Lượng phát thải của Trung Quốc vượt quá tất cả các nước phát triển cộng lại

07/05/2021 - 17:48

PNO - Theo nghiên cứu mới công bố của viện nghiên cứu Rhodium, Trung Quốc hiện chiếm lượng khí thải nhà kính nhiều hơn tất cả các quốc gia phát triển trên thế giới cộng lại. Số liệu của Rhodium ghi nhậnTrung Quốc thải ra 27% khí nhà kính toàn cầu trong năm 2019 - vượt qua tất cả các quốc gia OECD (gồm 35 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) - cộng lại.

Việc liên tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than là một trong những lý do chính khiến lượng phát thải khí nhà kính của Trung Quốc vượt lên vị trí hàng đầu thế giới - Ảnh: Getty Images
Việc liên tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than là một trong những lý do chính khiến lượng phát thải khí nhà kính của Trung Quốc vượt lên vị trí hàng đầu thế giới - Ảnh: Getty Images

Vua ô nhiễm

Không phải ngẫu nhiên trang mạng tài chính quốc tế Bloomberg gọi Trung Quốc là “Vua ô nhiễm”. Dữ liệu của Rhodium Group cho biết, lượng khí phát thải của Trung Quốc – bao gồm 6 loại khí giữ nhiệt, bao gồm carbon dioxide CO2, methane và nitrous oxide (N2O ) - đã đã tăng lên 14,09 tỷ tấn tương đương CO2 vào năm 2019, vượt xa tổng số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khoảng 30 triệu tấn.

Quy mô phát thải khổng lồ của Trung Quốc cho thấy rõ đường lối nỗ lực thúc đẩy phát thải carbon đạt đỉnh cao nhất trước năm 2030 và đạt mức zero vào năm 2060. Trung Quốc chiếm 27% lượng khí phát thải toàn cầu. Mỹ - quốc gia phát thải lớn thứ hai – chiếm 11%, trong khi Ấn Độ lần đầu tiên vượt qua Liên minh châu Âu (EU) với khoảng 6,6% tổng số phát thải toàn cầu.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nước có có dân số lớn nhất thế giới, do đó lượng khí thải bình quân đầu người của nước này vẫn ít hơn nhiều so với Mỹ. Và xét trên trên cơ sở lịch sử, các thành viên OECD vẫn là “thủ phạm” làm thế giới nóng lên nhiều nhất, vì họ đã phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển nhiều gấp 4 lần so với Trung Quốc kể từ năm 1750.

Phát thải trong quá khứ

Rhodium Group cho rằng, việc Trung Quốc bắt đầu công nghiệp hóa muộn đồng nghĩa với việc nước này “tụt hậu” về lượng khí thải tích lũy so với các nước phát triển.

Các nhà nghiên cứu cho biết, “sự nóng lên toàn cầu hiện nay là kết quả của khí thải tích lũy từ cả quá khứ gần đây và quá khứ xa hơn”.

Người dân Trung Quốc vẫn còn sử dụng chất đốt phát thải nhiều khí nhà kính - Ảnh: Getty Images
Người dân Trung Quốc vẫn còn sử dụng chất đốt phát thải nhiều khí nhà kính - Ảnh: Getty Images

Theo ước tính của Rhodium, trong ba thập kỷ qua, lượng khí thải của Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba lần. Đồng thời, lượng khí thải toàn cầu đạt 52 gigaton tương đương CO2 vào năm 2019, tăng 11,4% trong thập kỷ qua.

Bà Kate Larsen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách khí hậu quốc tế tại Rhodium Group, cho biết, những gia tăng đó khiến thế giới đi chệch hướng trong việc đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris - nhằm mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Bắc Kinh cho biết họ sẽ sử dụng than đạt mức cao nhất vào năm 2025 và bắt đầu loại bỏ dần từ năm sau đó - Ảnh: Getty Images
Bắc Kinh cho biết họ sẽ sử dụng than đạt mức cao nhất vào năm 2025 và bắt đầu loại bỏ dần từ năm sau đó - Ảnh: Getty Images

Bà Larsen cho biết lượng khí thải bình quân đầu người của Trung Quốc tăng lên “phần lớn là do mức sống cao hơn, sử dụng nhiều năng lượng điện hóa thạch và vai trò của đại lục như là nhà sản xuất hàng hóa tiêu thụ trên khắp thế giới”.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu vào tháng trước, Trung Quốc đã nhắc lại cam kết đạt mức khí thải cao nhất trước năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060, chậm hơn một thập kỷ so với các nền kinh tế lớn khác. Bắc Kinh cũng cho biết họ sẽ sử dụng than đạt mức cao nhất vào năm 2025 và bắt đầu loại bỏ dần từ năm sau đó.

Thanh Hải (theo Bloomberg, Rhodium Group)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI