“Lục tỉnh cầm ca” và nỗ lực gìn giữ nghệ thuật truyền thống của người trẻ

24/10/2020 - 12:58

PNO - Bộ sách “Lục tỉnh cầm ca” (4 cuốn) tập hợp nhiều nguồn tư liệu về các loại hình diễn xướng của Nam bộ như hát bội, cải lương, đờn ca tài tử...

Bộ sách Lục tỉnh cầm ca gồm 4 quyển: Đường vào hát bội, Đường vào diễn xướng dân gian Nam bộ, Đường vào đờn ca tài tử Đường vào cải lương, tập hợp nhiều nguồn tư liệu và kinh nghiệm tổ chức các chương trình Diễn xướng Nam bộ của nhóm Đối thoại Văn hóa Cộng đồng (CCD).

CCD là nhóm các bạn trẻ yêu mến văn hoá nghệ thuật dân tộc. Trong hơn 3 năm qua, nhóm thực hiện nhiều chương trình giới thiệu, đối thoại về một số loại hình nghệ thuật dân gian được đánh giá là chất lượng, thu hút nhiều người trẻ và các nhà nghiên cứu tham gia. Sau chương trình Diễn xướng Nam bộ, nhóm thực hiện Dự án Thư viện Diễn xướng Nam bộ lục tỉnh cầm ca. Bộ sách vừa ra mắt là một trong những sản phẩm thuộc dự án.

Bộ 4 cuốn thuộc bộ sách Lục tỉnh cầm ca vừa ra mắt.
Bộ 4 cuốn thuộc bộ sách Lục tỉnh cầm ca vừa ra mắt.

Về bộ sách Lục tỉnh cầm ca, nhóm CCD mong muốn có thể giới thiệu đến bạn đọc cách thưởng thức các loại hình diễn xướng của miền Nam. Trong sách, các kiến thức cơ bản về 4 loại hình nghệ thuật được trình bày cô đọng, từ bối cảnh lịch sử hình thành các loại hình diễn xướng, sân khấu hóa chất liệu âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền với góc nhìn đương đại, giúp khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ tiếp cận và chung tay tiếp tục giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa cổ truyền.

Đặc biệt, để độc giả tiếp cận dễ hơn những điều được viết, sách trang bị thêm ứng dụng QR code. Khi dùng điện thoại quét mã, bạn đọc sẽ được nghe một số tiết mục chuẩn bị sẵn. Ví dụ khi đọc đến phần đờn ca tài tử, người đọc có thể nghe bản Hành vân (lời: Hội Ca Cầm, trình bày: nghệ sĩ Song Oanh, Ban đờn ca tài tử Sáu Hưng đệm đờn), bản Tứ đại oán (lời: Tây Nam Du, trình bày: nghệ sĩ Minh Trang, Ban đờn ca tài tử Sáu Hưng đệm đờn)...

“Chúng tôi không thể tự làm nên bộ sách mà nhờ phần lớn vào nguồn tư liệu của những nhà nghiên cứu từng xuất hiện trong các chương trình nhóm đã tổ chức. Từ đó, chúng tôi được hướng dẫn để tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn bên ngoài. Nhóm mong muốn bộ sách mang được tình yêu nghệ thuật truyền thống đến với người trẻ để từ đó, mỗi người có cách ứng xử đúng đắn hơn với văn hoá của dân tộc”, Phan Khắc Huy, người sáng lập nhóm CCD chia sẻ.

Nhóm tác giả giao lưu cùng khán giả tại Đường Sách sáng 24/10.
Nhóm tác giả giao lưu cùng khán giả tại Đường sách TPHCM sáng 24/10.

Dự án của nhóm CCD nhận được sự hỗ trợ, cộng tác của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhóm nghệ thuật như: Ban đờn ca tài tử Sáu Hưng, Đoàn hát bội Ngọc Khanh, nghệ sĩ Lý Kiều Hạnh, nghệ sĩ Thanh Sơn và học trò, Ban sắc bùa Phú Lễ, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Lê Hải Đăng, Vương Hoài Lâm, Ban nghệ thuật cổ truyền Vạn Đức Quang...

“Nếu muốn người trẻ yêu mến nghệ thuật truyền thống thì việc đầu tiên, chúng ta phải làm sao để họ biết được nghệ thuật có những điều hay, đẹp như thế nào. Bởi có những chương trình, sự kiện chúng ta làm rất hay nhưng công chúng không biết mà không biết thì không hiểu, không yêu”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ. Ông ủng hộ cách làm của nhóm CCD và trân trọng những dự án mà nhóm đã thực hiện trong thời gian qua. Ông tin tưởng cách làm của người trẻ sẽ tác động hiệu quả đến các đối tượng cùng trang lứa. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI