PNO - Lucky Luke thâu tóm được lịch sử, văn hóa, tính cách con người nước Mỹ thế kỷ XIX bằng cách rất dễ chịu, hấp dẫn, khiến trẻ chẳng học gì mà lại học rất nhiều.
“Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương, mà đường về nhà còn xa”. Có lẽ chỉ cần thế, chúng tôi nhận ra nhau.
Cộng đồng bạn đọc hàng đầu thế giới
Tôi từng chia sẻ với bạn bè rằng, nếu phải liệt kê danh sách những gì cần cảm ơn trong đời, chắc chắn có tên tác phẩm bất hủ ấy. Ra đời từ năm 1946, dưới nét vẽ điêu luyện của họa sĩ người Bỉ Morris, những bản Lucky Luke đầu tiên được in định kỳ trên báo châu Âu trước khi gom lại dưới dạng tập truyện. Sau này, một “bố già” xuất hiện trong công cuộc dựng nội dung, đưa các tập truyện lên tầm cao mới là René Goscinny. Vào những năm 1957 đến 1977 anh chàng Lucky Luke đã phủ sóng khắp các nước sử dụng tiếng Pháp, cộng đồng nói tiếng Anh và hơn 30 ngôn ngữ khác. Theo giới thiệu của nhà xuất bản Trẻ, khi bộ sách vào Việt Nam, tổng số bản phát hành khắp thế giới đã 270 triệu bản).
Lucky Luke ngày nay trở thành nhân vật của một số game. Ngoài hàng trăm bản phim hoạt hình Lucky Luke với lượng view hot, một số chuyển thể điện ảnh có diễn viên người thật đã gây tiếng vang cho Lucky Comics (công ty sở hữu bản quyền Lucky Luke). Hình mẫu Lucky Luke đã đưa một số tên tuổi các diễn viên Hollywood lên tầm cao. Điển hình là nam diễn viên Clint Eastwood với vai diễn để đời là chàng tóc vàng trong Vài đồng tiền lẻ (1965) và Người tốt, kẻ xấu, kẻ tồi tệ (1966)… hay nam diễn viên Jean Dujardin trong phim Lucky Luke (2009).
Clint Eastwood với tạo hình na ná Lucky Luke trong Vài đồng xu lẻ
Ốm nhom ốm nhách, cổ quàng khăn vàng, đội cái nón cao bồi, đi đôi giày da kiểu cưỡi ngựa và chiếc quần jeans ôm bất hủ, tạo hình của Lucky Luke làm say mê triệu triệu trẻ em thế giới. Tất nhiên, anh chàng ấy phải có đôi khẩu súng lòi báng gỗ ở túi quần để thình lình rút ra bắn nhanh hơn cả cái bóng (vì anh nổi tiếng miền Viễn Tây với slogan “bắn nhanh hơn cái bóng của chính mình" mà). Anh có chú ngựa trắng đồng hành cũng nổi tiếng không kém là Jolly Jumper.
Truyện tranh vốn có đối tượng độc giả chính là trẻ em, nhưng Lucky Luke phục vụ bạn đọc từ 7 tới 70 tuổi. Trẻ nhỏ, người già say mê theo chân Lucky Luke lang thang khắp nước Mỹ, nhận những công việc tháp tùng chính khách, áp tải tù nhân, bảo vệ, chuyển thư, giao hàng, cùng anh chiêm ngưỡng cảnh sắc miền viễn Tây hoang dã thuở sơ khai.
200 năm trước, nước Mỹ còn là những vùng núi, những sa mạc kéo dài. Đây đó những đàn bò Bison lang thang, những bóng diều hâu từ trời cao vụt xuống mặt đất bắt mồi hay đàn kền kền to bự lảng vảng chờ ăn xác chết. Các thị trấn có người ở thường nhỏ xinh và xuất hiện bất thình lình trên đường và được giới thiệu bằng một nghĩa địa lạnh lẽo hay bảng gỗ với những câu đe dọa hài hước như “hỡi khách lạ, anh không được chào đón ở đây”.
Lucky Luke thâu tóm được lịch sử, văn hóa, tính cách con người nước Mỹ thế kỷ XIX bằng cách rất dễ chịu, hấp dẫn, khiến trẻ chẳng học gì mà lại học rất nhiều.
Ba thế hệ fan tại Việt Nam
Tôi tới với Lucky Luke khi không còn là đứa trẻ. Chúng tôi học xong đại học thì nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền và lần lượt xuất bản các tập Lucky Luke. Tôi và bạn bè cùng lứa trở thành thế hệ thứ hai mê những nhân vật miền viễn Tây.
Thế hệ bạn đọc thứ nhất theo tôi biết là những người đọc Lucky Luke trước năm 1975, trong đó có cha tôi. Ông hay ê a câu hát cuối các tập truyện của Lucky Luke “đường xa quán trọ là nhà..”. Câu hát ấy suốt tuổi thơ từng khiến tôi sợ hãi. Còn gì buồn hơn trong suy nghĩ của một đứa trẻ việc phải bứt ra khỏi gia đình, bầu bạn cùng cô đơn.
Nhưng đọc Lucky Luke, tôi thở phào, hóa ra không phải. Tập sách nào cũng vui tươi, dí dỏm, thông minh trong từng lời thoại, trong từng nét vẽ. Tinh thần Mỹ lan tỏa qua từng trang sách với những con người đề cao đạo nghĩa, sống không màng lợi danh.
Là người nhập cư đến TP.HCM, từng chuyển chỗ ở nhiều lần từ quận nọ sang quận kia, tôi luôn ôm hành trang gần 100 cuốn Lucky Luke theo. Những lần chuyển nhà, tôi có thể lăn tăn mang đi hay bỏ lại bao nhiêu áo quần, chứ nhất định bộ sách phải giữ và chỉ cho bạn thật thân mượn đọc. Thế nhưng, bộ sách ấy cuối cùng cũng phiêu lưu theo người bạn ra nước ngoài vì anh ta nhất quyết không trả lại. Thư về anh nói, trong những đêm giá lạnh xứ người, anh có niềm vui mở Lucky Luke ra đọc tới đọc lui để nhớ những trận cười ấm áp bên bè bạn.
Nhà xuất bản Trẻ khi ấy cũng lập hẳn câu lạc bộ những người hâm mộ Lucky Luke, thường xuyên tổ chức gặp gỡ. Khỏi nói tôi đã hớn hở thế nào. Năm đó con tôi học lớp Một và cuốn đầu tiên tôi mua là tập "Đoàn ngựa non tốc hành". Cuốn sách mô tả nhiệm vụ của chàng cao bồi "ship" đoàn ngựa đi từ Đông qua Tây nước Mỹ với bao khó khăn và hiểm nguy. Thằng bé cuốn vào cuộc phiêu lưu và nhanh chóng mê mải đòi tập 2, 3, 4. Từ cái miệng xinh xắn của con, những câu nói dí dỏm từ trang sách “ứng dụng” ra đời.
Mẹ con tôi đi qua những bài học tình người, khát vọng sống vì chính nghĩa, tự do, những quan điểm về tiền bạc và nghề nghiệp rất tự nhiên và đơn giản. Chẳng cần lý thuyết gì cao siêu. Dạy con về chân-thiện-mỹ tưởng tốn sức lắm, nhưng nhờ bộ sách như thế, mọi thứ tới thật tự nhiên.
Lucky Luke khác đa số truyện tranh trẻ em ở chỗ, các nhân vật không hề một màu. Kẻ phản diện cũng có nét đáng yêu và lý thú nhất là sự đa chiều trong tính cách các nhân vật. Không có ai xấu hoàn toàn; cũng chẳng ai luôn hoàn hảo, không vướng sai lầm, khuyết điểm. Tình tiết lời thoại giống hệt ngoài đời thực nên từ lúc nào, với con, tôi biến thành má Dalton dữ dằn (má Dalton là mẹ của bốn tên tù Dalton trong truyện).
Tôi nghĩ không riêng mẹ con tôi mà những ai say mê Lucky Luke đều "vận" lời thoại và suy nghĩ của tác phẩm vào đời sống. Còn nhớ, khi chạy xe máy đi làm giữa khuya ở Quốc lộ 51, tới đoạn mất đèn đường, mò mẫn trong đêm tối để không đâm vào dải phân cách hay văng xuống ruộng, trong đầu tôi là câu hát lạc quan "ta là gã cao bồi nghèo đơn độc…". Những khi nóng giận bừng bừng hay rối trí, tôi nghĩ mình cần một khúc bút chì để ngồi chuốt giống Lucky Luke ngồi gọt khúc gỗ giải sầu bên bậu cửa.
Mọi việc trên đời này, hãy nghĩ thật đơn giản thôi.
Kho kiến thức ngồn ngộn
Cho con đọc Lucky Luke, tôi chẳng tốn công giải thích với con đường tàu được dựng như thế nào, qua những dòng sông, khe vực ra sao, bao nhiêu máu và nước mắt của công nhân đã rơi. Các mỏ dầu mọc lên ra sao, con tàu từ biển theo dòng Mississippi xây các bến tàu dọc các thị trấn như thế nào... Khi người châu Âu khai phá, họ phải giành đất của người bản xứ và cuộc đấu tranh với người da đỏ diễn ra liên miên. Người Trung Quốc, người Mexico tới tân thế giới thường làm việc gì? Tượng nữ thần tự do từ đâu mà ra? Các quý tộc châu Âu “tinh hoa” và trọng danh dự ra sao? Vì sao những kẻ như tay nhà đòn, chỉ mong có người chết hay tử tù để bán… quan tài? Hàng trăm tình huống sinh động được kể bằng tranh cuốn hút người đọc vào miền Tây hoang dã.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.