Lý do hàng ngàn tỉ đồng đổ vào vàng lậu

24/08/2023 - 06:46

PNO - Thiếu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, các doanh nghiệp tìm nguồn vàng trôi nổi đã kích thích đối tượng nhập lậu vàng từ nước ngoài về Việt Nam.

Cuối tháng 7/2023 vừa qua, công an tỉnh An Giang đã triệt phá vụ vận chuyển 19kg kim loại, nghi là vàng từ Campuchia về Việt Nam. Cùng thời điểm này TAND tỉnh An Giang cũng xét xử bà trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh cùng 24 bị cáo khác trong vụ án buôn lậu 51kg vàng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Đầu tháng 8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ làm rõ dấu hiệu của đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam do Nguyễn Thị Hóa ở Quảng trị cầm đầu. Kết quả điều tra từ năm 2022 đến nay, Nguyễn Thị Hóa cùng đồng bọn đã tổ chức đường dây buôn lậu hơn 3 tấn vàng, tổng giá trị khoảng 5.000 tỉ đồng để bán cho các cửa hàng vàng trong nước để thu lời từ chênh lệch giá.

Theo Hội đồng Vàng thế giới, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 20 tấn vàng trang sức, mỹ nghệ nên nhu cầu dùng vàng nguyên liệu rất lớn. Công ty môi giới tài chính Forex Suggest (Luxembourg) cũng đánh giá Việt Nam là quốc gia có nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh nhất thế giới năm 2022.

Trong khi đó, từ năm 2012, ngoài Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Để có vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang, doanh nghiệp phải lấy vàng SJC hoặc tìm nguồn vàng trôi nổi để sản xuất. “Vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới từ 10-20 triệu đồng/lượng, nếu dùng vàng miếng SJC để sản xuất vàng nữ trang thì chi phí rất lớn, giá vàng nữ trang bán ra rất cao. Để giảm chi phí, các doanh nghiệp sẽ mua vàng trôi nổi trên thị trường nên hàng lậu có cơ hội tuồn vào kênh này” - ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng là nguyên nhân kích thích các đối tượng nhập lậu. Tình trạng buôn lậu vàng gây nhiều hệ lụy, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tác động trực tiếp tới ngoại tệ nhất là đồng USD trên thị trường “chợ đen” tăng mạnh. Theo giải thích của ông Huỳnh Trung Khánh, các đối tượng buôn lậu sẽ đem vàng bán lấy VND, sau đó dùng VND đổi sang USD để tiếp tục ra nước ngoài mua vàng, buôn lậu vàng về Việt Nam. Buôn lậu càng nhiều, nhu cầu đổi USD càng lớn, sẽ làm giá USD “chợ đen” tăng cao và gây “chảy máu” ngoại tệ. NHNN cho rằng nhập khẩu vàng nguyên liệu sẽ tác động tới tỉ giá, giảm nguồn dự trữ ngoại hối nhưng thực tế sẽ không ảnh hưởng gì vì Việt Nam đang là nước xuất siêu, nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia đang trên 100 tỉ USD.

Sức mua bán vàng tại các tiệm vàng khá trầm lắng. Ảnh Thanh Hoa.
Sức mua bán vàng tại các tiệm vàng khá trầm lắng - Ảnh: Thanh Hoa

Theo ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM - chỉ khi cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, nhu cầu vàng trôi nổi nhập lậu không có thì tình trạng buôn lậu vàng mới giảm. Đồng thời sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường trong bối cảnh nhu cầu vàng trong nước đang giảm rất mạnh.

Ông Dưng cũng đánh giá sức mua bán tại các cửa hàng trên địa bàn TPHCM giảm tới hơn 70% so với các năm trước dịch COVID-19. Còn theo đánh giá của Hội Đồng vàng thế giới, quý I/2023, nhu cầu vàng của người dân tại Việt Nam giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 17,2 tấn. 

“Nước ta được đánh giá là lực lượng lao động có tay nghề giỏi về gia công vàng nhưng do thiếu vàng nguyên liệu sản xuất nên thị trường gia công xuất khẩu vàng nữ trang đang bỏ trống, trong khi các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đang làm tốt ở khâu này, tạo công ăn việc làm cho lao động” - ông Nguyễn Văn Dưng nói.

Giá vàng SJC trong nước luôn ngược chiều với giá vàng thế giới

Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ - cho biết giá vàng tại nhiều nước chỉ chênh lệch với giá vàng quốc tế vài USD/ounce (khoảng vài chục ngàn đồng/lượng). Trong khi đó giá vàng SJC tại Việt Nam luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 10-20 triệu đồng/lượng. Chênh lệch quá cao, người dân không còn nhu cầu đầu tư vàng, thay vào đó là chọn các kênh đầu tư khác như bất động sản, gửi tiết kiệm ngân hàng, kéo theo thị trường vàng trầm lắng. Nếu người dân có nhu cầu thì nên đầu tư vàng nhẫn thay vì vàng miếng vì giá của loại vàng này vẫn bám sát giá vàng thế giới, chỉ chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/lượng.  

Ông Hải đề nghị, Việt Nam đang có sàn giao dịch chứng khoán, đang hướng đến sàn giao dịch quốc gia về bất động sản và quyền sử dụng đất thì NHNN nên cho phép thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia. Có như vậy mới thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Theo đó người dân sẽ gửi vàng không lãi suất rồi nhận chứng chỉ “vàng giấy”, được quyền đặt lệnh mua bán vàng trên sàn. Lúc này, nhiều người sẽ gửi vàng tại ngân hàng, kéo theo giá vàng trong nước sẽ bình ổn trở lại và bám sát giá vàng thế giới, nhà nước không mất ngoại tệ nhập khẩu vàng.

Thanh Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI