Luyện tập thể dục, thể thao đang trở thành nhu cầu thiết yếu

05/04/2024 - 06:47

PNO - “Ngày nào không tập thể dục là không chịu được” - đó là câu tâm tình của cụ bà tuổi gần 80 ở quận 7, TPHCM. Người dân TPHCM dường như ngày càng quan tâm hơn đến việc tập luyện để tăng cường sức khỏe, nhất là sau đợt dịch COVID-19 nghiêm trọng hồi giữa năm 2021. Các điểm tập thể dục, thể thao luôn sôi động từ sáng đến khuya.

Người trẻ đá cầu, người già đi bộ

6g30, ở công viên dọc bờ kênh qua khu dân cư Đức Khải (phường Phú Mỹ, quận 7) có cả trăm người tập thể dục, chơi thể thao. Ông Nguyễn Tiến Thiều - 61 tuổi, ở thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè - lau mồ hôi bằng chiếc khăn vắt trên cổ, mắt vẫn không ngừng theo dõi trận đấu trên sân cầu lông. Ông cho biết, mấy năm nay, sáng nào ông cũng chạy xe máy từ nhà sang quận 7 chơi cầu lông bởi gần nhà ông không có sân bãi, không gian.

Nhiều người dân ở TPHCM rèn luyện sức khỏe bằng môn chạy bộ - Ảnh: Nguyên Thảo
Nhiều người dân ở TPHCM rèn luyện sức khỏe bằng môn chạy bộ - Ảnh: Nguyên Thảo

Ở công viên này, có khoảng 5 sân cầu lông do người dân tự làm và nhiều bộ dụng cụ thể dục (TDTT) do chính quyền quận 7 cho lắp đặt. Ông Thiều nói, những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, học sinh, công nhân, viên chức đổ ra công viên này tập rất đông; trẻ thì lập nhóm đá cầu, chơi bóng rổ, nhảy dây, người lớn thì đẩy xà, đi bộ dọc công viên. Chỉ về phía những người từ huyện Nhà Bè sang đây tập thể dục, ông cho rằng, nhu cầu tập TDTT của người dân rất lớn nhưng số sân tập, sân chơi lại khá hiếm hoi.

Đi bộ ra công viên Đức Khải với mấy tấm bìa các tông được cắt ra từ những thùng mì tôm, bà Thanh Huệ -

“Mình không phải dân thể thao chuyên nghiệp nên không thể bỏ tiền ra thuê sân bãi. Ở đây (quận 7) còn có chỗ tập chứ bên Nhà Bè không có gì. Muốn chơi cầu lông như thế này, người dân Nhà Bè phải vào các khu dự án còn dang dở, kiếm chỗ trống, tự làm sân chơi”. Ông Nguyễn Tiến Thiều (thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè)

76 tuổi - lót chúng xuống sân rồi nằm dài, dùng lực đôi bàn chân móc vào thanh xà, nâng người lên rồi hạ xuống 20 lần, sau đó đổi sang dụng cụ tập tay. Những lúc các bộ dụng cụ đang có người tập, bà tìm chỗ trống đứng tập các động tác xoay hông, xoay khớp. Trên sân tập này, bà Huệ có biệt danh “siêu bền” bởi mỗi lần ra sân, bà tập chăm và bền bỉ.

Công viên dọc bờ kênh ở khu dân cư Đức Khải, quận 7 luôn có đông người đến tập thể dục - Ảnh: Thu Lê
Công viên dọc bờ kênh ở khu dân cư Đức Khải, quận 7 luôn có đông người đến tập thể dục - Ảnh: Thu Lê

Bà kể, cách đây 2 năm, bà bị đau khớp chân, nhờ siêng tập thể dục mà bệnh tình thuyên giảm nhiều: “Tập được là khỏe luôn, 2 chân bữa nay đi thoải mái. Tôi đi chợ, 2 tay xách 2 bọc nặng khỏe re. Ngày nào không ra tập là không chịu được. Mỗi ngày tập tiếng rưỡi (90 phút), có khi ham nói chuyện, 9g mới về”.

Ông Lê Bằng - quản lý một sân bóng đá mini ở quận Bình Tân - cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây, việc luyện tập TDTT sôi động hẳn. Ông đã mở rộng quy mô từ 8 sân lên 14 sân nhưng cứ đến giữa tuần, các sân đều kín đội đăng ký. “Trước đây, tụi tôi đóng cửa sân lúc 21g thì nay phải nới lên 22g30. Hiện nay, lượng khách đặt sân cố định theo tháng cũng tăng đáng kể. Có lẽ, sau đợt dịch COVID-19, người ta quan tâm đến việc tập luyện TDTT nhiều hơn để tăng đề kháng” - ông nhận xét.

Sáng 23/3, Hội LHPN quận 8 đã tổ chức cuộc thi bơi lội với 56 nữ “vận động viên quần chúng” dự thi. Bà Nguyễn Thị Thiên Nga - Chủ tịch Hội LHPN quận 8 - cho biết, phong trào TDTT quần chúng ở quận 8 những năm gần đây lên mạnh, cho thấy người dân quan tâm nhiều hơn đến việc rèn luyện sức khỏe. Phụ nữ mọi lứa tuổi hào hứng tìm kiếm, tham gia các câu lạc bộ TDTT, nhóm dân vũ, dưỡng sinh. Hội LHPN các cấp cũng tổ chức nhiều cuộc thi cho từng bộ môn để chị em có cơ hội thể hiện, cũng như có sân chơi lành mạnh. Hội thi bơi lội lần này cũng nhằm kết nối những chị em cùng chung sở thích.

Huy động nhiều nguồn đầu tư cho thể dục thể thao quần chúng

Ông Nguyễn Nam Nhân - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - đánh giá, cùng với những thành tích nổi bật ở lĩnh vực TDTT chuyên nghiệp, phong trào TDTT quần chúng của TPHCM cũng đang rất sôi động, đặc biệt là sau đợt dịch COVID-19 giữa năm 2021. Việc luyện tập TDTT đang trở thành nếp sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu của một bộ phận người dân.

Hội thi bơi lội do Hội LHPN quận 8 tổ chức ngày 23/3 với mục đích nâng cao ý thức rèn luyện thân thể của cộng đồng - Ảnh: Thu Lê
Hội thi bơi lội do Hội LHPN quận 8 tổ chức ngày 23/3 với mục đích nâng cao ý thức rèn luyện thân thể của cộng đồng - Ảnh: Thu Lê

Theo kế hoạch triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, số người luyện tập TDTT thường xuyên đạt trên 38% và năm 2030 đạt trên 42% dân số; phấn đấu đến năm 2025, số gia đình luyện tập TDTT thường xuyên đạt trên 28% và năm 2030 đạt trên 32% số hộ gia đình; đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và có ít nhất 3 câu lạc bộ TDTT cơ sở trở lên.

Ông Nguyễn Nam Nhân cho biết thêm, chính quyền thành phố đang quan tâm phát triển phong trào TDTT

“Theo thống kê của chúng tôi, đến nay, có 35,6% dân số của thành phố tham gia tập luyện thường xuyên các môn TDTT. Số người tham gia luyện tập TDTT đang tăng từng ngày, thể hiện qua không khí sôi động ở các sân bóng, sân cầu lông, công viên… Ở nhiều nơi, người ta luyện tập đến gần khuya”. Ông Nguyễn Nam Nhân

quần chúng bằng cách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ tập luyện ở công viên, nơi công cộng. TPHCM còn có 21 trung tâm văn hóa - thể thao cấp quận. Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, chính quyền thành phố cũng kêu gọi, tạo điều kiện để doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đầu tư cho TDTT.

Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM luôn khuyến khích việc phát triển các cơ sở TDTT tư nhân, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các hoạt động TDTT. Trong năm 2023, sở đã cấp chủ trương cho 171 giải thể thao lớn nhỏ do các doanh nghiệp đứng ra tổ chức, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thể thao cho 179 doanh nghiệp.

Bên cạnh những số liệu khả quan, ông Nguyễn Nam Nhân cũng thừa nhận, số sân tập, trang thiết bị thể thao ở cơ sở vẫn còn rất thiếu, chưa thể đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Ông nói: “Sở đã tham mưu cho UBND thành phố nhiều chương trình, kế hoạch để phát triển phong trào TDTT. Căn cứ vào các kế hoạch của cấp thành phố, các địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai ở xã, phường, trường học, cơ quan, đơn vị. Sở cũng sẽ nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ TDTT”.

Vào năm 1948, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Y tế thế giới. Hội nghị này đã quyết định bắt đầu từ năm 1950 lấy ngày 7/4 hằng năm làm ngày Sức khỏe thế giới.

Các nước thúc đẩy hoạt động thể chất ở thanh thiếu niên

Đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu thanh thiếu niên trên khắp thế giới phải chuyển sang hình thức học tập từ xa, bỏ qua các hoạt động ngoại khóa cũng như các trò vui với bạn bè. Điều này tác động không tốt đến việc chơi thể thao của thanh thiếu niên. Hiện tại, tỉ lệ tham gia hoạt động thể chất của lứa tuổi học sinh ở nhiều quốc gia đã dần hồi phục dù tốc độ còn chậm.

Giám đốc Y tế nước Anh khuyến nghị, thanh thiếu niên nên tham gia hoạt động thể chất ở mức từ vừa phải đến mạnh mẽ ít nhất 1 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, từ trước đại dịch, chỉ có 41% thanh thiếu niên 10-11 tuổi ở Anh tập đủ theo mức này. Khi cộng đồng thoát khỏi đợt giãn cách xã hội cuối cùng vào năm 2021 và học sinh bắt đầu đến trường, mức độ hoạt động dần được khôi phục. Dù vậy, đại dịch đã thay đổi cách vận động của thanh thiếu niên.

Tiến sĩ Robert Walker - nhà nghiên cứu tại Đại học Bristol (Anh) - và các đồng nghiệp của ông nhận thấy rằng, sự vận động của thanh thiếu niên hiện nay phụ thuộc vào các hoạt động có tổ chức hơn, chẳng hạn như câu lạc bộ thể thao, ít bao gồm các hoạt động tùy hứng như đi chơi với bạn bè sau giờ học. Sự thay đổi này bắt nguồn từ những thói quen được hình thành trong thời gian dài áp dụng lệnh giãn cách, bao gồm việc trẻ ở nhà nhiều hơn và ít đi ra ngoài hơn. Tiến sĩ Walker gọi đây là xu hướng “bình thường mới” đối với hoạt động thể chất của trẻ em.

Vào tháng 10/2023, Bộ Giáo dục Hàn Quốc tuyên bố tăng giờ giáo dục thể chất ở các trường công lập do lo ngại về tình trạng giảm hoạt động thể chất ở học sinh. Đối với các lớp nhỏ ở trường tiểu học, bộ quyết định đưa giáo dục thể chất thành môn học riêng biệt. Các biện pháp trung và dài hạn sẽ được chính phủ thực hiện từ năm 2024 đến 2028, sau khi đại dịch gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Chính phủ có kế hoạch tăng thời lượng môn giáo dục thể chất cho lớp Một và lớp Hai từ 80 giờ hiện tại lên 144 giờ vào năm 2025. Ở các trường trung học cơ sở, số giờ hoạt động của câu lạc bộ thể thao sẽ tăng 30%. Chính phủ cũng yêu cầu học sinh trung học phải học 10 tín chỉ thể dục từ năm 2025, khi hệ thống tín chỉ trung học được triển khai.

Theo một nghiên cứu mới từ Đại học thành phố New York (Mỹ), đến năm 2030, việc tăng số lượng trẻ em chơi thể thao thêm 25% sẽ giúp xứ sở cờ hoa tiết kiệm hàng chục tỉ USD chi phí y tế. Cụ thể, việc tăng cường sự tham gia của thanh thiếu niên vào hoạt động thể thao từ mức 50,7% hiện tại lên 63,3% có thể làm giảm 1,71 triệu trường hợp thừa cân và béo phì, đồng thời mang lại hơn 1,8 triệu năm sống khỏe mạnh cho thanh thiếu niên, qua đó tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe 22 tỉ USD và khắc phục hơn 25 tỉ USD tổn thất năng suất lao động do sức khỏe thể chất kém.

Linh La (theo Youth Sport Trust, Korea Joongang Daily, Daily Mail)

Thu Lê - Diễm Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI