Lương giáo viên trường đại học công lập và ngoài công lập phải tương đương là “thử thách lớn”

29/11/2024 - 14:16

PNO - Sáng 29/11, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.

Chưa có cơ sở để thực hiện mức lương tương đương

Góp ý về dự thảo, bà Trần Thị Ngọc Diễm - Phó trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Tổ trưởng Tổ pháp chế của Trường đại học Nguyễn Tất Thành - cho rằng, về chính sách tiền lương, theo khoản 2 Điều 27 Dự thảo, quy định: “Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập đảm bảo không ít hơn tiền lương và chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác”.

Theo bà, các trường tư thục, quỹ lương phụ thuộc nhiều vào kết quả tuyển sinh. Là đơn vị tự chủ tài chính nên nếu quy định lương của giáo viên các trường đại học công lập và ngoài công lập phải tương đương nhau là một thử thách lớn. Dự luật cũng chưa xác định được “mốc chuẩn tương đương” là bao nhiêu và so với trường công lập tự chủ hay trường chưa tự chủ. Dự thảo cũng chưa quy định mức lương cụ thể để các trường đối sánh.

Đại diện các trường chia sẻ tại Hội thảo góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.
Đại diện các trường chia sẻ, góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo - Ảnh: Nguyễn Loan

Ngoài ra, quy định này chưa cân nhắc đến điều kiện về “kinh nghiệm của nhà giáo”. Ví dụ 1 thạc sĩ có 5 năm kinh nghiệm giảng dạy sẽ có mức lương khác với thạc sĩ có 1-2 năm kinh nghiệm giảng dạy. Căn cứ để phân định mức lương cũng phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của từng giảng viên.

Quy định về chế độ làm việc của giảng viên tại cơ sở giáo dục đại học, định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên từ 200-350/năm giờ chuẩn giảng dạy, vì vậy, một giảng viên có thời gian làm việc từ 200 giờ sẽ có chế độ lương khác đối với giảng viên có thời gian làm việc 350 giờ giảng dạy. Việc xác định lương cũng cần phải căn cứ khối lượng và mức độ đóng góp của giảng viên.

Bà đề xuất, việc xây dựng chính sách tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ giao cho cơ sở giáo dục tự xây dựng, bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động như hiện hành.

Ông Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường đại học Gia Định - cho rằng, quy định này chưa chi tiết và khó thực hiện, nhất là với bậc đại học. Bởi hiện nay hầu hết các trường đã thực hiện tự chủ, mỗi trường có chính sách tiền lương riêng, vì vậy không có cơ sở chung nào để các trường ngoài công lập thực hiện mức lương tương đương. Ông cho rằng mức lương này nên để người lao động và các trường thỏa thuận với nhau.

Tất cả nhà giáo phải thử việc, tập sự là không hợp lý

Khoản 1 Điều 18 của dự thảo quy định: “Người trúng tuyển trở thành nhà giáo phải thực hiện chế độ tập sự hoặc thử việc”. Quy định này bắt buộc người trúng tuyển trở thành nhà giáo phải thực hiện một trong hai chế độ: tập sự hoặc thử việc.

Bà Ngọc Diễm cho rằng, quy định này chưa phù hợp với tình hình tuyển dụng thực tế. Với những giảng viên có nhiều kinh nghiệm, học vị từ phó giáo sư, giáo sư đã có nhiều kinh nghiệm giảng dạy từ các cơ sở giáo dục khác thì trường không thực hiện chế độ tập sự hoặc thử việc. Điều này cũng phù hợp với Khoản 3 Điều 18 của Dự thảo và quy định của pháp luật lao động. Bộ luật Lao động hiện hành chỉ quy định thời gian thử việc tối đa với từng chức danh nghề nghiệp, trình độ chuyên môn kỹ thuật chứ không quy định bắt buộc người lao động phải thử việc. Ở các ngành nghề khác không bắt buộc, đồng thời quyết định thử việc do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận. Bà đề xuất bổ sung quy định rõ các trường hợp không phải tập sự hoặc thử việc.

Ông Bùi Anh Thủy - Trưởng khoa Luật, Trường đại học Văn Lang - cũng cho rằng, việc tuyển dụng nhà giáo không nhất thiết đưa vào những phương thức cứng nhắc với ngoài công lập, vì nếu đã thành luật thì phải tuân thủ nhưng các trường ngoài công lập lại có đặc thù riêng. Ông đề nghị ban soạn thảo luật nghiên cứu quy định về vấn đề này phù hợp với thực tế giáo dục (có thể khác quy định của Bộ luật Lao động hiện hành). Nếu chưa quy định cụ thể được thì quy định khung làm cơ sở ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI