Lưu ý cho người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ

29/04/2025 - 17:05

PNO - Thời gian qua, việc nhiều người nổi tiếng từ nghệ sĩ gạo cội đến KOL vướng lùm xùm quảng cáo hàng giả hoặc thổi phồng công dụng sản phẩm đã gây bức xúc dư luận và làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Những người nổi tiếng này sau đó đã bị cơ quan chức năng xử phạt theo quy định.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người có ảnh hưởng khi cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ, sẽ bị xem xét xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Người nổi tiếng quảng cáo sữa - Ảnh minh họa
Người nổi tiếng quảng cáo sữa - Ảnh minh họa

Theo Ủy ban cạnh tranh quốc gia, người có ảnh hưởng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ trên tư cách là cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Trong đó có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp cho người tiêu dùng, gồm: đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, xuất xứ hàng hóa, thời hạn sử dụng, phí, chi phí, phương thức, thời hạn giao hàng, phương thức vận chuyển, thanh toán.

Trường hợp người có ảnh hưởng tự thực hiện các thử nghiệm sản phẩm và đưa ra các đánh giá, nhận định mang tính cá nhân, nếu những nội dung này không chính xác, thiếu cơ sở, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, thì có thể bị xem là hành vi cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ và có thể bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, khi người có ảnh hưởng tham gia cung cấp thông tin cho người tiêu dùng với tư cách là bên thứ ba phải có trách nhiệm bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp người có ảnh hưởng nhận tài trợ dưới mọi hình thức từ tổ chức, cá nhân kinh doanh để cung cấp, giới thiệu thông tin về sản phẩm, thì người có ảnh hưởng còn có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ này.

Tới đây để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Uỷ ban này sẽ sử dụng công nghệ AI để phát hiện tự động các bài quảng cáo trá hình (dựa trên từ ngữ, hình ảnh, hành vi người dùng). Bên cạnh đó, tạo đường dây phản ánh/ứng dụng phản hồi để người tiêu dùng có thể phản ánh về bài đăng không minh bạch.

Quốc tế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thế nào?

Trên thế giới đã từng ghi nhận tình trạng người có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm và được rà soát bởi cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, tại Úc, năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) đã tiến hành rà soát và xuất bản báo cáo về người có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.

Theo đó, có 118 người có ảnh hưởng thuộc diện bị rà soát và có tới 81% cho thấy mối lo ngại trong việc cung cấp thông tin tới người tiêu dùng. Quá trình rà soát của ACCC cho thấy nhiều người ảnh hưởng đã gắn thẻ (tag) hoặc gửi lời cảm ơn đến thương hiệu trong bài đăng; chia sẻ lại bài viết của thương hiệu hoặc những bài ca ngợi thương hiệu đó từ người khác; đưa hình ảnh thương hiệu hay sản phẩm vào bài đăng hoặc video; đăng các mã giảm giá, liên kết mua hàng, cho thấy khả năng có thỏa thuận hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu sản phẩm…

Ngoài ra, nhiều người có ảnh hưởng còn chủ động trả lời bình luận của người theo dõi để thúc đẩy việc mua hàng, chẳng hạn như những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang thường giải đáp về kiểu dáng, kích cỡ trang phục hoặc hướng dẫn nơi còn hàng. Bên cạnh đó, cuộc rà soát cũng phát hiện một số hành vi lừa dối đáng quan ngại từ phía người có ảnh hưởng và các thương hiệu như: chiêu trò “tấn công tâm lý” người tiêu dùng, quảng cáo khai thác tâm lý người tiêu dùng…

Theo đó, ACCC đưa ra 12 lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn này, bao gồm các vấn đề tiêu dùng trong nền kinh tế kỹ thuật số, tập trung các hành vi gây nhầm lẫn hoặc quảng cáo lừa đảo liên quan đến người có ảnh hưởng.

Còn tại Mỹ, Ủy ban Thương mại công bằng (US.FTC) là cơ quan thực hiện chức năng quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Năm 2019, US.FTC đã xuất bản Hướng dẫn dành cho người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Tài liệu này đưa ra hướng dẫn cụ thể cho người có ảnh hưởng thực hiện hoạt động cung cấp thông tin tới người tiêu dùng.

Cụ thể, nếu người có ảnh hưởng được thương hiệu tặng sản phẩm miễn phí, giảm giá hoặc những ưu đãi khác, và nhắc đến sản phẩm đó trong bài đăng của mình, thì phải công khai thông tin này, ngay cả khi không ai yêu cầu người có ảnh hưởng phải làm vậy.

Nếu đăng bài từ nước ngoài, luật pháp Mỹ vẫn có thể được áp dụng nếu bài đăng đó có khả năng ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ. Đồng thời, luật pháp tại quốc gia nơi đăng bài cũng có thể được áp dụng.

Nếu không có bất kỳ mối liên hệ nào với thương hiệu và chỉ đơn giản chia sẻ về một sản phẩm mình tự mua và yêu thích, người có ảnh hưởng không cần phải tuyên bố rằng mình không có liên kết với thương hiệu đó.

Ngoài ra, US. FTC đưa ra khuyến cáo đối với hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng như sau: Không nên chia sẻ trải nghiệm cá nhân với một sản phẩm nếu thực tế chưa từng sử dụng sản phẩm đó. Nếu được trả tiền để quảng bá một sản phẩm nhưng thực sự thấy sản phẩm không tốt, thì không được phép nói rằng nó tuyệt vời. Ngoài ra, nếu tính năng của sản phẩm cần bằng chứng xác thực trong khi phía thương hiệu không cung cấp được bằng chứng khoa học, thì không được phép khẳng định tính năng đó của sản phẩm (ví dụ như sản phẩm có khả năng chữa bệnh).

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI