Lý Anh Tông được khen vì không nghe lời vợ

02/11/2015 - 10:40

PNO - Lấy quốc gia làm trọng, không nghe lời vợ khuyên truyền ngôi cho người con bất tài, kém đức. Chính vì thế mà Lý Anh Tông được sử sách khen ngợi.

Một quyết định không hổ thẹn với trách nhiệm

Lý Anh Tông là hoàng đế thứ 6 của triều Lý, tên thật là Lý Thiên Tộ, lên ngôi ngày 01 tháng 10 năm Mậu Ngọ (1138) khi mới 2 tuổi.

Trong thời gian Lý Anh Tông ở ngôi, có một số biến loạn nhưng nhờ được triều thần giúp đỡ nên ngôi báu vẫn vững vàng. Làm vua 37 năm (1138-1175), ông tỏ ra là người biết điều hành chính trị, được sử sách ca tụng: “về mặt giữ dân, giữ nước, việc làm đáng khen. Lại đặt Xạ Đình, sai các quan văn võ hàng ngày luyện tập phép đánh trận, về mặt sửa binh nhung, giảng võ bị, quy mô đã thấy rõ” (Đại Việt sử ký toàn thư); “đặt ra trường Giảng Võ để nghiêm võ bị, làm miếu Khổng Tử để chấn hưng văn phong, cày ruộng tịch điền, lập đàn Nam Giao, xét về mặt chính trị cũng là kỹ càng” (Việt giám thông khảo tổng luận).

Ly Anh Tong duoc khen vi khong nghe loi vo
Truyền di mệnh cho đại thần (Tranh minh họa)

Lý Anh Tông có hai con trai, con trưởng là Long Xưởng không có chí, lại ham chơi, hiếu sắc nhưng vua nghĩ còn có thể dạy dỗ được nên bỏ qua những lỗi trước đây. Ai ngờ những cung nữ được vua sủng ái, yêu dấu, Long Xưởng đều tìm cách thông dâm, khiến Lý Anh Tông nổi giận phế Lý Long Xưởng làm thứ dân và bắt giam vào tháng 9 năm Giáp Ngọ (1174).

Tháng 7 năm Ất Mùi (1175) vua ốm nặng, hoàng hậu vào cung xin lập Lý Long Xưởng trở lại ngôi Thái tử. Vua khước từ nói rằng:

- Làm con bất hiếu còn trị dân sao được.

Trước khi mất, Lý Anh Tông lập di chiếu truyền ngôi cho con thứ là Lý Long Cán và cử Thái uý Tô Hiến Thành giúp công việc quốc gia.

Đánh giá về chuyện này, sử sách khen ngợi vua “không mê hoặc lời nói đàn bà, ký thác được người phụ chính hiền tài, có thể gọi là không hổ thẹn với trách nhiệm gánh vác” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Những bà hoàng mưu toan việc phế lập

Theo Đại Việt sử ký toàn thư , Lý Long Xưởng sinh tháng 11 năm Tân Mùi (1151) ở hành cung Ứng Phong, ai là mẹ đẻ của hoàng tử này, không thấy nhắc đến.

Sách sử cũng không ghi việc Lý Anh Tông lập hoàng hậu, trừ Đại Việt sử lược viết rằng vào tháng 10 năm Mậu Ngọ (1138) “lập một bà hoàng hậu”. Không rõ hoàng hậu này có phải là mẹ đẻ của hoàng tử Long Xưởng không nhưng theo sách Đại Việt sử lược thì bà chính là người xúi dục Long Xưởng quyến rũ một phi tần được Lý Anh Tông sủng ái: “Bà Nguyên phi là Từ thị được vua yêu, hoàng hậu bèn sai Long Xưởng ngầm dở ngón tư tình để mê hoặc Từ thị, muốn làm cho bà Từ thị bị vua xa lánh. Từ thị đem hết việc đó tâu vua, vua nhân đó giận dữ phế Long Xưởng đi”.

Ly Anh Tong duoc khen vi khong nghe loi vo
Bà hoàng khuyên dụ bề tôi (Tranh minh họa)

Long Xưởng bị phế, Lý Anh Tông chọn con thứ là Long Cán lập làm Thái tử khi mới hơn 1 tuổi. Tháng 7 năm Ất Mùi (1175) Lý Anh Tông mất, Thái tử lên kế vị (tức Lý Cao Tông), mẹ đẻ là Đỗ Thụy Châu được tôn làm Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu, buông rèm nhiếp chính.

Sử chép, thấy vua còn bé, Thái hậu lại mưu tính phế lập, sợ Tô Hiến Thành không theo, bèn đem vàng đút lót cho vợ ông để mua chuộc… Thái hậu lại vời Hiến Thành đến khuyên dỗ nhiều lần nhưng ông trả lời:

- Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, có lẽ nào hạng trung thần, nghĩa sĩ lại vui lòng mà làm được, huống chi lời tiên đế hãy còn văng vẳng bên tai! Thái hậu chẳng nghe nói về chuyện Y Doãn và Hoắc Quang đấy ư? Tôi đây không dám vâng lời.

Không rõ Thái hậu này là ai, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục suy đoán: “Về việc này sử cũ trên chép là "hoàng hậu" dưới chép là "thái hậu", cùng với "Chiêu Linh thái hậu" đã chép ở năm Trinh Phù thứ 3 (1178) đều không có họ, có lẽ cùng là một người mà sử cũ không chép được kỹ đó thôi”.

Nếu đúng là Chiêu Linh thái hậu thì bà hoàng họ Lê này chính là mẹ của Lý Anh Tông, là bà nội của Lý Cao Tông. Khi Long Trát lên ngôi, Lê Thái hậu được tôn là Thái hoàng Thái hậu Chiêu Linh (có sách chép là Linh Chiếu), bà nhiều lần khuyên các đại thần lập phế Cao Tông để lập Long Xưởng làm vua nhưng triều thần đứng đầu là Tô Hiến Thành đã kiên quyết làm theo di chiếu của Lý Anh Tông.

Tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179), Thái úy Tô Hiến Thành mất, một quan phụ chính khác là Lý Kính Tu lên thay chức vụ. Đến năm Nhâm Dần (1182) ông này được ban danh hiệu đế sư (thày của vua), sử viết: “Kính Tu trong thì hầu vua ở nơi màn trướng, ngoài thì dạy dân theo đạo trung hiếu. Từ đó, Chiêu Linh thái hậu không dám manh tâm tính chuyện phế lập nữa” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

 Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI