Luyện chữ đẹp ở trẻ mầm non: đẹp nhưng… “độc”!

06/09/2014 - 18:51

PNO - PN - Đầu năm học mới, tại một trường tiểu học, tôi bất ngờ bắt gặp một bé gái tự viết vào đơn đăng ký nhập học lớp 1 cho… chính mình. Nhiều phụ huynh (PH) xúm lại xem, trầm trồ ngợi khen, có người còn quay sang chê con mình:...

Tay “gò”, miệng mếu

Ngày nay, hiếm trẻ nào bước vào tiểu học mà chưa biết đọc, biết viết. Dù ngành giáo dục đã ra chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1, nhưng do tâm lý sợ con thua sút bạn bè, không phải PH nào cũng an tâm khi đưa “tờ giấy trắng” của mình vào học lớp 1. Khởi động năm học mới, các cô giáo trường mầm non (MN) cũng rục rịch tổ chức học chữ tại trường sau giờ học chính khóa cho các học sinh lớp chồi, lá.

Liên hệ nơi tự xưng là hàng đầu về luyện viết chữ đẹp ở TP.HCM - Trung tâm Kimi (Q.10), chúng tôi bất ngờ khi trung tâm nhận “tuốt”, dù trẻ chưa vào lớp 1. Cô Mỹ Hằng (nhân viên trung tâm) cho biết, trung tâm có luyện chữ đẹp cho trẻ MN, miễn là trẻ đã biết mặt chữ. Khi chúng tôi tỏ vẻ lo ngại về tác hại của việc luyện chữ đẹp ở trẻ tuổi lên bốn - năm, cô Hằng trấn an: “Luyện chữ sớm là tốt, giúp bé viết cứng hơn”.

Luyen chu dep o tre mam non: dep nhung… “doc”!

Chưa tròn năm tuổi, con của chị Hồng Yến đã phải ngày đêm “vật lộn” với tập viết

Mới năm tuổi, cháu Nguyễn Hoàng N. (Q.4, TP.HCM) đã bị cận thị và dư cân. Cháu lại chậm chạp, thụ động, ngại tiếp xúc với người lạ. Từ một năm trước, N. đã bị “đày” luyện chữ mỗi ngày sáu tiếng: hai “cua” học ở nhà cô giáo, một “cua” do bà ngoại đảm trách tại gia. Hiện mỗi ngày, cháu phải viết năm trang tập, đọc một trang sách. “Cực hình” rèn chữ khiến cháu vật vã, ngán ngẩm. Dõi mắt nhìn các bạn chơi đùa, cháu N. liền bị bà ngoại gọi giật. Viết ẩu, viết xấu là bà mắng.

Cháu N. khi khóc, ói, khi oải quá nằm vật, ngủ trên bàn học. Ăn cơm, N. cũng phải kè kè tập, bút nếu chưa hoàn thành “chỉ tiêu”. Ai hỏi đến, bà ngoại bảo: “Phải nghiêm khắc, cháu mới chịu ngồi gò chữ. Cháu ham chơi lắm!”. Một người hàng xóm thấy bà có khả năng luyện chữ đẹp nên đưa con đến nhờ bà kèm, vậy là N. lại có thêm áp lực thi đua với bạn.

Hàng đêm nhìn con nhoài người trên bàn viết, chị Hồng Yến (H.Bình Chánh, TP.HCM) miệng méo xệch: “Tôi định không cho con học trước, nhưng khi thấy con người ta viết rành nên hoảng quá, liền đăng ký cho cháu rèn chữ. Thấy cháu tay mỏi nhừ, tỏ ra căng thẳng, uể oải, mất ngủ… cũng thương, nhưng ai chả vậy, mình không lo, lỡ mai mốt cháu chọi không lại bạn bè là ân hận”. Rèn chữ để theo kịp bạn bè, không bị cô giáo lớp 1 “kỳ thị” đã trở thành “dịch” của trẻ MN ở TP.HCM.

Luyện sớm hại nhiều

Xét về mặt thẩm mỹ, viết chữ đẹp có ý nghĩa nhất định đối với trẻ và cha mẹ trẻ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tâm lý, có khá nhiều trẻ em là nạn nhân của quá trình luyện chữ đẹp sớm. Trong nhiều trường hợp, tác hại của hoạt động này lớn gấp nhiều lần lợi ích của nó.

Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Ngô Xuân Điệp (Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM) khuyến cáo các bậc PH không nên cho trẻ học sớm và bắt ép trẻ “ngồi đồng” hàng giờ để luyện chữ đẹp. Trẻ chưa hoàn thiện trong phát triển vận động cơ xương khớp và thần kinh; trong quá trình luyện chữ đẹp, trẻ phải thực hiện một hoạt động không phù hợp với việc phát triển cơ thể và tâm lý của mình. Những trở ngại cơ bản nhất là phải viết chữ nắn nót (đôi bàn tay buộc phải vận động tinh xảo trong khi vận động thô là chủ đạo ở trẻ); điều chỉnh các nét chữ trong ô ly rất nhỏ (gây ức chế về hành vi của trẻ); cần độ tập trung chú ý rất cao của mắt và đôi bàn tay, dẫn đến tình trạng cận thị, loạn thị và quá tải nhiều cơ quan trong cơ thể.

Mặt khác, hoạt động lặp lại làm cho trẻ chán nản, không hứng thú học tập, còn làm trẻ lo sợ, mất đi tính hồn nhiên vốn có của trẻ; bắt trẻ phải chịu đựng quá lâu với trương lực cơ và sự chú ý với cường độ cao; trẻ phải chịu áp lực rất cao từ sự giám sát của người lớn.

Trẻ dưới sáu tuổi, hệ thống cơ xương khớp ở tay chưa phát triển thành thục nên việc luyện chữ nhuần nhuyễn theo ô ly là rất khó khăn. Với trẻ ở bậc tiểu học, luyện viết ngoài giờ sẽ làm cho trẻ mệt mỏi, sợ đi học. Khi bị ép quá, trẻ thường có biểu hiện căng thẳng, toát mồ hôi, đau bụng và ngủ mơ, lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh. Mặt khác, học trước dễ khiến trẻ chủ quan, không tích cực, hăng say khi học theo chương trình.

Luyện chữ đẹp thực ra chỉ đem lại sự vui vẻ cho cha/mẹ, giáo viên nhưng tạo ra sự khó chịu, căng thẳng cho trẻ. Nếu ép trẻ quá tải trong việc luyện chữ đẹp và luyện quá sớm, không những gây khó chịu cho trẻ mà còn có thể dẫn đến rối nhiễu tâm lý, rối loạn nhân cách.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI