Bé gái 7 tuổi lên ngôi hoàng đế
Triều Lý truyền đến đời Lý Huệ Tông đã suy thoái mạnh, như đánh giá của sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Đến đời Huệ Tông cái rường mối hư hỏng của thiên hạ đã quá lắm mà vua thì không phải người giỏi giang cứng cáp, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa mối hư hỏng lâu ngày thì làm thế nào được”.
Bản thân vua thì “say đắm, hoang dâm, giao chính sự cho quyền thần Tô Trung Tự, Trần Tự Khánh, vua yếu tôi mạnh, trời oán người giận, chính lệnh bạo ngược, hình phạt phiền hà, dân nghèo giặc nổi, mà cái điềm mất nước đã quyết định từ đấy” (Việt giám thông khảo tổng luận).
|
Lý Chiêu Hoàng (Tranh minh họa) |
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224), phe cánh họ Trần đứng đầu là Trần Thủ Độ lấy cớ vua mắc bệnh khó chữa, ép Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái út là công chúa Lý Phật Kim (tên khác là Lý Thiên Hinh), rồi đi tu ở chùa Chân Giáo. Vậy là trong bối cảnh chính sự phức tạp lúc đó, Lý Phật Kim - một bé gái 7 tuổi được lên ngôi, trở thành nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam với hiệu là Chiêu Hoàng.
Sử sách phê phán nặng nề chuyện Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái: “Nếu không may mà không có con trai thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình để nối giữ nghiệp lớn, đó cũng là một cách xử trí trong lúc biến vậy. Lý Nhân Tông đã làm như thế rồi, Huệ Tông sao không xét việc cũ mà làm theo, lại để đến sau lúc tật bệnh mới lập con gái mà truyền ngôi cho, thế có phải lẽ không?
Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ hậu và Vũ hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Câu chuyện lạ ngàn năm có một
Nhằm giành quyền bính cho dòng họ, Trần Thủ Độ đưa cháu là Trần Cảnh 8 tuổi vào cung làm người hầu cho Lý Chiêu Hoàng, rồi dựng lên chuyện hai người thành vợ chồng. Vở kịch chuyển giao ngôi vị hạ màn ngày 11 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu “nhường ngôi cho chồng”. Đến ngày mồng 01 tháng 12 cùng năm, chính thức rời khỏi ngai vàng, khoác hoàng bào lên người Trần Cảnh:
… Chiêu Hoàng ấn kiếm trên tay
Nhường trao quyền bính từ nay cho chồng
Sang trang sử mới nhà Trần
Vương triều biến chuyển, núi sông trở mình.
(Việt sử lục bát diễn ca)
Trần Cảnh lên ngôi, “đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng, sau đổi là Văn Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng đế” (Đại Việt sử ký toàn thư). Bấy giờ có thơ rằng:
Trần gia bất chiến tự nhiên thành,
Tuy chỉ sắc hề hoạn tiếm tranh.
Nhất thống sơn hà thập nhị thế,
Sắc đồng thiên địa thế lưu danh.
Nghĩa là:
Nhà Trần không đánh tự nhiên thành
Duy có sắc thôi, mới tiếm tranh
Nhất thống non sông mười hai cõi
Sắc cùng trời đất mãi lưu danh.
|
Hoàng đế trẻ con (Tranh minh họa) |
Chuyện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng được nhiều sử liệu ghi lại. Nhưng chỉ có duy nhất sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhận xét đây là chuyện lạ cổ kim khi so sánh với trường hợp được ngôi vua ở triều đại phương Bắc:
“Thực là việc lạ, suốt nghìn xưa chưa hề có. Các triều đại Bắc phương chưa từng có chuyện được nước như vậy bao giờ. Kìa như họ Sài nối nhà Chu đã là chuyện lạ, nhưng cũng chưa lạ đến như thế. Xem ra cũng chẳng qua như bọn Vương Mãng và Dương Kiên đó thôi.
Dầu chẳng mượn danh nghĩa là "bệ hạ có chồng", thiên hạ thế nào chắc cũng về tay họ Trần. Họ Trần lấy được nước, đều là nhờ công sức Thủ Độ, cũng như vua Thuận Trị nhà Thanh với Đa Nhĩ Cổn".
Dẫn ra trường hợp Sài Vinh là cháu của Sài Thị, vợ Chu Thái Tổ, đời Ngũ đại (923-959) được làm con nuôi vua. Sau khi Chu Thái Tổ mất, Sài Vinh nối ngôi (tức Chu Thế Tông).
Hay như giành quyền bính bằng cướp ngôi là trường hợp Vương Mãng (cháu Hiếu Nguyên hoàng hậu). Sau khi giết Hán Bình đế, đưa Nhụ Tử Anh lên ngôi được hai năm thì cướp ngôi nhà Hán.
Còn Dương Kiên có con gái là hoàng hậu của Tuyên Đế nhà Hậu Chu (951-959). Sau khi Tuyên đế mất, Dương Kiên phế ngôi của cháu ngoại mình là Chu Tĩnh đế, tự lập làm vua (tức Tùy Văn đế).
Đến đời Thanh có Đa Nhĩ Cổn là chú ruột Thanh Thế tổ (Thuận Trị, 1644-1661) đánh bại Lý Tự Thành, dẫn quân vượt quan ải, chiếm được cả nước Minh rồi đón vua vào cai trị. Thế nhưng, so chuyện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, chồng được làm vua là nhờ vợ với những chuyện ở Bắc triều thì đúng là nghìn năm trong lịch sử Bắc- Nam chỉ có một.
Lê Thái Dũng