Lưu giữ ký ức về một mùa dịch

20/05/2020 - 08:10

PNO - Ký ức về đại dịch sẽ được nhân loại lưu trữ với một niềm khắc khoải: liệu chúng ta có bỏ lỡ điều gì không?

Buồn, đau đớn, mất mát hoặc cảm thụ những thói quen cũ hay những điều “bình thường mới”, ký ức về đại dịch sẽ được nhân loại lưu trữ với một niềm khắc khoải: liệu chúng ta có bỏ lỡ điều gì không?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Obi Uwakwe lái xe qua những con đường vắng ở Chicago, ghi lại cuộc sống mùa dịch COVID-19. Điều khiến ông đứng khựng, nghiêng mình là chiếc quan tài vừa rời khỏi nhà thờ với vài người chịu tang, khẩu trang che kín mặt. Người đàn ông 43 tuổi giơ máy ảnh lên. Cú máy đó trở thành nguồn cảm hứng để Uwakwe tiếp tục tạo ra những hình ảnh sống động của đại dịch. Trên khắp thế giới, những người như ông cùng với thư điện tử, tranh vẽ, bài viết, dòng trạng thái… đã và đang “định hình” cách thức mà thế giới sẽ nhớ về đại dịch COVID-19 cho đến muôn đời.

Dòng người Ấn Độ di tản về quê vì mất việc làm
Dòng người Ấn Độ di tản về quê vì mất việc làm

Ngoài mạng xã hội, các bảo tàng đã bắt đầu thu thập tài liệu. Lịch sử đang được viết bằng những điều thường nhật qua câu chuyện của chính người thân. Sử gia nắm bắt và chia sẻ ngay cả những khoảnh khắc trần tục nhất xung quanh họ. Erika Holst - người phụ trách lịch sử tại Bảo tàng Illinois, nói: “Các nhà sử học sẽ coi đây là một ký ức tập thể hơn bất kỳ khoảnh khắc nào khác trong lịch sử nhân loại. Ai cũng đã xúc động vì sự sống và cái chết. Mỗi người đều có một câu chuyện. Việc thu thập các vật phẩm trong cuộc sống thường nhật hiện nay cho phép các nhà sử học nâng niu những câu chuyện đằng sau chúng. Đó là những thứ quý hiếm khi mọi thứ qua đi”.

Với tư cách sử gia, bà Holst nhấn mạnh thêm, thông thường họ sẽ để ý đến rất nhiều con số, số người chết, người mắc bệnh, hậu quả kinh tế… nhưng COVID-19 không phải chỉ có thế. Sự kiện “kinh thiên động địa” này đang buộc các nhà sử học phải cân bằng giữa việc ghi lại khoảnh khắc phù du hay là những điều sẽ vượt qua thời gian, không gian.

Bảo tàng lịch sử quốc gia Hoa Kỳ Smithsonian đã lập tổ công tác đặc biệt thu thập và bảo quản các đồ vật, hình ảnh và tài liệu về đại dịch thành những bộ sưu tập vĩnh cửu như một phần của lịch sử. Bằng các hashtag # của riêng mình, Hội lịch sử Maryland đang chia sẻ các bài đăng trên blog và mạng xã hội dành cho COVID-19. Trong đó, người ta bàng hoàng xúc động về lá thư của một người phụ nữ sau này được xác định là Lauren từ Darlington, giải thích nỗi sợ hãi của cô về quyết định ký hợp đồng làm việc trong mùa dịch. Cả hai vợ chồng đều đi làm trong thời gian cách ly và họ có hai con nhỏ ở nhà. “Tôi phải đi làm, nếu không chỉ nhận được hai phần ba số tiền lương bình thường”, cô viết và lo lắng về việc lây bệnh cho mẹ già. Heather Voelz ở Taylorville thì gửi một bức ảnh về những đứa trẻ của cô vào lễ Phục sinh cho Bảo tàng Illinois. Ngoài ảnh, người mẹ này cho hay, hai đứa con 3 và 5 tuổi của mình đang có một cuốn nhật ký do cô tìm thấy trên mạng. Voelz gợi ý đưa tác phẩm này vào kệ sách thiếu nhi như họ đã làm.

Hàng vạn hình ảnh về những người trẻ giúp người già trong đại dịch ở Bolivia, những chiếc cần cẩu giúp các gia đình “đoàn tụ” trong lúc phong tỏa ở Bỉ, dòng người Ấn Độ di tản về quê vì mất việc làm khi cách ly toàn xã hội được ban ra… và hình ảnh Việt Nam với tinh thần chống dịch kiên cường đến mức cả thế giới phải xuýt xoa “phản ứng quá sức nhưng cần thiết đã giúp Việt Nam chiến thắng vi-rút” đi kèm những hình ảnh toàn dân đeo khẩu trang chống dịch từ rất sớm. Tất cả sẽ là những kỷ vật đáng lưu trữ của thế giới.

Quốc Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI