![Lương không đủ sinh con, lo hình thành thế hệ thanh niên “3 không” ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phát triển kinh tế phải song hành với phát triển con người bền vững - ẳnh: Media Hà Nội](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250214/images/luong-khong-du-sinh-lo-hinh-_31739521024.jpg) |
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phát triển kinh tế phải song hành với phát triển con người bền vững - Ảnh: Media Quốc hội |
Lao động TPHCM thu nhập 10,5 triệu đồng/tháng mới đủ sống
Chiều 14/2, tại phiên thảo luận tổ của đoàn ĐBQH TPHCM, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao quyết tâm của Bộ Chính trị, của Chính phủ khi đặt mục tiêu năm 2025 đạt tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên. Ông cho rằng, Việt Nam có tiềm lực để thực hiện mục tiêu này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới còn biến động, không chỉ chiến tranh mà còn có các chính sách áp thuế, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân lo lắng, chưa ai lường được diễn biến thế nào, gây hậu quả ra sao. Do đó, tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên là định hướng, nhưng nếu chịu tác động khách quan thì theo ông, con số 7,9% cũng đã thành công.
Bên cạnh phát triển kinh tế, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân lưu ý phải phát triển bền vững về mặt con người. Ông dẫn bài học từ Nhật Bản, sau hơn 30 năm tăng trưởng 2 con số, tăng trưởng kinh tế đã “đi ngang” 29 năm. Một trong những lý do là không giữ được tỉ suất sinh thay thế.
Do đó, ĐBQH đề nghị Chính phủ thực hiện 2 lộ trình: thứ nhất là thúc đẩy kinh tế, thứ hai là giữ vững được tỉ suất sinh thay thế:
“Muốn 1 người phụ nữ đẻ được 2 con thì lương của 1 người phải nuôi được mình và 1 con. Nói cách khác lương 2 người phải nuôi được 4 người. Thế giới gọi đó là lương đủ sống - chứ không phải lương tối thiểu. Nguyên nhân sâu sắc nhất giảm tỉ suất sinh thay thế là lương không nuôi đủ 2 con”.
Ông đề nghị từ năm 2025 - 2035, lương tối thiểu phải chuyển sang lương đủ sống tối thiểu. Ông trích một khảo sát tại TPHCM, người dân cho biết, thu nhập gia đình phải đạt khoảng 21 triệu đồng mới đủ chi phí cho 4 người. Như vậy, lương đủ sống bình quân của 1 người là 10,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu vùng của TPHCM hiện mới là 4,96 triệu đồng/người/tháng.
Có ý kiến băn khoăn: nếu tăng lương lên, Việt Nam còn hấp dẫn đầu tư không? ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân khẳng định “không phải lo điều đó”. Ông cho biết, lương tối thiểu của lao động TPHCM hiện khoảng 0,95 USD/giờ. Nếu tính lương đủ sống tối thiểu là 10,5 triệu/người/tháng thì tương đương với thu nhập 1,9 USD/giờ.
Nếu tính như trên, lương đủ sống tối thiểu của Việt Nam chỉ chiếm chi phí bằng 26% lương tối thiểu của Nhật Bản, 27% của Hàn Quốc... So sánh như vậy để thấy, lương đủ sống của Việt Nam vẫn đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài.
“Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, nếu không giải quyết sớm được trước năm 2040, sẽ hình thành thanh niên "3 không": không lấy vợ - không đẻ con - không bức xúc trước việc không đẻ ảnh hưởng tới tồn vong đất nước. Lúc đó không ai còn thúc đẩy sinh con nữa” - ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây là thời cơ để tăng lương đủ sống cho người dân sinh con.
Kích thích tiêu dùng, đầu tư để tăng trưởng kinh tế
![Lương không đủ sinh con, lo hình thành thế hệ thanh niên “3 không” Thảo luận tổ tại đoàn ĐBQH TPHCM - ảnh: H.Anh](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250214/images/luong-khong-du-sinh-lo-hinh-_891739521292.jpg) |
Thảo luận tổ tại đoàn ĐBQH TPHCM - Ảnh: H.Anh |
ĐBQH Trần Anh Tuấn nhìn nhận, mục tiêu từ đây tới cuối năm đạt tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các ngành các cấp. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để đạt được mục tiêu đó?
Đồng tình với các giải pháp quan trọng được Chính phủ nêu. ĐBQH lưu ý thêm 4 vấn đề.
Thứ nhất, động lực tăng trưởng truyền thống hiện có: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và Chính phủ đặt ra các chi tiêu rất lớn. Ví dụ như xuất nhập khẩu tăng 12% trở lên, tiêu dùng tăng 12% trở lên.
Song để tiêu dùng tăng 12% trở lên, trong bối cảnh những năm gần đây - tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng dưới 10% là không đơn giản. Chính phủ phải có các giải pháp đi kèm để kích thích tiêu dùng, kích cầu đầu tư.
Hiện, xu hướng lãi suất tăng chậm, ĐBQH đề nghị có giải pháp tung tiền dự trữ bắt buộc để làm chững lại. Dòng tiền đưa ra nền kinh tế phải đạt trên 16%, để thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất. Trong đó, chính sách tài khóa phải đồng hành. Chính phủ cũng cần có lộ trình về việc tăng thuế trong bối cảnh các loại thuế có xu hướng tăng.
“Thuế tăng phải thận trọng, có lộ trình để đồng hành chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ nới lỏng thì chính sách tài khóa phải nới lỏng theo” - ĐBQH nói.
Thứ hai, đầu tư công năm 2025 dự kiến gần 800 ngàn tỉ nhưng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi phải sử dụng ngay. Dòng tiền này dùng cho các dự án cấp bách, quan trọng như: dự án trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm tài chính TPHCM, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...
Thứ ba, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là cơ sở, động lực để chuyển đổi số, thay đổi khoa học công nghệ. Việc này phải có chính sách hỗ trợ, thu hút, ưu đãi đầu tư để thu hút FDI hoặc đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.
Theo ông, chính sách miễn giảm thuế mạnh là giải pháp để thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Khoa học công nghệ rất quan trọng, là nền tảng phát triển của năm 2025.
Thứ tư, ĐBQH Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, bên cạnh thực hiện tinh giản bộ máy, chúng ta phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Minh Quang