Lương giảng viên đại học: Còng lưng 'cửu vạn' đắp bồi tinh hoa

01/11/2017 - 08:42

PNO - 37 năm dạy mầm non, đến khi về hưu, cầm trên tay tờ quyết định số tiền hưu trí 1,3 triệu đồng/tháng, bà giáo già khóc vì tủi cho nghề và lo cho phận mình.

Ở trường đại học - bậc cao nhất trong hệ thống giáo dục đào tạo, một giảng viên với học vị cao nhất - tiến sĩ - cũng loay hoay với đồng lương tròm trèm năm triệu, thấp hơn thu nhập một ôsin giúp việc cho người nước ngoài. 

Với đồng lương ấy, mọi cố gắng xoay xở cũng chỉ là giật gấu vá vai. Những con người đã và đang thực sự quyết định chất lượng nguồn nhân lực của một đất nước lại đang phải chật vật lo cho chất lượng sống của chính mình.

Luong giang vien dai hoc: Cong lung 'cuu van' dap boi tinh hoa
 

Lương 4-5 triệu, giảng viên bạc mặt kiếm sống

Tám năm trước, chị T. hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Pháp. Cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ hóa học với bao cơ hội rộng mở, chị gạt hết, quyết định rời Pháp, đầu quân về Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH KHTN), kề vai sát cánh cùng chồng, cũng là một “tiến sĩ ngoại”. Sự trở về của chị mang theo khát khao được làm việc, cống hiến trong chính ngôi trường đại học của mình - nơi đã trao cho anh chị cơ hội tiếp cận công tác nghiên cứu khoa học. 

Sau khúc dạo đầu hồ hởi là những khó khăn mà lòng nhiệt huyết chưa kịp tính đến. Tổng tiền lương của cả vợ chồng chỉ 10 triệu/tháng. Làm đề tài để kiếm thêm cũng là một cách, nhưng một tiến sĩ mới chân ướt chân ráo về nước, chưa có tên tuổi, đâu dễ được xét duyệt đề tài cấp này cấp nọ. 

“Chúng tôi không thể cấm, không thể bắt các giảng viên phải toàn tâm toàn ý cho trường mình vì ngay cả trường ĐH quốc tế - trả lương giảng viên tới hơn 20 triệu mỗi tháng - cũng không cấm được giảng viên đi dạy ở trường khác.

Bởi, dẫu có trả cao như mức trên cũng “thua rất xa” mức thu nhập khi dạy thêm, thậm chí còn không bằng những trường chỉ trả lương 7-8 triệu đồng mà cho giảng viên đi dạy bên ngoài”.

PGS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng ĐH KHXH-NV TP.HCM

Xoay tới đâu khó tới đó. Vợ chồng cày cật lực trên giảng đường để vượt số tiết nghĩa vụ, kiếm thêm chút tiền ngoài giờ; có đề tài thì kiếm người tên tuổi hơn đứng tên cùng. Kể cả chuyện làm bánh để bán kiếm thêm thu nhập họ cũng làm.

Phó giáo sư A. ở khoa Công nghệ thông tin trường này từng nổi như cồn trong ngành công nghệ thời thượng. Sau khi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ, hàng loạt công ty trải thảm đỏ, đưa ra những điều kiện hấp dẫn để có được anh. Anh giỏi đến độ khi trường KHTN liên kết với các trường của Mỹ, anh qua nước bạn với danh nghĩa học tập huấn nhưng lại được họ mời ở lại giảng dạy.

Tuy nhiên, anh đã chọn ở lại ngôi trường gắn bó lâu năm. Bởi chỉ chuyên tâm nghiên cứu, giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, không chạy “sô” bên ngoài nên cuộc sống của anh vẫn mãi đạm bạc sau ngần ấy năm từ một giảng viên trẻ lên thạc sĩ, tiến sĩ rồi được phong phó giáo sư. Anh vẫn đi xe ôm, ở nhà cha mẹ. Theo quy định, lương của một phó giáo sư, bất kể danh giá thế nào, cũng chỉ ở ngưỡng chục triệu.

Nhiều giảng viên trẻ của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phải “chạy sô” bạc mặt để đủ tiền trang trải cuộc sống, đeo đuổi nghiệp giảng viên. Bởi, một giảng viên mới công tác tại trường có mức lương chỉ vài triệu đồng. Một cán bộ phòng tổ chức cho biết, trường hiện vẫn dựa theo hệ thống bậc lương và quy định tài chính của Nhà nước để chi trả cho giảng viên.

So với mặt bằng chung các ngành nghề trong xã hội, thu nhập của giảng viên vẫn còn thấp nên nhiều người giỏi đã chọn nghề khác với mức thu nhập hấp dẫn hơn. Vị nguyên hiệu trưởng trường này từng cảm thán đầy chua chát: “Trường tôi có người học hàm, học vị cao nhất cũng đang làm cầu thủ “đá thuê” cho trường ĐH khác, nhưng mà phải chịu thôi, vì trường tôi không trả đủ tiền cho giảng viên sống tốt”.

Đằng sau vinh hiển chẳng còn gì!

Không được như đồng nghiệp ở các trường ĐH tư thục, công lập tự chủ tài chính, nhiều giảng viên tại các trường ĐH công lập lớn như ĐH KHTN, ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV)… nhận mức lương “bèo” không tưởng.

Phó giáo sư Võ Văn Sen - Hiệu trưởng ĐH KHXH-NV - cho biết, nhiều giảng viên trường lãnh lương dưới bốn triệu đồng/tháng. Trong số 984 giảng viên của trường có khoảng 70 người lãnh mức này và cách để giảng viên cải thiện thu nhập là dạy thêm ngoài giờ, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, “chạy sô” giảng dạy cho trường khác.

Còn nhớ cách đây hơn chục năm, nhà nào có con đậu ĐH, trở thành sinh viên của các trường KHTN, Luật, KHXH-NV, Sư phạm… là hãnh diện lắm. Đừng nói đến chuyện được giữ lại hoặc đỗ vào làm giảng viên của các trường này. Có được cái mác giảng viên ĐH là sự vinh hiển cho cả dòng họ. Thế nhưng, hiện nay, đằng sau sự vinh hiển đó là cuộc vật lộn để mưu sinh, là nỗi trăn trở để duy trì niềm đam mê của các giảng viên trẻ.

Giảng viên là nghề đòi hỏi năng lực chất xám cao. Để được giữ lại trường hoặc vượt qua đợt thi tuyển, các cá nhân đều phải có một bảng thành tích hơn người. Nhưng chế độ đãi ngộ lại vô cùng thấp. “Một giảng viên trẻ phải trải qua một năm thử việc với mức lương 85% lương cơ bản. Mức lương trong ba năm tiếp theo là 130% x 2,34 (đã có 30% tiền đứng lớp).

Hãy so sánh một sinh viên tốt nghiệp, đi làm cho công ty tư nhân hạng trung, lương khởi điểm giá chót cũng 6-8 triệu đồng, trong khi một sinh viên xuất sắc được giữ lại trường làm giảng viên thì lương chỉ hơn bốn triệu đồng. Rất nhiều giảng viên trẻ phải sống dựa vào cha mẹ trong 1-2 năm đầu, hoặc phải xoay xở đủ đường mới có thể đủ trang trải cho cuộc sống. Tích lũy là mơ tưởng xa vời, mua nhà lại càng không tưởng” - giảng viên một trường ĐH bộc bạch.

Xưa nay, ít người sống được bằng đồng lương chính thức. Giảng viên ĐH cũng không ngoại lệ. Thực tế cho thấy, phần lớn giảng viên đều vừa chạy sô, vừa chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu để vừa nâng cao kiến thức, vừa tăng thêm thu nhập. Giảng viên trẻ có rất ít đất trong cuộc cạnh tranh này. Dù có đất, đó cũng không phải là mảnh đất “chính chủ”, càng không phải là giải pháp căn cơ mà chỉ là sự bấu víu tạm thời. Tình trạng chảy máu chất xám, tình trạng nghiên cứu, giảng dạy đối phó không còn là số ít. Đã đến lúc cần phải có giải pháp mang tính cách mạng để có thể giữ nguồn nhân lực trí tuệ cao. 

Vụ cô giáo đi dạy 37 năm nhận lương hưu 1,3 triệu: Do đóng BHXH trên nền lương rất thấp

Ngày 31/10, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản giải thích về trường hợp cô giáo Trương Thị Lan (Trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, H.Cẩm Xuyên) đi dạy 37 năm nhưng chỉ nhận được tiền lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.

Theo BHXH tỉnh Hà Tĩnh, dù có 37 năm công tác, làm giáo viên mầm non, trên thực tế bà Lan mới chỉ có 22 năm 8 tháng tham gia đóng BHXH.

Cụ thể, từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2012, cô Lan là giáo viên hợp đồng, được truy đóng BHXH bắt buộc với diễn biến tiền lương làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất - bằng mức lương tối thiểu từng thời kỳ, không thuộc thang bảng lương do Nhà nước quy định. Từ 1/2013 đến tháng 8/2017, cô Lan mới được tuyển dụng biên chế, đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Với lý do trên, việc tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu cho cô Lan được thực hiện theo quy định tại khoản 3, điều 62 Luật BHXH với tổng mức lương quân bình tiền lương tháng đóng BHXH cả quá trình 22 năm 8 tháng là 1.829.215 đồng.

BHXH tỉnh Hà Tĩnh nhận định, từ 1/1995 đến tháng 12/2012, cô Lan luôn đóng BHXH trên nền tiền lương rất thấp nên kéo theo mức lương bình quân thấp. Theo cách tính BHXH, cô Lan chỉ được nhận mức lương hưu 1.262.158 đồng/tháng. Do mức lương này thấp hơn mức lương cơ sở nên cô Lan được bù bằng mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng/tháng. BHXH Hà Tĩnh cho rằng, việc tính mức lương hưu cho cô Lan như trên là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Thông tin cô Lan, sau 37 năm công tác tại trường mầm non, chỉ được nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đã khiến dư luận xôn xao. Nhiều ý kiến cho rằng, mức lương này là quá thấp không đủ để một giáo viên trang trải khi về hưu.

Sơn Vinh

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI