Tuyệt vọng thì... hủy hoại thân thể?
Người chồng trẻ Nguyễn Văn Khánh lao xuống sông Hàn (Đà Nẵng) cứu vợ tự tử, nhưng rồi thi thể của anh đã được tìm thấy hơn một ngày sau. Chỉ người trong cuộc mới hiểu nguồn gốc sâu xa phía sau dòng tin ngắn gọn: “Anh chở vợ và đứa con 11 tháng tuổi đến giữa cầu Sông Hàn thì xảy ra cãi vã, chị vợ lao ra lan can, gieo mình”.
Có người bất bình, căm giận cô vợ; người cố gắng đồng cảm cho rằng, thực ra để xảy tới chuyện đau lòng này, là bề bộn những va đập, mâu thuẫn không thể gỡ, và cõi lòng họ đã chết trước khi cô ấy gieo mình xuống sông. Nhưng người vợ ấy có nghĩ tới cảnh: một cuộc đời kết thúc - những nỗi đau bắt đầu? Cụ thể là nỗi đau của cha mẹ, anh em, của đứa con nhỏ côi cút.
Không thiếu những tên sông, tên cầu ở nhiều vùng đất nước trở thành nơi tang thương. Người ta chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ mẹ dùng dây buộc con trai ba tuổi vào người để nhảy xuống cầu Vạn Hà (Thanh Hóa) tự tử. Sông Lô (TP.Việt Trì, Phú Thọ) cũng dậy sóng ở thời khắc người vợ ôm con tự vẫn vì mâu thuẫn với mẹ chồng.
|
Ảnh minh họa |
Có một mẫu số đau lòng là hầu hết tình huống ôm con tự tử thì đứa con sẽ chết, dù người lớn vẫn có cơ hội sống sót. Cùng một liều thuốc, cùng một độ cao, cùng một nhát dao... nhưng với sinh mạng mong manh, trẻ không đủ sức, đủ kỹ năng để vùng vẫy cầu cứu, tự thoát thân. Người lớn khi tự tử kiểu này đã phạm tội ác giết người - giết chính đứa con yêu của họ.
70% trường hợp tự sát liên quan đến trầm cảm
Theo bác sĩ Trần Duy Tâm (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP. HCM), những yếu tố stress có thể bắt nguồn từ bất đồng trong cung cách sinh hoạt như thói quen giải trí, ăn uống, vệ sinh… Chúng nhỏ thôi, nhưng gây căng thẳng, tác động tâm lý triền miên đến các thành viên gia đình.
Bất đồng trong đời sống vợ chồng, việc mang thai, nhà có thêm thành viên, không hài hòa tình dục, thời gian làm việc choán hết thời gian vun đắp tình cảm vợ chồng, ghen tuông, ly thân, ly hôn, bạn đời nghiện rượu, ít quan tâm chia sẻ việc nhà, thậm chí chồng ngáy quá to khi ngủ… đều có thể là những yếu tố stress trong gia đình. Stress được coi là yếu tố nguy cơ cho hai bệnh lý là rối loạn lo âu và trầm cảm.
Nếu cứ để những nỗi ấm ức kéo dài mà không giải tỏa, khi gặp hoàn cảnh phù hợp, chủ thể dễ phát sinh hành vi khó lường. Có khoảng 70% trường hợp tự sát liên quan đến trầm cảm. Ngược lại, 15% người trầm cảm mưu toan tự sát. Không ít trường hợp tự sát có những hành vi manh động, hủy hoại mình và người thân do sốc, choáng váng, phản ứng stress cấp.
|
Ảnh minh họa |
Trên nguyên tắc, có những người thích ứng tốt với căng thẳng, vượt qua được stress bằng cách chấp nhận, đương đầu với stress, thậm chí biến stress trở thành gia vị của cuộc sống. Tuy nhiên, ngoài khả năng tự thân, những người này rất cần sự giúp đỡ của gia đình, xã hội. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Yến T. (52 tuổi, buôn bán vật liệu xây dựng ở tỉnh Trà Vinh). Bồ nhí của chồng liên tục gây áp lực: tung hê chuyện đang mang thai, dọa phá thai, tự tử… khiến chị tuyệt vọng.
Từng nhiều lần cầm vốc thuốc trong tay nhưng chị chưa kịp uống vì chồng phát hiện nên khóc lóc, hứa hẹn. Hơn một năm trời sống trong căng thẳng, chị T. mất ngủ, bỏ ăn, đầu óc luôn lởn vởn ý nghĩ dại dột. Hàng tuần hoặc cách tuần, chị từ Trà Vinh đến TP.HCM, ghé báo Phụ Nữ tâm sự, giải tỏa với chuyên viên tư vấn tâm lý rồi ghé BV Tâm thần TP.HCM tái khám, lấy thuốc.
Anh chồng cũng quan tâm đến vợ nhưng vẫn thỉnh thoảng vắng nhà không rõ nguyên do khiến chị ám ảnh, ức chế… Một ngày, nguyện “lành làm gáo, vỡ làm muôi”, chị quyết định vùng lên: “Nếu còn muốn giữ gia đình thì vợ chồng cùng thu xếp, rời bỏ nơi này, chuyển lên TP.HCM sống cùng hai con”, lời chân thành của chị được chồng chấp thuận.
Một thời gian sau, chị T. chia sẻ tại phòng tư vấn tâm lý báo Phụ Nữ: “Ở môi trường mới cùng những chuyển biến tích cực của bạn đời, tôi dần “hồi sinh”, không còn dùng thuốc, tinh thần thoải mái, yêu đời. Dù thu nhập có giảm nhưng vợ chồng tôi đã thắp lại tình nghĩa, cùng đi du lịch, khiêu vũ dưỡng sinh, cùng lo đám cưới con gái... Thật may tôi đã không buông xuôi”.
Tô Diệu Hiền
Có thể rèn luyện tâm lý khỏe hơn
Mọi phụ nữ đều có thể cải thiện khả năng thích ứng với tình huống xấu, xây dựng cơ chế phòng vệ tâm lý bằng một tâm thế độc lập và thích nghi tốt. Có thể rèn luyện tâm lý trong quá trình sống, trong giáo dục gia đình, học đường, qua bạn bè, báo chí hoặc gõ cửa bác sĩ, chuyên viên tâm lý...
Để vững vàng trong cuộc sống, chị em hãy độc lập, tự chủ, hãy là chính mình, tôn trọng người khác và yêu cầu người khác phải tôn trọng mình. Nếu bạn phụ thuộc, dựa vào người khác thì sẽ rất dễ chới với khi bị mất điểm tựa. Tuy nhiên, cũng không nên sống độc lập, toàn vẹn theo kiểu “tôi không cần ai”, vì dạng cá nhân này cũng dễ rơi vào tình trạng cô độc, dễ phản ứng tiêu cực trước nghịch cảnh.
Bác sĩ Trần Duy Tâm (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM)
|