“Lướt Phây” chứ không để “Phây lướt mình”

08/10/2021 - 12:00

PNO - Hãy giữ tâm thế chủ động tìm và chủ động xem, đồng thời chủ động vào trang cá nhân của những người bạn quan tâm.

Nếu tâm trạng của bạn bị ảnh hưởng vì thông tin trên mạng, bạn cần một tâm thế và kỹ năng mới để chủ động bước vào thế giới ảo và “nguyên vẹn” khi bước ra.

Mạng xã hội lúc nào cũng ngập tràn “drama” (chuyện giật gân, kịch tính), lướt đến đâu cũng gặp các đề tài gây tranh cãi.

Người dùng mạng, đặc biệt là chị em nhiều khi khổ sở, bị ảnh hưởng tinh thần, và hoang mang không biết tin vào đâu giữa biển tin tức. Nhiều người còn chuốc họa ở thế giới thật vì lỡ sa vào drama trên thế giới ảo rồi hồn nhiên “like”, “share” hay bình luận.

Để “trụ” được trên mạng xã hội, chị em thực sự cần vài “bí kíp” tiếp cận với tin tức, nội dung giải trí. Dưới đây là một vài gợi ý để bạn “sống tốt” giữa cõi mạng thời dịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xác định rõ “cần thiết” và “quan tâm”

Bạn lên mạng để đọc tin tức và giải trí, thực tế là mạng xã hội đang bày ra “hầm bà lằng” các loại thông tin. Trong số đó, có rất nhiều thông tin hấp dẫn, khiến bạn quan tâm và muốn nhấp chuột, nhưng chính bạn cũng biết chắc là thông tin ấy tiêu cực và hoàn toàn không cần thiết với bạn. Đây là loại tin tức sẽ lấy đi thời gian và năng lượng tích cực của bạn. 

Việc xác định rõ “vòng tròn cần thiết” và “vòng tròn quan tâm” là rất quan trọng để bạn bảo vệ năng lượng của mình khi đọc tin tức hoặc tham gia mạng xã hội.

Theo đó, bạn hãy tỉnh táo lọc ra điều mình kiếm tìm, và chỉ xem những thông tin cần thiết. Tránh để thị hiếu thiếu tỉnh táo dẫn dắt vào những mối quan tâm vô thưởng nhưng… hữu phạt.

Khước từ tin tức tiêu cực

Những tin đồn tiêu cực, những chuyện “bóc phốt” chưa rõ thực hư chắc chắn không phải thông tin cần thiết cho bạn. Nhưng dạng tin “nửa thực nửa hư” này có khối lượng tương tác khổng lồ. Chỉ cần bạn sa chân vào, bạn phải mất hàng giờ, thậm chí hàng ngày trời để đọc hết các diễn biến, các bình luận.

Với nhiều người, đây là một cách giải trí. Nhưng khi bạn đang tìm kiếm một cách giải trí nhẹ nhàng, một nơi có năng lượng tích cực thì hãy tránh xa những tin tức như thế.

Xác định ranh giới giữa cảm xúc và hành động

Câu chuyện trên mạng cũng có thể gây cho bạn những cảm xúc mạnh mẽ không khác gì so với bạn chứng kiến nó ngoài đời.  Hãy tôn trọng những cảm xúc đó, và giữ an toàn bằng cách không vội hành động bộc phát. Ngay cả khi bạn tức giận, bất đồng trước một sự việc thì cũng không nhất thiết phải bày tỏ lập tức theo cảm xúc.

Cảm xúc bộc phát là bình thường, nhưng hành động bộc phát là một trong những nguyên nhân đưa bạn vào những tình huống kém an toàn.  Hãy dừng một nhịp, để cân bằng lại cảm xúc, “giãn cách” thêm một chút có thể giúp bạn hành động trong một trạng thái tỉnh táo, cân bằng hơn.

Bình yên trên mạng

Lướt Facebook là việc tiêu tốn thời gian, dễ mất năng lượng. Để khắc phục việc này, bạn cần phải thực sự “lướt Phây” chứ không để Facebook “lướt” mình. Nhiều người sử dụng mạng xã hội đã dùng cách sau:

Dành một buổi để chọn lọc và bấm “theo dõi” những trang thông tin bạn muốn theo dõi, “bỏ theo dõi” những trang thông tin không cần thiết, những trang hay đưa tin giật gân, u ám…

Một lưu ý nữa, là thay vì “lướt”, bạn có thể tập thói quen truy cập đúng trang mình tin cậy để cập nhật thông tin mới. Hãy giữ tâm thế chủ động tìm và chủ động xem, đồng thời chủ động vào trang cá nhân của những người bạn quan tâm.

Cách làm này sẽ giúp bạn sử dụng thời gian chơi mạng xã hội một cách hiệu quả, trọng tâm, và không bị dòng chảy của “drama” dẫn dắt, mang rủi ro cho tâm trí và tâm trạng của bạn. 

Gia Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI