Lương duyên ấm nồng của đôi vợ chồng cao tuổi nhất VN

02/10/2014 - 16:28

PNO - PN - Những cơn gió mang hơi nước từ dòng sông Thạch Hãn thổi vào mát rượi. Bên hiên nhà, ở đường Phan Chu Trinh, P.2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cụ ông ngồi lặng lẽ lần giở túi ni lông cũ, lấy ra chiếc chứng minh nhân dân...

edf40wrjww2tblPage:Content

Luong duyen am nong cua doi vo chong cao tuoi nhat VN

Vợ chồng ông bà cao tuổi nhất Việt Nam trong ngày thượng thọ

Gian khó có nhau

Ngôi nhà nhỏ của ông Trương Ngọc Hiệp (61 tuổi - con trai cụ Trương Triêm) ở số 7, đường Phan Chu Trinh, P.2, thị xã Quảng Trị - những ngày này tấp nập bà con lối xóm đến hỏi thăm, gửi lời chúc mừng cha mẹ ông - đôi vợ chồng vừa đạt kỷ lục là vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam. “Vợ chồng sống với nhau hạnh phúc bắt đầu từ cái tình, cái nghĩa. Còn chuyện sống lâu, được sống bên nhau là cái duyên”, ông Triêm mở đầu câu chuyện. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất An Đôn (thị xã Quảng Trị), sớm mồ côi mẹ, ông Triêm chia trên vai gánh nặng cùng cha để chăm lo cho hai đứa em thơ dại. Chiến tranh xảy ra, hai người em tập kết ra Bắc, ông lặng lẽ bám trụ lại quê nhà để phụng dưỡng cha già. Đến tuổi trưởng thành, ông Triêm được mai mối gặp gỡ người con gái có tên Trần Thị Cháu, quê ở miệt Chợ Cạn, xã Triệu Sơn, H.Triệu Phong.

Chuyện tình của họ bắt đầu từ những lời giới thiệu theo nếp xưa, nhưng họ đến với nhau bằng tấm chân tình rộng mở. “Cuộc sống ngặt nghèo nhưng vợ chồng tui chưa một lần nặng lời với nhau. Những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, đôi bờ Thạch Hãn này trở thành nghĩa địa không mồ, ngày đêm rặt tiếng đạn bom, địch càn quét không chừa một ngọn cỏ, vợ chồng, người thân dìu nhau đi sâu vào tận vùng rừng rậm phía Tây của làng. Những bữa cơm chỉ có khoai, sắn, dùng tro than của cỏ tranh thay muối để ăn. Những đứa con lần lượt chào đời trong nỗi nhọc nhằn”, ông Triêm móm mém kể. Lúc nào cực quá thì vợ chồng động viên nhau, cố thêm chút nữa vì con. Ngồi cạnh cha, ông Trương Ngọc Hiệp nhớ lại: “Sau giải phóng, ba mạ dẫn chúng tôi về làng, bắt đầu cày cuốc ruộng nương. Thuở đó, 3g sáng ba mạ đã trở dậy dắt bò ra đồng, người cày, người mò mẫm bới đất, nhặt cỏ…”.

Luong duyen am nong cua doi vo chong cao tuoi nhat VN

Đại gia đình

Cứ thế, con cái lớn khôn, có gia đình riêng. Ông bà vẫn bên nhau trong căn nhà cấp bốn ở làng An Đôn. Cách đây 14 năm, một lần không may trượt chân ngã, bà Cháu bị gãy xương chậu phải nằm một chỗ cho đến bây giờ. Chừng ấy thời gian, mỗi ngày, ông Triêm cặm cụi đạp xe ra chợ mua thức ăn rồi về lui cui nấu nướng, đút từng thìa cho bà. Tự tay ông tắm rửa, giặt giũ cho bà. Thấy sức khỏe ông ngày càng yếu, các con giành phần chăm sóc mẹ nhưng ông bảo: “Ba vẫn còn mạnh khỏe, để ba lo cho mạ”. “Ông ấy không một lời kêu ca. Nhiều khi thấy ông vất vả quá, tui bàn với ông về nhà các con cho có người chăm nhưng ông nhất định không chịu”, bà Cháu tâm sự. Nghe vợ nhắc đến mình, ông Triêm trầm giọng: “Bà ấy bảy lần sinh nở trong điều kiện bom đạn, chiến tranh mà không một lời than vãn. Vì rứa, tui càng thương bà ấy nhiều hơn”.

Năm ngoái, sức khỏe yếu, hai vợ chồng đành chia nhau về ở nhà hai con trai để có người chăm sóc. Thi thoảng dăm bữa, ông lại nhờ con cháu chở sang thăm bà. Gặp bà, ông lần những đồng tiền cất kỹ trong túi quần do con cháu biếu để tặng lại. Ông Triêm cười hiền: “Chừ tui không chăm bà được, đưa bà tiền để khi mô bà thích ăn chi thì nhờ con cháu mua hộ”.

Luong duyen am nong cua doi vo chong cao tuoi nhat VN

Vắt mình qua hai thế kỷ, ông Triêm bà Cháu có sáu chít

Dạy con chữ đức làm đầu

Con cháu đông đúc, ai nấy đều có mái ấm riêng song những khi gia đình có dịp cúng giỗ, dù bận mấy, họ cũng sắp xếp có mặt đông đủ khiến vợ chồng ông Triêm rất ấm lòng. Bà Bùi Thị Em (61 tuổi) - một người con dâu của ông bà vui vẻ cho biết: “Ba mạ tuy nghèo khó, nhưng gần 40 năm làm dâu, tui chưa một lần phải tủi thân vì lúc nào ông bà cũng thương như con ruột”. Bây giờ, cuộc sống dù đã đi qua hết cái đận khó khăn, đã có cái ăn, cái để nhưng ông bà vẫn luôn nhắc nhở con cháu rằng, hôm nay làm ra hạt lúa, đồng tiền thì phải nghĩ tới ngày mai để lúc nào cũng được đủ đầy. Sống sao cho gia đình thuận hòa, ân tình với chòm xóm.

Ông nói: “Sống ở đời cốt ở cái tình. Cái tình anh em, con cháu dành cho nhau, cho cha mẹ, ông bà. Cái tình dành cho xóm giềng thân thuộc. Dù rằng bây giờ cuộc sống nhiều nơi đã đổi thay, có nhiều làng quê đã trở thành thị tứ tấp nập nhưng nếu quên chữ tình thì sẽ là sống cạn, sống nghèo. Nhờ chữ tình mà con người ta cùng nhau vượt qua bao gian khó”.

Ông bảo, vợ chồng cùng được hưởng phúc sống lâu là do phần ngày xưa dù khổ cực, nhưng thực phẩm thu về phục vụ bữa ăn đều sạch, không như bây giờ lắm thứ thuốc. Phần khác là do ông bà may mắn được hưởng duyên trời. Khi chia tay, chúng tôi nhớ mãi lời ông Triêm: “Đi qua hai thế kỷ, chứng kiến nhiều thăng trầm của cuộc đời, thời cuộc, giờ chỉ mong sao cho con cháu sống có đức, ghi lấy chữ đức làm đầu. Chỉ chừng ấy thôi, cuộc sống sẽ đủ đầy và hạnh phúc”.

 UYÊN NGỌC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI