Lùi thời điểm triển khai việc truy suất nguồn gốc thịt heo

09/12/2016 - 15:27

PNO - Phải tới ngày 16/12, đề án triển khai truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh của Sở Công thương TP.HCM mới bắt đầu được thực hiện ở kênh bán hàng hiện đại.

Phải tới ngày 16/12, đề án triển khai truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh của Sở Công thương TP.HCM mới bắt đầu được thực hiện ở kênh bán hàng hiện đại (một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi), chậm hơn bốn ngày so với dự kiến ban đầu.

Trong buổi họp báo vào sáng 8/12, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, do số lượng thương lái và các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ đăng ký tham gia đề án trên còn thấp, nên phải lùi thời điểm thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả các đối tượng liên quan hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc triển khai đề án.

Ông Hòa cũng thừa nhận, việc triển khai đề án gặp nhiều thách thức hơn dự kiến, đặc biệt đối với những đối tượng là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và bộ phận thương lái thu mua heo từ người nuôi, cũng như kênh phân phối truyền thống (chợ). Khi bắt tay vào chạy thử chương trình, đã phát sinh nhiều vấn đề, ví dụ như các thiết bị cho cơ quan chức năng làm nhiệm vụ cũng chưa được cung ứng đầy đủ, thùng đựng thịt heo bằng inox có nắp đậy để dán niêm phong cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu trang bị của thương lái...

Lui thoi diem trien khai viec truy suat nguon goc thit heo
Ảnh Phùng Huy

Trước mắt, Sở sẽ áp dụng việc quản lý truy xuất nguồn gốc thịt heo cho kênh phân phối hiện đại, với khoảng 346 điểm bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm như Co.opmart, Big C, Co.opfood, SagriFood, SatraMart, SatraFood, LotteMart, cửa hàng Vissan, cửa hàng C.P, Cocomart, siêu thị Auchan, Aeon Citimart…

Kênh này có khả năng đáp ứng khoảng 15 - 20% tổng nhu cầu của người dân TP.HCM. Ngày 16/12 tới, Sở sẽ tổ chức ra mắt việc áp dụng đề án tại siêu thị Co.opMart Foodcosa trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp.

Hiện có khoảng 60 cơ sở chăn nuôi với khoảng 1.000 trang trại đăng ký tham gia đề án “truy xuất nguồn gốc”, số lượng cung cấp tối đa lên đến 10.000 con/ ngày, đủ nhu cầu tiêu dùng cho thị trường TP.HCM. Có 18 cơ sở giết mổ cũng đã đăng ký tham gia, trong đó có 5/12 cơ sở của TP.HCM có tổng công suất giết mổ khoảng 5.000 - 6.000 con/ ngày, chiếm 70-75% nhu cầu thịt heo của thị trường TP.HCM.

Liên quan đến giá thịt heo có truy xuất nguồn gốc, ông Hòa cho biết, TP.HCM có hỗ trợ 50% kinh phí trong vòng hai tháng cho các trang trại khi mua vòng nhận diện. Tất toán tất cả các chi phí mà doanh nghiệp phải chịu, có khả năng giá đội lên 200đ/ kg. Tuy nhiên, giai đoạn này, do TP.HCM thực hiện chương trình bình ổn thị trường nên Sở kêu gọi doanh nghiệp cùng chia sẻ, nhưng về lâu dài, giá sẽ do thị trường quyết định, có thể sẽ hình thành hai giá cho thịt heo có và không có truy xuất nguồn gốc. Khi việc nhận diện nguồn thịt bài bản thì người tiêu dùng có sự lựa chọn, tùy theo nhu cầu của mình.

Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM cũng cho biết, hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc có tên TE-Food đã được đưa lên cửa hàng ứng dụng trực tuyến CH Play của hệ điều hành Android, những người dùng điện thoại thông minh có hệ điện thoại Android như Samsung, HTC… có thể vào CH Play tải ứng dụng TE-Food miễn phí về cài đặt.

Ứng dụng có ngôn ngữ là tiếng Việt nên tương đối dễ sử dụng, giúp người dùng không chỉ tìm cửa hàng thịt sạch, có truy xuất nguồn gốc ở gần vị trí mình nhất mà còn có thể quét mã truy xuất trên con tem nhận diện tại các cửa hàng bán thịt có tham gia chương trình truy xuất, đồng thời tích hợp luôn cả phần phản hồi, ý kiến đánh giá của người tiêu dùng khi mua thịt… Ứng dụng này cũng sẽ tích hợp với hệ điều hành iOS cho những người dùng điện thoại iPhone trong khoảng một tuần tới đây.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI