Lương Hữu Phước - bi kịch của hành trình đơn độc

28/06/2020 - 20:51

PNO - Nhìn lại bi kịch của người đàn ông mang tên Lương Hữu Phước, hóa ra, là một hành trình đơn độc. Khó ai có thể biết hết được, suốt 4 năm qua, ông Phước đã sống như thế nào; và trong ngày 29/5 định mệnh ấy, vì sao ông lại quyết định nhảy lầu, lại tại cái nơi đã ban án phạt ba năm tù đày lên vai ông? Cuộc tự sát đó có thể là chuyện riêng của ông Lương Hữu Phước, ngoài quy trình trách nhiệm của các phiên tòa lẫn những vị cán bộ tư pháp, có thể, ông Phước chọn chết vì tuyệt vọng, khi không còn một sức mạnh nào để bấu víu. Có thể, tính mạng mới chính là hành trang cuối cùng ông quyết dùng vào cuộc phân xử.

Sau 5 ngày kể từ khi ông Lương Hữu Phước - người nhảy lầu tự tử sau tuyên án 3 năm tù tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước - sự việc gây chấn động dư luận vào chiều 29/5, chúng tôi về thăm gia đình ông ở TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Một bàn thờ nhỏ, có phần đơn sơ mới được lập nơi góc trái gian nhà chính, phía bên trên là một bàn thờ không có di ảnh, thờ người con gái đầu của hai ông bà - bị hiếp, giết ở tuổi 13.  

Ông Lương Hữu Phước
Ông Lương Hữu Phước

“Nếu ba đi tù, ở nhà, mấy mẹ con vẫn phải kêu oan cho ba” 

Nhớ lúc còn sống, ông Phước liên tục kêu oan. Sau hai kỳ sơ thẩm mà vẫn y án, gia đình vay mượn nội, ngoại được 30 triệu đồng để thuê luật sư ra tòa phúc thẩm, để “ổng được nói trước tòa”. Ông vẫn nói với vợ -  bà Lê Thị Tư: “Anh đúng, anh có quyền được nói”. Và ông giữ nguyên cái ý chí của riêng - mình - ông và gia đình ông đi suốt 4 năm ròng, với một niềm tin rằng: pháp luật sẽ công bằng với ông. Sớm hay muộn, đúng hay sai rồi cũng phải rõ. Kể cả trước phiên phúc thẩm mới đây, ông vẫn nói, “nếu ba đi tù, ở nhà, mấy mẹ con vẫn phải kêu oan cho ba”.

“Nếu không oan, sao một người dù có vô tù, vẫn kêu oan?” - bà Tư hỏi mà như không cần câu trả lời. “Vụ án này đâu đến nỗi phải chết đâu? Cùng lắm, không minh oan được thì đi tù. Ba năm cũng qua nhanh. Sao phải chết? Nếu mà biết, chắc chắn sẽ cản ổng”. Nói đến, bà lại không kìm được lòng.

Chị Dương Thị Ái Mỹ, con dâu ông bà nói: “Ba tui tính thẳng lắm nên thiệt thân. Ổng là người trắng là trắng, đen là đen, không có chuyện trắng thành đen được. Vì thế ba mang cái sự trắng - đen đó để chiến đấu với số phận của mình”.

Trong cuộc sống, có không ít điều sai thành đúng và ngược lại. Mỹ nói, chị chưa bao giờ nghĩ, bi kịch đó lại đến với gia đình mình. Nói đến đây, cảm giác hối hận, day dứt lại nhói lên. Vì ngày ông lên tòa lấy quyết định, chị không đi cùng ông được. “Hôm tòa xử về, tui có hỏi, nay tòa xử ba sao ba. Cũng vậy à. Không có gì đâu con. Ngày kia đi cùng là được rồi. Nay ba lên lấy quyết định thôi”. Cứ nghĩ ông bình thường, vì 4 năm với nhiều phiên tòa trôi qua; ai mà biết đó là lần cuối cùng, hai cha con nói chuyện với nhau.  

“Giờ nếu ổng sai, ổng cũng đã trả cái giá của mình rồi (dù rằng cái giá đó quá đắt, phải đổi bằng mạng sống của ổng). Nhưng người tông vào ba cũng phải trả cái giá của mình, cho công bằng. Hai người sai mà một người chịu hết tội, thì oan ức cho ba tui quá. Ổng sống không yên ổn được một ngày; giờ ra đi, cũng không thanh thản”.

Cách đây một thời gian, con trai ông Phước bà Tư cũng bị người ta tông xe bị thương nặng. Khi người ta gọi điện xin lỗi và đền bù thiệt hại 10 triệu đồng; bà Tư nói: “Thôi, người ta cũng khó khăn. Xin lỗi là được rồi. Cho qua đi”. Kể lại chuyện này, chị Mỹ nói: “Nhà tui ở hiền nhưng không gặp lành”.

Hôm luật sư đến viếng, bản thân ông cũng bị bất ngờ với lựa chọn của ông Phước. Bà Tư hỏi ông, ngày 29/5, có thấy chồng mình có biểu hiện gì bất thường không; như cố tìm mọi câu trả lời có thể có, để có thể lý giải về cái chết của chồng. Luật sư lắc đầu; thậm chí, hai anh em còn bàn nhau kế hoạch phiên tòa giám đốc thẩm sẽ như thế nào nữa.

Khó ai có thể biết hết được, suốt 4 năm qua, ông Phước đã sống như thế nào; và trong ngày 29/5 định mệnh ấy, vì sao ông lại quyết định nhảy lầu, địa điểm tại nơi đã ban cái án phạt lên vai ông?

Bản án lạnh lùng

Ông Phước đã chết. Có thể nói, đó là cái chết bàng hoàng, đột ngột, không một tín hiệu. Nhưng bằng một cái nhìn khác, trên lộ trình tâm lý của một con người đã cô-độc-dần trong những phiên tòa danh dự, có thể thấy cái chết là một diễn biến không bất ngờ. 

Đầu năm 2017, trước phiên sơ thẩm đầu tiên, ông kiên quyết khước từ quyền mời luật sư bào chữa. Sau phiên sơ thẩm đó, ông lặng lẽ hẳn. Là một người có uy tín trong gia đình, bà Lê Thị Kim - chị vợ ông Phước, là người thân hiếm hoi mà ông hay tâm sự. Lúc người chị vợ hỏi chuyện, ông nói: “Ra tòa em đâu có được nói bao nhiêu đâu chị Tư!”. Bà Kim đoán em mình thất thế vì không có người bào chữa. Nhưng ý tưởng thuê luật sư vẫn bị ông Phước gạt đi vì “giờ muốn thuê cũng phiền lụy con cái”. 

Phiên sơ thẩm thứ hai diễn ra khi ông Phước đã thay đổi nhiều. Cả gia đình đều nhận ra người đàn ông điềm tĩnh, nhiệt thành trước kia giờ lắm lúc nóng nảy, thất thường. Ông không nói chuyện kiện tụng, dù vẫn miệt mài vào ra các cơ quan chức năng, làm đơn thư, nghiên cứu luật. Kết thúc phiên sơ thẩm này, ông trở về với vẻ ngoài bình thản. Người nhà hỏi tới, ông chỉ nói: “Cũng vậy à”.

Đợt đó, bà Tư bắt đầu nhận ra chồng mình hầu như không ngủ. Ban ngày, ông vẫn xông xáo phụ giúp mọi người, nhưng đêm xuống, ông chỉ lặng lẽ đi ra đi vào.

Ở cách đó mấy căn, mỗi lần nhìn thấy em rể dắt chiếc xe ra khỏi nhà, bà Kim lại chảy nước mắt. Nhớ lại tất cả đoạn trường mà vợ chồng ông Phước đã trải qua, bà Kim quyết định kêu đứa cháu - là con trai lớn của ông Phước để nói chuyện thuê luật sư bào chữa cho ba nó. Luật sư Dương Vĩnh Tuyến được mời tham gia từ đó. 

Phiên phúc thẩm đầu tiên ở TAND tỉnh Bình Phước là phiên xử đầu tiên ông Phước đi cùng luật sư. Nhưng sau những diễn biến khả quan thì cuối cùng, tòa tuyên “y án”.

Thời điểm đó là đã 3 năm trôi qua. Những phiên tòa đổ từng bóng đen im lặng đè lên gia đình nhiều muộn phiền nhưng ít chia sẻ. Dù vẫn gặp gỡ, thăm hỏi, chuyện trò, nhưng các thành viên đều giấu hết những âu lo tù tội và oan ức trong lòng, vì ngại va vào im lặng của ông Phước. Bất ngờ, trước phiên phúc thẩm thứ hai diễn ra ngày 26/5, trong một bữa ăn gia đình, ông Phước nói với bà Kim: “Chị Tư, mai chị ra dự tòa với em đi. Chị đi với em lần này để người ta thấy em có gia đình, để họ đừng ức hiếp em”.

Phiên tòa hôm đó diễn ra lúc 13g30 thì tầm 13g, lúc đang làm việc, anh Lương Hồng Cảnh (con trai ông Phước), nhận được điện thoại của ba. Ông Phước đề nghị: “Con đến dự tòa với ba đi. Ba cần con lần này để người ta thấy ba có con, đặng họ biết nếu họ bỏ tù ba thì cũng còn con đi thưa mà minh oan cho ba”. 

Đó là lần đầu ông Phước mở lời, thậm chí là lần đầu tiên ông cho phép gia đình đến dự tòa - nên mọi người đều có mặt. Nhưng, đến chuyến cuối cùng, khi đi nhận bản án phúc thẩm lần hai với ý định sẽ chết, ông Phước lại chỉ đi một mình.

Suốt 4 năm trời, cũng là ông Lương Hữu Phước, nhưng ông Phước năm 2017 đã khước từ quyền thuê luật sư mà ung dung nói “tui đúng thì tự tui bảo vệ được mình trước tòa”. Đó là thái độ bình thường của một con người tin vào pháp luật. Nhưng, sau 2 phiên sơ thẩm, ông đã lùi dần từ vạch xuất phát của một con người đầy tự tin và niềm tin vào luật pháp. Ông chấp nhận thuê luật sư bào chữa. Đến phiên phúc thẩm thứ hai ngày 26/5/2020, người đàn ông một mình kêu oan suốt 4 năm trời lần đầu tiên cầu cạnh đến sức mạnh gia đình: “Chị đi với em”, “con đi với ba”, “để người ta thấy ba còn có gia đình…”.

Có lẽ, về mặt pháp lý, đó là một “sức mạnh” ngây ngô. Nhưng với lộ trình tâm lý của người đàn ông này, đó là một bước ngoặt. Những thứ mà ông lần lượt mang vào từng phiên tòa sau này như từng “vũ khí cá nhân”. Nói là “vũ khí”, nhưng thực chất có lẽ chỉ giống một loại “hành trang”. Càng yếu thế, càng đơn độc, càng cuống quýt nắm lấy những hành trang mình có trong đời để mang vào cuộc phân tranh (mình cho là) sinh tử. Bốn năm trời bảo vệ gia đình bằng cách không cho họ đến dự tòa, đến cuối cùng, ông chủ động mang họ vào dự phiên tòa quan trọng nhất. Nhưng, ngay cả lúc đem hết sức mạnh mình có ra rồi, tình thế vẫn không khác đi. Để tiếp theo sau, là một bước ngoặt chí mạng.

Cuộc tự sát đó có thể là chuyện riêng của ông Lương Hữu Phước, ngoài quy trình trách nhiệm của các phiên tòa lẫn những vị cán bộ tư pháp. Có thể, ông Phước chọn chết vì tuyệt vọng, khi không còn một sức mạnh nào để bấu víu. Có thể, tính mạng mới chính là hành trang cuối cùng ông quyết dùng vào cuộc phân xử.

Bà Lê Thị Tư - vợ ông Phước đau đớn kể lại  những ngày tháng đi kêu oan của chồng
Bà Lê Thị Tư - vợ ông Phước đau đớn kể lại những ngày tháng đi kêu oan của chồng

Chắc chắn, những khúc mắc pháp lý, những khoảng trống tố tụng đang được quan tâm rồi sẽ được TAND tối cao xem xét độc lập, dưới sự giám sát của công chúng. Nhưng, liệu “câu chuyện riêng” kia, liệu lộ trình tâm lý kết thúc ở chỗ “phẫn uất và tuyệt vọng đến chết vì bản án” của một “bị cáo” có nằm ngoài quy trình tố tụng? Lẽ nào, quy trình đó chỉ nhằm kết tội một con người, kết liễu một hành vi phạm tội? Lẽ nào trình tự tố tụng vốn được tổ chức chặt chẽ và công phu đó, đến đây đã rũ mình khỏi lý tưởng “giáo dục nhận thức và hành vi” của công dân? 

Bốn năm ròng rã, bao cuộc tiếp xúc làm việc, lấy lời khai, và quan trọng là 4 phiên tòa tại chính những tòa án địa phương; ông Phước vẫn đi về đơn độc. Bất kể có oan sai hay không, nhưng một bị cáo đến lúc nhận bản án của phiên phúc thẩm thứ hai, và đến tận lúc chết vẫn một mực nghĩ mình bị hàm oan - đã cho thấy một khoảng trống đáng sợ trong hoạt động tố tụng. Những phiên tòa đó, nếu đã xử đúng, vẫn chỉ cho ra kết quả là những bản án và những “tội phạm”.

Vậy, lý tưởng nhân văn của việc tuyên phạt được diễn đạt “giáo dục, ngăn ngừa khả năng phạm tội mới” thuộc về quy trình nào? Mà đó đâu chỉ là “lý tưởng”? Đó là quy định được nêu rõ trong Điều 31 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Mục đích của hình phạt: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.

Cứ cho rằng các phiên tòa “nhất quán cao” về bản án với ông Lương Hữu Phước đều đúng quy trình tố tụng. Thì lẽ nào, các phiên tòa đúng đắn chỉ cho ra những tội phạm? Rõ ràng, điều truy bức ông Phước đến đường cùng không phải là sự tuyệt vọng với pháp luật. Trước phiên xử cuối cùng, ông nói với con trai: “Tụi con đi chuyến này với ba để quan tòa họ thấy ba còn có con, nếu họ bắt tù ba thì vẫn còn con đi thưa mà minh oan cho ba”.

Phép tính toán ngây ngô này vẫn vô tình xác tín một niềm tin vững chãi trong ông Phước, với pháp luật. Ông từng nói, “có chết cũng phải kêu oan chứ không nhận tội bừa cho xong”. Nhưng niềm tin vào pháp luật của người đàn ông quyên sinh này, đã không an ủi được những người thượng tôn pháp luật. Nếu pháp luật vẫn khiến người ta sắt đá tin tưởng đến thế thì bi kịch đơn độc, cảm giác oan uất đến ngơ ngác, bơ vơ này, là do sự thất bại của một cỗ máy đang thực thi nó. 

Minh Trâm - Đậu Dung


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI