Lung linh vầng trăng khuyết

04/07/2018 - 18:00

PNO - Niềm tin và lạc quan khiến họ là minh chứng sống động về nghị lực phi thường. Họ cứ vậy mà lung linh, tỏa sáng.

Ngày hội “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” do Hội LHPN TP.HCM tổ chức vào cuối tháng Tư vừa qua đã có 173 người khuyết tật là hội viên, phụ nữ và các gia đình tiêu biểu nuôi dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc (vợ và chồng đều là người khuyết tật) tại 24 quận, huyện của TP.HCM tham dự.

Lung linh vang trang khuyet
Chị Thúy Vi đang hướng dẫn nhân viên, học viên tại cơ sở tranh giấy xoắn Alice.

Tại buổi giao lưu, hai vận động viên nổi tiếng của thể thao người khuyết tật Nguyễn Thị Hải và Cao Ngọc Hùng - cặp đôi đã mang về vô số huy chương danh giá tại đấu trường khu vực và châu lục - đã làm cả hội trường xúc động về câu chuyện vượt khó của mình. Nếu như tại ASEAN Para Games 2017, Nguyễn Thị Hải xuất sắc lập hat-trick huy chương vàng ở 3 nội dung gồm ném lao, đẩy tạ và ném đĩa thì anh Cao Ngọc Hùng thậm chí còn “dữ dội” hơn khi mang về tấm huy chương đồng cho điền kinh Việt Nam tại đấu trường Paralympic 2016. Tại Para Games 2017 vừa qua, anh tiếp tục “gặt vàng” về cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam. 

Thành tích đáng nể là vậy, nhưng cuộc sống thường ngày của họ không mấy dễ dàng. Để mưu sinh và nuôi nghiệp thể thao, anh chị mở quán lẩu bò ở đường Chấn Hưng, Q.Tân Bình. Khoảng thời gian không tập trung thi đấu, mỗi ngày, chị dọn bàn, anh đứng bếp cả chục giờ. Chia sẻ về cuộc mưu sinh, anh Cao Ngọc Hùng giản dị: “Đã thương nghề, thương nhau thì cố gắng. Những vận động viên khuyết tật như tôi thường chỉ có lương, chế độ khi nào tập trung đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế, hoặc dự giải toàn quốc. Hồi trước, một thân một mình, còn gắng dành dụm từ tiền huy chương, tiền thưởng thành tích mà sống, giờ có gia đình, có con nhỏ, phải kiếm đường kinh doanh mới sống được”.

Có thể nói, mỗi tấm gương phụ nữ khuyết tật được tuyên dương là một minh chứng sống động về nghị lực phi thường và tinh thần lạc quan vượt bậc. Họ mạnh mẽ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để tìm và giữ được hạnh phúc cho bản thân, lan tỏa niềm vui sống đến những người xung quanh. Chị Nguyễn Thị Phượng, một thợ may 55 tuổi, ngụ tại Q.Bình Tân chia sẻ: “Tám tháng tuổi đã mắc bệnh bại liệt nên tôi đã quen và chấp nhận số phận của mình. Cha tôi mất sớm, mẹ lập gia đình mới. Năm tôi 22 tuổi, ông nội cho tôi đi học may ở tiệm gần nhà. Bốn năm sau, ông nội qua đời, tôi sống một mình từ đấy”. Khéo tay, nên lúc nào cũng có nhiều khách, chị phải làm việc liên tục mới kịp tiến độ. Đặc biệt mỗi năm, vào dịp giáp tết, chị thức xuyên đêm để may cho kịp đồ giao khách. May đẹp, may khéo, lại còn tư vấn cặn kẽ cho khách hàng nên dần dà chị Phượng có rất nhiều “mối ruột”, trở thành bạn bè của chị. Cùng chung sở thích âm nhạc, họ thường hẹn nhau đến nhà chị Phượng đàn hát, chuyện trò.

Lung linh vang trang khuyet
Vợ chồng Thúy Vi - Huệ Trang

Niềm tin và lạc quan khiến nhiều tấm gương phụ nữ khuyết tật cứ vậy mà lung linh, tỏa sáng. Như chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc - nhân viên vi tính ở Làng May Mắn, Q.Bình Tân - dù khuyết tật nhưng từ bé, chị đã tham gia phong trào đoàn, hội, tham gia hoạt động thiện nguyện; chị Trần Thụy Thúy Vi - chủ cơ sở tranh giấy xoắn Alice - vừa làm việc nhằm thỏa đam mê nghệ thuật của bản thân, vừa giúp người khuyết tật học nghề, có việc làm.

Lung linh vang trang khuyet
Gia đình anh chị Mỹ Ngọc - Ngọc Hân

Lung linh vang trang khuyet

Phát biểu tại ngày hội, bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - xúc động: “Chúng tôi rất tự hào về các chị, những phụ nữ khuyết tật đã tự tin, không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt khó để trở thành người công dân có ích. Bằng tất cả nghị lực, trí tuệ và năng lực của mình, các chị đã vượt lên số phận để làm việc, ổn định cuộc sống. Các chị chính là những tấm gương sáng để mọi người học hỏi. Ngày hội phụ nữ khuyết tật là một món quà ý nghĩa, thiết thực nhằm động viên, chia sẻ với các chị em khuyết tật vượt khó, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc”.

Uyên - Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI