Luôn hạnh phúc vì được gặp học sinh mỗi ngày

20/11/2023 - 17:31

PNO - Dẫu gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng nhiều thầy cô vẫn rất tâm huyết với nghề, luôn cảm thấy hạnh phúc khi mỗi ngày được gặp những học sinh thân yêu của mình.

Chạy đua với thời gian để giúp học sinh

Đã 22 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên trở thành giáo viên dạy trẻ đặc biệt, cô giáo Nguyễn Ngọc Thủy - 55 tuổi, Trường giáo dục chuyên biệt Thảo Điền (TP Thủ Đức) - vẫn miệt mài thức khuya, dậy sớm để đồng hành cùng học sinh. Khi cô được phân công dạy ở trường chuyên biệt, mẹ cô đã khóc vì sợ con vất vả. Trái lại, cha cô cho rằng dạy trẻ đặc biệt thì mới giỏi. Nhờ sự động viên của cha, cô đã vượt qua những trở ngại về tâm lý. 

Ngày đầu đi dạy, cô như đã lường trước được hành trình gian nan phía trước. Bởi trẻ ở đây nếu không mắc chứng tự kỷ thì cũng không thể nói, tăng động, ăn khó, thiếu tình cảm của gia đình… Được một thời gian, cô nhận thấy bản thân còn thiếu sót về chuyên môn, nhất là trong nắm bắt tâm lý học sinh nên chủ động xin đi học thêm về giáo dục đặc biệt. Cô vừa học vừa dạy, gặp khó khăn thì hỏi người đi trước, đọc thêm sách vở để biết cách tháo gỡ. 

Cô Nguyễn Ngọc Thủy luôn nỗ lực hết mình để giúp học sinh sớm hòa nhập cộng đồng - ẢNH: T.T.
Cô Nguyễn Ngọc Thủy luôn nỗ lực hết mình để giúp học sinh sớm hòa nhập cộng đồng - ẢNH: T.T.

Có lần, cô nhận hỗ trợ cho một cậu bé mười mấy tuổi bị tự kỷ. Vì gia đình cho can thiệp muộn nên trẻ không còn khả năng nói, chỉ có thể học về kỹ năng sống. Ít lâu sau, cô gặp em trai của học sinh này cũng trong tình cảnh tương tự. Cô không khỏi xót xa: “Hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi, để mỗi khi mình đến với công việc, tôi luôn nghĩ cách chạy đua với thời gian, giúp đứa trẻ hòa nhập sớm nhất có thể”. Ngày còn trẻ, cô thậm chí có thể chạy hàng chục vòng sân cùng một đứa trẻ tăng động để thấu hiểu tâm tình, tính cách của em. Giờ đây, khi không còn đủ sức khỏe, cô áp dụng phương pháp tâm vận động học từ nhiều chuyên gia để giúp trẻ tập trung. 

Khó khăn lớn nhất mà cô gặp phải trong quá trình làm nghề là việc cha mẹ không chấp nhận tình trạng của con mình, đổ lỗi hoặc trách móc giáo viên. Thế nên, cô thường mời phụ huynh cùng vào lớp hoặc quan sát cô dạy qua camera để hiểu hơn về công việc của mình, đồng thời biết cách can thiệp cho con tại nhà. Ngoài giờ, nếu cha mẹ có thắc mắc cô vẫn sẵn sàng chia sẻ online. Cô luôn tin rằng bản thân cứ làm hết tâm sức thì thành quả sẽ đến. Và cô vừa vinh dự nhận được giải thưởng Võ Trường Toản của Sở GD-ĐT.

Hiện ngoài thời gian đi dạy, cô Thủy đang học thêm về Aikido - một môn võ Nhật Bản - nhằm thúc đẩy sự hài hòa giữa cơ thể và tâm trí, học các khóa học âm nhạc trị liệu. Chỉ 1 năm nữa sẽ nghỉ hưu, sự chuẩn bị sẽ giúp cô có thể tiếp tục cống hiến cho giáo dục đặc biệt theo cách phù hợp. 

Cố gắng hết sức là điều tôi luôn tự hào 

Vốn là giáo viên ngữ văn bậc THPT nhưng thầy Trần Văn Cử - 48 tuổi, quê Đà Nẵng - lại có nhiều năm gắn bó với môi trường tiểu học. Năm 2018, giữa lúc huyện Bình Chánh thiếu giáo viên, thầy đã chủ động xin về công tác tại Trường tiểu học Lại Hùng Cường. 

Trong suốt những năm làm giáo viên chủ nhiệm, thầy không nhớ rõ đã bao nhiêu lần phải đến tận nhà học sinh để vận động các em đến trường. Mỗi lần là một câu chuyện khác nhau đến từ phụ huynh hoặc từ chính bản thân các em. “Cũng có đôi lần kết quả không như mong đợi, nhưng hầu hết các em đều quay lại với con đường tìm con chữ của mình. Những cố gắng hết sức là điều làm tôi luôn tự hào” - thầy Cử tâm sự.

Thầy Trần Văn Cử (giữa) cùng các cô giáo Trường tiểu học Lại Hùng Cường (huyện Bình Chánh, TPHCM) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thầy Trần Văn Cử (giữa) cùng các cô giáo Trường tiểu học Lại Hùng Cường (huyện Bình Chánh, TPHCM) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Thầy vẫn còn nhớ rõ một em học trò có hoàn cảnh “đứt ruột” mà thầy đã từng đứng lớp và giúp đỡ. Khi ấy là giai đoạn căng thẳng nhất của dịch COVID-19, việc học tập phải chuyển sang hình thức online. Nhưng vì cha mẹ em ly hôn rồi đi làm xa, em ở với ông bà nội và chú, không có thiết bị để học. Thầy kể: “Ngày đến tìm em, tôi đã ứa nước mắt khi thấy em bưng một thau to những hoa súng vừa hái, cả người lấm lem đứng dưới trời mưa. Về nhà, tôi liền vận động trường mua sách vở, bảo hiểm y tế cho em. Tôi cũng xin được chiếc điện thoại cũ, sửa lại và mang đến để em có thể tiếp tục con đường học vấn”. 

Thầy Cử cho rằng, để trở thành một giáo viên chủ nhiệm tốt, người thầy phải được bồi đắp từng ngày, từ đó làm tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài các yêu cầu chuyên môn, thầy còn tự học, nghiên cứu tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh tiểu học. Từ đó, thầy tích lũy được kinh nghiệm và hiểu học sinh của mình hơn. Mỗi lớp học đều sẽ có học sinh ngoan và học sinh chưa ngoan nên thầy phải tìm ra “bí quyết riêng” để thích nghi với từng trường hợp. Với mô hình “lớp học đoàn kết”, các bạn chưa ngoan sẽ được thầy nhắc nhở riêng, cùng phụ huynh dạy dỗ hoặc cho trực nhật… để uốn nắn nhưng không tạo áp lực với các em.

Điều này cũng được thầy áp dụng để hiểu và làm việc với phụ huynh học sinh tốt hơn. Bởi thầy luôn trăn trở khi không ít lần, thầy và phụ huynh không tìm được tiếng nói chung dù thầy luôn nhẫn nại và nhiệt thành. Thầy biết rằng chỉ có sự trung thực, cố gắng trong giảng dạy mới làm phụ huynh cởi bỏ được thành kiến, thông cảm và phối hợp với mình. Tuy đồng lương của giáo viên còn khiêm tốn, nhưng với thầy, lòng yêu nghề sẽ không bao giờ lụi tàn. Thầy đã gặt hái được nhiều thành tích như giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp thành phố năm học 2021-2022, giáo viên viết chữ đẹp cấp huyện và là chiến sĩ thi đua trong nhiều năm liền.

Để các em thể hiện tối đa năng lực 

Về công tác tại Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú) từ năm 2000, cô Lê Thị Tuyết Lan - 46 tuổi, đang là tổ trưởng bộ môn văn của trường - luôn dặn lòng phải làm việc bằng tình yêu và sự tận tâm. Bởi đây không chỉ là nơi đầu tiên cô được đứng trên bục giảng, mà còn là ngôi trường mà mấy mươi năm về trước, cô đã được thầy cô vun đắp tri thức, nuôi dưỡng đam mê trở thành giáo viên. 

Cô Lê Thị Tuyết Lan nhận được nhiều sự yêu thương từ học sinh của mình - ẢNH: T.T.
Cô Lê Thị Tuyết Lan nhận được nhiều sự yêu thương từ học sinh của mình - Ảnh: T.T.

Suốt mấy mươi năm giảng dạy, cô nhận thấy rằng thầy giỏi phải là người truyền được cảm hứng để học sinh gần gũi, tin cậy và đồng hành cùng mình. Vậy nên, tùy theo đặc trưng mỗi bài và kế hoạch giảng dạy, cô thường tổ chức các hoạt động, dự án học tập để học sinh thấy hứng thú, dễ tiếp thu. Ví dụ dự án đọc sách theo chủ đề trong nhiều tuần liên tục, mỗi tuần thực hiện một hoạt động riêng. Học sinh sẽ chọn sách, xây dựng kế hoạch đọc, trang trí góc đọc sách, đọc và ghi nhận vào nhật ký, viết giới thiệu về sách, làm sản phẩm minh họa như móc khóa, lịch, mô hình… Cuối hoạt động, cô sẽ tổ chức buổi báo cáo để cả lớp chia sẻ, giải đáp thắc mắc cho nhau. 

“Tôi không áp đặt các em phải làm theo một hình thức hay khuôn khổ nào, để các em thể hiện tối đa năng lực của mình, từ đó giúp tôi có được những đánh giá chính xác hơn” - cô chia sẻ. Khi triển khai chương trình mới, thay vì lo lắng thì cô lại cảm thấy vui và tin vào sự sáng tạo, đổi mới của người làm giáo dục. Cô còn động viên đồng nghiệp, nhất là những đồng nghiệp trẻ vượt qua những khó khăn bước đầu. 

Cô vẫn nhớ câu chuyện cô học trò được gia đình hướng theo nghề bác sĩ nhưng vì yêu mến cô mà đã chọn sư phạm văn. “Con thích đi theo ngành của cô, cô là thần tượng của con” - câu nói của cô học trò giống như nguồn động lực giúp cô càng nỗ lực hơn. Bởi với cô, dạy văn không chỉ là truyền đạt nội dung bài học, giúp học sinh vượt qua kỳ thi, mà còn giúp các em trưởng thành trong nhận thức, tình cảm. 

"Văn là đời, văn là người nên khi dạy văn, tôi cần phải hướng các em đến cuộc sống, người xung quanh và chính bản thân mình. Từ đó, các em sẽ có sự hiểu biết về cuộc sống và hoàn thiện mình để sống thật tốt” - cô tâm sự. Bắt đầu một ngày mới, cô luôn thấy biết ơn vì mình may mắn hơn nhiều người khi được làm công việc mình yêu thích, gặp học sinh mình thương yêu, sống trong môi trường có nhiều người quý mến, được gia đình và người thân ủng hộ.
Cô là 1 trong 50 nhà giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023. 

Trang Thư - Gia Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI