Lương chưa tăng giá cả hàng hóa đã tăng, người lao động âu lo

17/06/2024 - 06:32

PNO - Từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, người lao động mới được tăng lương, nhưng nay giá cả hàng hóa đã bắt đầu tăng giá, khiến người lao động chưa kịp mừng đã thấy lo.

Chị Phạm Thị Thảo (phường 6, quận 4, TPHCM) cho biết, những ngày qua, chị không quá để ý giá cả hàng hóa khi đi chợ. Nhưng sau khi về nhà, tính toán lại, chị mới giật mình vì số tiền chi tiêu cho thực phẩm nhiều hơn bình thường. Chị nói: “Hơn 1 tuần nay, rau xanh tăng vài ngàn đồng, gạo tăng 3.000-5.000 đồng/bịch (5 - 10kg) tùy loại, thịt heo tăng khoảng 10.000 đồng/kg… Lúc mua, tôi không để ý. Nhưng khi xem lại chi tiêu mới giật mình, số tiền bỏ ra đã vượt quá gần 100.000 đồng mỗi ngày so với trước” - chị Thảo nói.

Từ đầu tháng Sáu, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM, giá các mặt hàng như thịt, hải sản, rau củ quả… đều tăng. Tại chợ Thị Nghè, giá thịt heo tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt ba rọi từ 155.000-165.000 đồng/kg, thịt đùi từ 130.000-140.000 đồng/kg, thịt bắp bò từ 260.000-280.000 đồng/kg (tăng 10.000-20.000 đồng/kg), cá các loại tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, sở dĩ giá các mặt hàng tăng là do giá đầu vào cao hơn.

Giá nhiều nhóm hàng thực phẩm thiết yếu tăng trước thời điểm tăng lương.  Trong ảnh: Người dân mua hàng tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TPHCM)
Giá nhiều nhóm hàng thực phẩm thiết yếu tăng trước thời điểm tăng lương. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TPHCM)

“Với rau, do nguồn cung ít nên giá đắt. Giá nhiều loại rau như tần ô, rau dền, mồng tơi, cải xanh… đã tăng gấp đôi. Nguồn cung từ nhiều nơi, trong đó có miền Tây, nhưng miền Tây không có nước tưới nên nguồn cung giảm” - chị Nguyễn Thị Thiện - tiểu thương bán rau ở chợ Bà Chiểu - cho biết.

Lương chưa tăng nhưng giá cả hàng hóa đã tăng khiến người lao động lo lắng. Từng rất vui và kỳ vọng thu nhập sẽ được cải thiện sau khi chính sách cải cách tiền lương được thực hiện thì nay chị Vũ Thu Hiền (phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM) lại cảm thấy áp lực vì con cá, mớ rau, bình gas đều rục rịch tăng giá và cuộc sống sẽ thêm phần khó khăn. Để tiết kiệm, chị Hiền phải tìm cách thắt chặt chi tiêu cho phù hợp với đồng lương viên chức của 2 vợ chồng. Thay vì đi chợ gần nhà hằng ngày thì chị đi chợ đầu mối hằng tuần.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - đánh giá, đợt cải cách tiền lương vào tháng Bảy tới đây được nhiều người trông chờ, bởi mức lương hiện nay là quá thấp, không đủ sống ở các đô thị lớn. Việc cải cách tiền lương với mức tăng khoảng hơn 30% cho công chức, viên chức trở thành một trong những niềm vui với rất nhiều người làm công ăn lương.

Tuy nhiên, niềm vui đó sẽ trọn vẹn nếu giá cả không tăng theo lương, thậm chí tăng cao hơn cả mức tăng lương. Và như thế, tăng lương có khi lại “đánh lùi” mức thu nhập thực tế của người lao động. Do đó, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Nhà nước cần sớm có giải pháp để bình ổn giá. Cụ thể, Nhà nước cần điều chỉnh, khi tăng lương, những việc tăng khác (như tăng giá điện, giá nước, chi phí học tập, khám chữa bệnh) cần dừng lại. Đây là những lĩnh vực Nhà nước quản lý giá và có thể khống chế được. Từ đó giúp duy trì mức giá ổn định.

Đối với thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sẽ phải cùng cơ quan giá của Bộ Tài chính xác định giá cả các mặt hàng cơ bản, ảnh hưởng đến đời sống người dân, từ đó giúp ổn định giá cả.

Cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý thị trường với chính quyền địa phương để kiểm tra, ổn định giá cả hàng hóa tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối trong thời gian điều chỉnh tăng lương, nhất là thời điểm trước và sau tăng lương.

Hà Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI