Ly cà phê vỡ

21/02/2019 - 18:00

PNO - Khi truyền thông đưa thông tin về cuộc li hôn của ông bà chủ cà phê Trung Nguyên, tôi lặng người nghĩ về 4 đứa con, chúng nghĩ gì khi thông tin về ba mẹ mình chia tay và tranh chấp dày đặc trên các báo?

Tôi nghĩ về điều đó, bởi tôi cũng là một người mẹ, và cũng li hôn. Đặc biệt, tôi còn bị chồng cũ tranh chấp quyền nuôi con để... không phải chu cấp. Không có nhiều tài sản để chia và phiên tòa của tôi đầy nước mắt vì sự vô trách nhiệm của một người là cha của con mình.

Tôi có hai cậu con trai, một 4 tuổi và một 5 tuổi. Vì hai bé còn quá nhỏ, nhưng lại hơn 36 tháng để được ưu tiên mẹ nuôi nên tôi và chồng phải chứng minh ai có khả năng nuôi con hơn. Mặc dù, anh ấy có người khác và không cùng sống chung với ba mẹ con đã hơn hai năm, tôi mới đưa đơn. Anh ấy nói với tòa: muốn nuôi một đứa để về già có người lo cho mình.

Chỉ thấy buồn về những ngày con ốm con đau, một mình xoay sở với 2 con nhỏ, gọi điện cho anh, anh không nghe máy, nhắn tin anh cũng không về. Giờ lại muốn nuôi con để sau này nó đền đáp cho anh. Anh còn nói, nếu không thì ít nhất cũng ghi trên giấy li hôn là anh nuôi một, để tránh sau này tôi lại đòi chu cấp! Nghe thật chua chát. Nuôi hai đứa con đâu chỉ có tiền. Trộm nghĩ, suốt 5 năm ông Vũ Trung Nguyên đi thiền định, ai là người lo cho bốn đứa con để ông đi tìm đạo cà phê của mình?

Ly ca phe vo
Vợ chồng đưa nhau ra tòa, đó không phải là nơi mong muốn để kết thúc một cuộc hôn nhân

Lúc hai vợ chồng ra tòa hòa giải, chồng tôi cho rằng tôi đã không làm tròn trách nhiệm người mẹ khi hai đứa con vào thời điểm sơ sinh, tôi chưa từng cho con bú ban đêm. Tôi nuôi con mấy tháng không lên ký nào, cũng như ông Vũ nói về bà Thảo tại tòa: "nuôi mấy đứa con ba năm không lên ký nào". Nghĩ thật buồn vì thời điểm đó, chính anh là người kêu tôi đi ngủ để có sữa cho con bú, và cũng chính anh nói con không cần mập, chỉ cần con không bệnh là được.

Vậy mới thấy, những yêu thương ngày xưa, có thể trở thành gai nhọn để đâm đối phương khi tình yêu hết. Khi những lợi danh được mang ra đổi chác và không gì đau hơn là mang những đứa con ra để làm tấm bình phong cho mình.

Đã có lúc tôi muốn dừng, không yêu cầu chu cấp, ra khỏi nhà với hai tay trắng chỉ mong một chút bình yên để yêu và nuôi dạy hai con. Con trai tôi cần có một hình tượng tốt về người đàn ông mà nó gọi là Bố. Nhưng đắng lắm, nuốt mãi không trôi khi con nhắc về bố với niềm nhớ nhung da diết. Còn bố nó, ngoài những hăm dọa chửi bới những ngày đầu mẹ con mới ra riêng thì không được một lời thăm hỏi: Con có khỏe không, có nhớ bố không?

Đau! Người làm mẹ nào mà không đau khi con mình sống trong gia đình không đủ cha, đủ mẹ. "Con không cha như nhà không nóc" - câu đó quả không sai, là phụ nữ, nuôi dạy hai con trai vô cùng khó, chỉ cần chơi với nó thôi cũng đã khó khăn rồi. 

Và hình như, người phụ nữ nào cũng giống nhau, ít tiền hay nhiều tiền, nghèo khó hay sang giàu cũng hằn lên những đau khổ trong ánh mắt khi gia đình li tán. Khi những đứa con không sống được trong tình thương của cả cha lẫn mẹ, đó là những vết hằn mà sợ rằng không năm tháng nào phôi phai được.

Ly cafe đã vỡ, đắng lắm!

Lê Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI