Lươn đồng om củ chuối

16/08/2020 - 16:18

PNO - Lươn đồng ngon không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên hoang dã, mà còn chứa đựng trong đó cả ký ức tuổi thơ của bao người.

Thật chẳng có gì là khó để một đứa “trẻ trâu” có trong tay một bộ đồ nghề câu lươn. Chỉ cần một đoạn dây cước dài khoảng 50cm với nhiều sợi nhỏ bện vào nhau để tạo sự bền chắc. Một đầu buộc vào que tre hoặc cán bằng nhựa dài từ bảy đến mười centimet, một đầu buộc vào lưỡi câu. Lưỡi câu lươn là sợi hợp kim nhỏ, phải có độ cứng, được mài sắc và uốn cong, không cần ngạnh sắc như lưỡi câu cá.

Đặc tính của lươn là tìm mồi bằng khứu giác và thích ăn những loại mồi có mùi tanh. Sẵn có và dễ kiếm nhất thì chỉ có giun đất. Vì vậy tụi con nít trước khi “hành nghề” phải cất công đi tìm giun trên đồng đất cao, cho vào bình đựng cẩn thận. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi thì buổi câu lươn bắt đầu. Tụi nhỏ móc mồi giun cho trùm lưỡi câu, và để chừa một đoạn ở đầu lưỡi rồi đi tìm hang lươn.

Lươn đồng thường đào hang sâu ở những nơi đứng nước, nhiều bùn. Một đầu thông ra mặt ruộng để đi kiếm mồi vào ban đêm, một đầu nổi trên bờ ruộng lấy không khí để thở. Ban ngày lươn ẩn náu trong hang, nếu giật mình nó sẽ chui nhanh về đầu kia tẩu thoát. Vì vậy, muốn câu được lươn thì phải nhẹ nhàng, khéo léo và phải thật kiên nhẫn.

Khi thả câu, cho sợi dây lọt giữa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay để ngửa cầm chặt thanh tre. Tay còn lại búng xuống nước (thường dùng ngón cái và ngón trỏ). Nhận thấy mùi thức ăn, lại nghe tiếng “tróc tróc”, lươn tưởng đối thủ liền trồi lên quan sát, thấy con trùn ngoe nguẩy thì đớp, kéo vào trong. Chỉ chờ có vậy, tụi nhỏ từ từ kéo lươn ra gần miệng hang rồi giật mạnh.Với những đứa đã có kinh nghiệm thì việc phát hiện ra hang lươn không khó khăn lắm. Chỉ cần vạch nhẹ lớp cỏ phía trên là có thể nhìn thấy những cái hang miệng tròn và mịn. Miệng lớn thì chắc chắn sẽ có lươn to, nếu thấy nước sủi bọt li ti thì đó là hang của lươn đẻ. Các “câu thủ” thường thả câu ở những miệng hang lớn.

Lươn câu được thường là những con lươn to. Khi lên khỏi mặt nước nó quẫy tưng bừng, có khi còn quấn vào tay như rắn nên chỉ những đứa trẻ gan lì mới có thể giữ được nó. Còn những đứa mới tập tễnh vào nghề thì phải dùng lá lúa mới nắm được lươn mà không bị tuột. 
Trong các thú vui đồng quê, tụi con nít vẫn rất khoái câu lươn. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng kỳ thực lại lắm công phu. Cảm giác khi nắm chặt con lươn “cồi” trong tay đang quẫy tung, uốn éo vừa sợ hãi nhưng cũng rất thích thú.

Lươn được mang về nhà, những con lươn vàng óng, trơn tuột đem nhào với nắm tro bếp cho dễ tuốt nhớt. Lươn sau khi được làm sạch nhớt, rửa kỹ rồi mới cắt đầu, đuôi, mổ bỏ phần ruột. Ở quê tôi người ta làm lươn rất ít khi cần tới dao kéo, mà thường dùng cật tre hoặc nứa để giảm bớt mùi tanh của lươn.

Lươn cắt khúc, ướp sơ cùng gia vị. Trong lúc đợi lươn thấm, các chị, các mẹ tranh thủ ra sau hồi đào lấy cây chuối non, đúng điệu nhất vẫn là cây chuối hột. Bóc lớp vỏ già bên ngoài, rửa sạch, rồi thái mỏng phần gốc (cả đoạn non gần gốc), đem ngâm nước muối. Một lát vớt ra trụng qua nước ấm, sau đó vắt bỏ nước chát từ gốc và thân cây chuối.

Tiếp đến phi hành thơm, cho lươn vào đảo chín tới, cho tiếp chuối vào đảo đều, gia giảm vừa đủ. Trước khi nhắc bếp, cho thêm ớt xắt lát, tiêu xay, lá lốt thái sợi. Món này có thể nhắm lai rai hoặc ăn cùng cơm nóng thì ngon tuyệt. Vị ngọt, béo của lươn; vị ngọt, giòn, đậm đà của chuối khiến ai từng một lần thưởng thức cũng khó lòng quên được.

Lươn đồng ngon không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên hoang dã, mà còn chứa đựng trong đó cả ký ức tuổi thơ của bao người. 

Nguyễn Thị Hoè

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI