|
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho biết, dù không muốn nhưng các cá nhân vi phạm trong công tác thiện nguyện thời gian qua sẽ phải bị xử lý |
Trả lời chất vấn của ĐBQH về việc huy động làm thiện nguyện vừa qua gây ra nhiều vụ việc "lùm xùm", Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho biết, Nghị định 64/2018 của Chính phủ đưa ra nguyên tắc khuyến khích các tổ chức, cá nhân, mọi người dân tham gia từ thiện, cứu giúp người dân gặp thiên tai, dịch bệnh. Nghị định đã giao cho Bộ Tài chính có trách nhiệm thay mặt Nhà nước đứng ra thu ủng hộ, triển khai và giám sát thực hiện.
Nghị định ghi rõ, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là cơ quan tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội đứng ra để huy động, tổ chức các hoạt động thiện nguyện.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Nghị định cũng như các quy định pháp luật chưa quy định cụ thể cách thức huy động cá nhân, tổ chức khác tham gia thế nào, quyên góp, cấp phát ra sao. Về tổng quan, Bộ trưởng cho rằng, các tổ chức, cá nhân đã thực hiện cấp phát, cứu trợ tốt song "còn chỗ này, chỗ kia, điều này điều kia".
"Tinh thần, theo quan điểm cá nhân tôi là khuyến khích, Tuy nhiên làm từ thiện trên cơ sở có nguyên tắc, phải được quy định bằng pháp luật", ông nói.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 64, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Nghị định 93 ngày 27/10/2021. Theo đó, Nghị định 93 quy định rất rõ nguyên tắc, tiêu chí cách làm, từ việc vận động, triển khai các hình thức quyên góp bằng tiền mặt, bằng hiện vật...
"Từ 1/12, Nghị định 93 có hiệu lực, việc thiện nguyện sẽ đi vào nề nếp. Thời gian qua, trường hợp nào, cá nhân nào sai thì phải xử lý theo quy định pháp luật, dù chúng ta không muốn", ông khẳng định.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết NĐ 64/2018 đã bộc lộ một số nhược điểm về tính minh bạch, công khai với việc làm thiện nguyện… Những hạn chế này đã được khắc phục bởi Nghị định 93. Cụ thể, Nghị định quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; quy định rõ việc quản lý tiền, các loại hàng hóa như vàng, ngoại tệ; phân bổ cho các đối tượng thụ hưởng…
Quy định cũng yêu cầu ghi chép đầy đủ các quá trình hoạt động, mở tài khoản theo từng đợt vận động. Theo đó, sau mỗi đợt thực hiện phải đóng tài khoản lại đồng thời niêm yết công khai hàng hóa, tiền, tài sản nhận vận động một cách minh bạch. Nghị định cũng quy định chế độ báo cáo, việc phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức chặt chẽ…
Bộ trưởng Bộ Công an cũng được mời trả lời về việc rà soát kết quả một số vụ việc làm từ thiện trong thời gian qua. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đang giao Cục cảnh sát hình sự thụ lý, xác minh các nguồn tin phản ánh về hoạt động làm từ thiện của một số nghệ sĩ. Cục cũng phối hợp với các ngân hàng, chính quyền các cấp… xác minh số tiền, hàng hỗ trợ, mời một số ca nhân tổ chức liên quan cung cấp thông tin… Theo Bộ trưởng, cơ quan cảnh sát điều tra TPHCM hiện đã tiếp nhận 6 đơn tố giác về một số nghệ sĩ làm từ thiện và đang làm theo quy định.
Minh Quang