Lý do đặt tên tỉnh An Giang sau sáp nhập

28/04/2025 - 10:41

PNO - Ngày 28/4, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức họp 33 (kỳ họp chuyên đề) và thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang, thành tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh sau hợp nhất là tỉnh An Giang, phù hợp với các yếu tố lịch sử. Đây cũng là địa danh đã có từ lâu, dễ đọc, dễ nhớ và dễ nhận diện.

Thêm vào đó, tỉnh An Giang hiện hữu có quy mô dân số lớn, đồng thời sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, nhằm hạn chế xáo trộn, giảm khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân ở các đơn vị hành chính chịu sự tác động và tránh lãng phí. Đồng thời được đông đảo cử tri đồng tình ủng hộ.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập tỉnh An Giang và Kiên Giang thành tỉnh An Giang - Ảnh Phú Hữu
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập tỉnh An Giang và Kiên Giang thành tỉnh An Giang - Ảnh Phú Hữu

Sau khi sáp nhập, An Giang trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch.

Sau sáp nhập, An Giang trở thành vựa lúa lớn nhất của cả nước với sản lượng 9 triệu tấn/ năm - Ảnh Phú Hữu
Sau sáp nhập, An Giang trở thành vựa lúa lớn nhất của cả nước với sản lượng 9 triệu tấn/ năm - Ảnh Phú Hữu

Trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất với hơn 9 triệu tấn/năm, là tỉnh dẫn đầu xuất khẩu lúa gạo của cả nước.

TP Rạch Giá trở thành trung tâm hành chính của tỉnh An Giang sau sáp nhập - Ảnh Phương Vũ
TP Rạch Giá trở thành trung tâm hành chính của tỉnh An Giang sau sáp nhập - Ảnh Phương Vũ

Đặc biệt, sau khi sáp nhập, An Giang có các điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam, Núi Cấm, Khu du lịch sinh thái Trà Sư, Hà Tiên, U Minh Thượng… sẽ trở thành điểm du lịch sôi động bậc nhất của cả nước, mỗi năm thu hút hơn 15 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Sau sáp nhập, tỉnh An Giang có 9.888,91km² (đạt 197,78% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 4.952.238 người (đạt 353,73% so với tiêu chuẩn) và 102 ĐVHC cấp cơ sở trực thuộc (gồm 85 xã, 14 phường và 3 đặc khu). Tỉnh An Giang giáp các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, TP Cần Thơ và Vương quốc Campuchia. TP Rạch Giá được chọn làm trung tâm hành chính cấp tỉnh.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI