án thụ lý vụ việc, mẹ bé V.A. nhiều lần ngất xỉu. Do đó, nếu xét xử công khai, hình ảnh đó lan tỏa, sẽ gây đau đớn cho nhiều người.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang - người hành hạ bé V.A. đến tử vong - bị công an Q.Bình Thạnh, TPHCM khởi tố, bắt tạm giam vào cuối tháng 12/2021 - Ảnh: Công an cung cấp
Theo ông Đặng Hoa Nam, tại khoản 3 điều 103, Hiến pháp 2013 quy định: “Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín".
Tại điều 25, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng đề cập: "Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai".
Như vậy, theo ông Đặng Hoa Nam, việc TAND TPHCM xét xử kín vụ án trên là đúng quy định pháp luật.
Vụ án bé N.T.V.A. bị người tình của cha bạo hành đến tử vong, bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, quê Gia Lai) bị truy tố về tội "Giết người" và "Hành hạ người khác"; Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ Q.1, TPHCM) cha ruột của nạn nhân bị truy tố tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm".
Diễm Chi
Kiến nghị thay đổi tội danh của người cha
Ngày 28/6, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM) - cho biết bà đã tiếp tục kiến nghị viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM thay đổi tội danh đối với bị can Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ Q.1, cha ruột bé V.A.) từ “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm” sang tội danh “Giết người”.
Theo luật sư Ngọc Nữ, diễn biến hành vi phạm tội qua dữ liệu camera, cho thấy động cơ phạm tội của hai bị cáo là đê hèn, tàn độc, mục đích phạm tội là cố ý gây thương tích (sử dụng ống kim loại là hung khí nguy hiểm đánh đập, dùng tay đánh, chân đạp… vào tất cả vùng cơ thể bé). Hơn nữa, hành vi phạm tội của Trang diễn ra liên tiếp, nhiều ngày, nhiều lần, thậm chí cả ban đêm... Trong khi đó, Thái là cha ruột của bé V.A. nhưng đã cùng tham gia với Trang chửi mắng bé V.A.
Hình ảnh ghi lại được cho thấy Thái một lần trực tiếp dùng hung khí nguy hiểm đánh đập bé V.A.; các lần Trang đánh đập bé V.A., Thái đều nhìn thấy trực tiếp hoặc theo dõi qua camera.
“Hành động này của Thái đã góp phần gây ra tổn thương và là nguyên nhân “dẫn đến chết người hoặc là yếu tố cộng thêm dẫn đến chết người”. Thái giúp sức, thúc đẩy các hành động của Trang gây ra tổn thương là nguyên nhân “gây ra chết người”. “Thái không còn là đồng phạm của Trang mà là người cùng thực hiện phạm tội, là động cơ, là động lực thúc đẩy cho Trang càng đánh bé V.A. một cách man rợ. Theo đó, Thái phải chịu trách nhiệm chính về cái chết của bé. Do đó, tôi kiến nghị bổ sung tội danh “giết người” với Thái”, luật sư Ngọc Nữ lập luận.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.