Lưu giữ những kỷ niệm của bé

24/11/2014 - 17:22

PNO - PN - Khi đã qua cái tuổi “nhí nhố”, trẻ bắt đầu cảm nhận được dòng chảy của thời gian. Các bé có thể nhớ lại những cuộc vui hoặc nỗi buồn trong quá khứ, nhớ lại màu sắc, âm thanh và hương vị của những lần đi chơi xa...

edf40wrjww2tblPage:Content

Một cuốn nhật ký có thể giúp trẻ tự lưu giữ những kỷ niệm quý báu này. Tuy vậy, ghi chép không phải là một hoạt động thích hợp với mọi lứa tuổi và tính tình của trẻ. Thú vui thủ công phổ biến là làm sổ lưu niệm (scrapbook) vừa giúp trẻ phát triển khả năng khéo tay, vừa giúp các bé ghi lại những kỷ niệm của mình một cách trực quan hơn.

Luu giu nhung ky niem cua be

Scrapbook là gì?

Đó là loại sổ dùng để lưu giữ hình ảnh, hình vẽ và những đồ thủ công cắt dán, vốn được biết đến trong cộng đồng thủ công thế giới. Đây là một “dự án” thủ công thú vị. Việc thường xuyên cắt dán, trang trí scrapbook có thể biến thành một thói quen, vừa giúp bé tăng cường khả năng khéo léo, vừa cho phép bé tự tay lưu lại những kỷ niệm quý báu của tuổi thơ.

Điểm độc đáo của scrapbook là nội dung có thể đưa vào cuốn sổ này vô cùng phong phú. Thông thường sổ được dùng để gắn hình chụp như một sổ album, nhưng bố mẹ và bé có thể thêm vào rất nhiều loại nội dung khác, miễn sao chúng vừa trang giấy của cuốn sổ. Đó có thể là lá cây ép khô lượm được từ một chuyến du ngoạn, hay những hình vẽ ngây ngô của bé, hoặc một bài tập đạt điểm cao... Như thế, các kỷ niệm của bé và gia đình sẽ được lưu lại không chỉ bằng hình ảnh mà còn bằng những kỷ vật gợi nhớ đến các kỷ niệm đó.

Luu giu nhung ky niem cua be

Lưu giữ những khoảnh khắc thân thương

Đầu tiên, bố mẹ giúp bé chuẩn bị các vật dụng và công cụ cần thiết. Quan trọng nhất là một cuốn sổ bìa cứng có kích cỡ khoảng 30x30cm. Đừng chọn sổ có thiết kế bìa quá phức tạp, hãy để bé tự thiết kế bìa bằng hình chụp của mình, thêm cả dấu in bàn tay, chữ ký... để biến cuốn sổ thành một vật dụng độc đáo của riêng bé. Cuốn sổ này sẽ nhanh chóng dày lên sau một thời gian bởi nhiều mảnh thủ công và hình kẹp bên trong, nên khi mua sổ, bố mẹ cần lưu ý độ rộng của gáy sổ.

Ngoài dụng cụ thủ công như kéo, thước đo, hồ dán, để sổ lưu niệm thêm phong phú, bố mẹ có thể mua thêm các dụng cụ và vật liệu như: một bộ con dấu có hình ảnh ngộ nghĩnh, giấy nhựa trong suốt để lồng ảnh, các loại màu vẽ, kim tuyến và giấy thủ công.

Cần giải thích cho bé hiểu cách sử dụng cuốn scrapbook này. Bố mẹ nên giúp bé thực hiện một vài trang đầu tiên. Hãy lấy một sự kiện vừa diễn ra với bé để bắt đầu, sử dụng cả hình chụp bé và gia đình trong sự kiện lẫn những vật dụng có liên quan đến sự kiện đó, sau đó dán vào trang sổ với các trang trí xung quanh. Chẳng hạn: một buổi đi chơi của bé và gia đình ra bãi biển. Bố mẹ có thể cùng bé thu thập các lá cây, cát biển, vỏ ốc, vỏ sò và dán chúng xung quanh những hình chụp.

Giá trị của scrapbook sẽ tăng dần với công sức mà cả nhà cùng chung tay trang trí. Nhiều năm sau, khi bé lớn lên, cả nhà có thể ôn lại những sự kiện vui buồn trong tuổi thơ của bé. Cuốn sổ lưu niệm đó sẽ trở thành một bộ sưu tập vô cùng thân thương cho bé, kể cả khi bé đã trưởng thành.

 XI NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI