Cách đây 2 hôm, tôi tình cờ gặp lại Hạnh Nguyên - cô bạn cùng lớp ngày xưa. Hạnh Nguyên từng là niềm ngưỡng mộ của rất nhiều bạn học cùng lớp khi là giám đốc tài chính của một tập đoàn lớn ở tuổi 40, sở hữu rất nhiều bất động sản cho thuê, nói tiếng Anh như gió và đi nước ngoài như đi chợ. Nhưng lần gặp lại này, Hạnh Nguyên cho biết cô đã nghỉ việc và đang mở một kênh podcast về ẩm thực.
Đi tìm hạnh phúc từ đam mê
Hạnh Nguyên nói cô may mắn có điều kiện kinh tế tốt, có người chồng yêu thương mình và 2 đứa con ngoan. Nhưng, cô chưa bao giờ cảm thấy thực sự hạnh phúc. Nguyên luôn chán ghét công việc với những con số, không thích đến cơ quan mỗi ngày, thường căng thẳng, mất ngủ và chưa bao giờ cảm thấy được thư giãn thực sự kể từ khi học đại học cho đến khi đã lên đến chức vụ rất cao.
Cho đến cách đây nửa năm, trong một buổi trò chuyện với chuyên gia khai vấn và trả lời những câu hỏi xoay quanh cuộc sống, Nguyên mới nhận ra rằng cô không hạnh phúc vì đã thiếu đi đam mê trong cuộc sống. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn ngày bé, Nguyên luôn chọn tài chính là điểm đến.
Cô yêu thích văn nhưng chọn học toán để theo ngành tài chính, trau dồi tiếng Anh để săn học bổng và sang nước ngoài. Con đường thăng tiến mở rộng thênh thang, Nguyên có thể lo cho chính mình và người thân cuộc sống đủ đầy nhưng bản thân cô chưa bao giờ cảm thấy vui.
|
Thảo Viên gác lại mọi việc để ngồi may những món đồ nhỏ xinh, áo mặc ở nhà cho mình, cho chồng con - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sau khi suy nghĩ, Nguyên quyết định nghỉ việc và trang trải chi phí gia đình bằng nguồn thu nhập từ việc cho thuê nhà. Cô đi học nấu ăn và mở một kênh podcast về ẩm thực. “Tớ thích nấu ăn từ nhỏ nhưng vì bận quá nên cứ khoán cho người làm. Hồi nhỏ, tớ ước mơ làm phát thanh viên nhưng không thực hiện được nên giờ làm podcast cho thỏa lòng” - Nguyên chia sẻ.
Ban đầu, chồng cô phản đối ý định “điên rồ” của vợ nhưng sau 3 tháng, thấy vợ ăn ngon, ngủ ngon, không cần dùng đến thuốc ngủ, da dẻ hồng hào, thần sắc tươi vui, anh chuyển sang ủng hộ vợ, bảo cô cứ yên tâm ở nhà nấu ăn và làm podcast, để anh “cày cuốc” nuôi gia đình.
“Tớ đi một vòng tròn lớn mới hiểu hạnh phúc đôi khi nằm ở đam mê thuở nhỏ mà mình bỏ quên đâu đấy. Giờ không còn khốn khó như xưa, tớ không muốn chạy theo tiền nữa, tớ muốn được vui vẻ” - Nguyên giãi bày.
Sức mạnh chữa lành của lòng đam mê
Lời chia sẻ từ Hạnh Nguyên bất chợt làm tôi nhớ đến nhân vật Holly trong bộ phim lãng mạn nổi tiếng một thời: P.S: I love you (tạm dịch: Tái bút: Anh yêu em). Khi chồng cô - Gerry - mất đi, Holly chìm đắm trong đau khổ và chỉ có thể tự vực dậy khi nhận được những lá thư chồng cô đã viết sẵn và lần lượt gửi đến cô trong nhiều tháng sau đó.
Một trong những lá thư ấy đã khuyên Holly tìm lại niềm đam mê trang trí giày, thay vì cứ tiếp tục công việc chán ngắt như hiện tại. Holly rất thích giày và rất khéo tay nên đã làm ra những đôi giày tuyệt đẹp.
Một thời gian dài, vì cơm áo gạo tiền, Holly đã bỏ quên niềm đam mê này. Cô làm những công việc mang lại thu nhập ổn định nhưng cô không thực sự yêu thích. Khi có Gerry và tình yêu của anh ở cạnh bên, điều đó xem ra vẫn ổn. Nhưng khi anh không còn bên cô nữa, Holly biết rằng cần tìm lại niềm đam mê xưa để làm điểm tựa và làm niềm vui sống. Gerry đã đúng.
Niềm đam mê trang trí giày đã phần nào giúp vực dậy tinh thần Holly, cho cô thêm sức mạnh trên hành trình vượt qua nỗi đau quá lớn.
Tôi từng biết một phụ nữ trung niên vốn chỉ chuyên tâm ở nhà làm nội trợ. Cô có sở thích làm bông tai từ những vật dụng bỏ đi như dây kẽm, vỏ sò… và thường chụp ảnh chúng đăng lên Facebook cá nhân nhưng chẳng ai để ý. Một ngày nọ, một người quen ghé thăm cô và nhận ra những đôi bông tai cô làm trông đẹp hơn hình ảnh cô đăng lên Facebook rất nhiều.
Dưới sự hướng dẫn của người ấy, cô bắt đầu chụp ảnh từng đôi bông tai, chọn độ phân giải cao, đăng lên Facebook, tham gia các hội chợ… Khi có những đơn hàng đầu tiên, cô rất vui và càng hạnh phúc hơn nữa khi con gái cô cũng thích những đôi bông tai mẹ làm. Cô bé đã đeo chúng và chụp ảnh để quảng cáo với bạn bè.
“Mỗi đôi bông tai chỉ lời trên dưới 10.000 đồng nhưng tôi rất vui vì những gì mình làm ra có người ưa thích. Chồng tôi là trụ cột trong gia đình, tôi không cần tiền nhưng tôi cần thấy mình là người có giá trị. Trước kia, tôi làm bông tai chỉ vì thích, vì muốn giết thời gian.
Nay, tôi làm bông tai vì nó mang lại giá trị và lòng tự tin cho tôi. Tôi cảm thấy mình thật khéo tay, có gu thẩm mỹ, biết làm đẹp… - những điều trước đây tôi chưa từng cảm thấy như thế về mình” - cô cho biết.
Khi đã tự tin hơn về bản thân, người phụ nữ trung niên ấy cũng dần dần cảm thấy tự tin hơn khi đối diện với chồng con. Vẫn chưa làm ra tiền, vẫn chưa thể chia sẻ cán cân kinh tế gia đình nhưng cô nhìn thấy được giá trị riêng của mình, thấy được điều mình làm là tốt và tìm được sự chia sẻ, khích lệ đáng kể từ những người có chung niềm đam mê và sở thích.
Cô có nhiều bạn bè hơn và trở nên năng động, tươi vui hơn. Hình ảnh cô trong mắt chồng con cũng dần trở nên thay đổi một cách tích cực. Đó không còn là người phụ nữ quẩn quanh xó bếp, cục mịch, ù lì như trước mà đã trở thành một phụ nữ trung niên khéo tay, tự tin và tỏa sáng với niềm đam mê của bản thân.
Cân bằng giữa đam mê và tài chính
Đọc đến đây, hẳn nhiều bạn đọc sẽ tự hỏi đam mê cuốn hút thế đấy nhưng nếu kinh tế chưa đủ tốt thì làm sao sống với đam mê.
Quả là không phải ai trong chúng ta cũng đủ may mắn để có thể kiếm sống bằng niềm đam mê của mình. Tuy nhiên, chúng ta luôn có thể dành cho mình một góc nhỏ trong thời gian biểu hằng ngày, hằng tuần để làm điều mình thích.
Những khoảng thời gian còn lại, bạn cứ thoải mái dành cho việc đi làm, kiếm tiền và chu toàn cho gia đình.
|
Thảo Viên tìm thấy niềm vui và sự cân bằng trong niềm đam mê may vá - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thảo Viên - 36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM - là một trường hợp như thế. Công việc chính của Viên là freelance content (người sáng tạo nội dung làm việc tự do). Sau giờ làm, cô phải dành thời gian cho việc nhà và chăm sóc cậu con trai gần 3 tuổi.
Vào những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi, cô gác lại mọi việc để ngồi may những món đồ nhỏ xinh như băng đô, miếng lót ly, bao đựng kính…, cả áo mặc ở nhà cho chồng con và chính mình. Đó chính là niềm đam mê giúp cô giảm stress và cân bằng những áp lực trong cuộc sống.
Thảo Viên kể: “Cách đây 2 năm, vì sinh con mà tôi nghỉ làm toàn thời gian. Vừa không có thu nhập ổn định vừa thiếu người đỡ đần những tháng đầu sau sinh, tôi như rơi vào trầm cảm. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định liều lĩnh dành một phần trong khoản tiền tiết kiệm ít ỏi để mua chiếc máy may nhỏ, kim chỉ, vải vóc… và bắt đầu ngồi may những thứ nhỏ xíu, linh tinh.
Khi tập trung may vá, tôi quên hết mọi chuyện xung quanh, bận rộn, muộn phiền; chỉ thấy vải vóc và niềm vui”.
Oprah Winfrey từng nói: “Đam mê là năng lượng. Hãy cảm nhận sức mạnh đến từ việc tập trung vào điều làm bạn hưng phấn”. Tôi tin rằng giá trị của niềm đam mê không chỉ nằm ở khả năng đóng góp tài chính, mà phần nhiều nằm ở việc giúp bạn cân bằng cuộc sống và chữa lành những vết thương tinh thần.
Nếu đang có một niềm đam mê để theo đuổi, chúc mừng bạn! Nếu chưa, hãy tự đặt cho bản thân những câu hỏi về sở thích, niềm vui, những ký ức vui vẻ ngày thơ ấu… để tìm ra điều thực sự làm bạn cảm thấy vui và hạnh phúc. Bạn không nhất thiết phải bỏ tất cả lại phía sau để theo đuổi đam mê mà chỉ cần dành một quỹ thời gian nhất định để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình như cách Thảo Viên đang làm. Đó là khoảng thời gian dành riêng cho bạn, cho niềm đam mê của bạn và nó cực kỳ đáng giá.
Để rồi sau mỗi giây phút sống hết mình cho đam mê, bạn sẽ trở lại tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và không chỉ bạn, mà người thân, bạn bè và những người xung quanh cũng sẽ được “hưởng lây” nguồn năng lượng dồi dào ấy.
Khi biết yêu thương và dành thời gian cho chính mình, chúng ta mới có thể yêu thương và chăm sóc trọn vẹn cho những người thân yêu.
Cao Bảo Vy