Lục soát điện thoại của con là quyền của cha mẹ?

26/11/2019 - 06:37

PNO - Nhiều bình luận trên mạng xã hội cho rằng việc lục soát điện thoại của con là quyền của cha mẹ. Kiểm soát như thế cũng chỉ vì trách nhiệm và muốn tốt cho con mà thôi.

Câu chuyện một bé gái 13 tuổi ở TP.HCM đã nhảy từ lầu 8 chung cư xuống đất vì không hài lòng khi mẹ xem điện thoại, tôi cứ ngỡ đó là một bài học cảnh báo cho các bậc phụ huynh về vấn đề kiểm soát quyền cá nhân của con cái. Nhưng hoá ra không hẳn.

Là giáo viên cấp III, tôi thường xuyên nghe tâm sự từ học sinh về chuyện ba mẹ đòi xem tin nhắn, cuộc trò chuyện, kiểm duyệt facebook nên khá hiểu tâm lý bức xúc của chúng. Nhưng không ngờ, lướt qua các bình luận trên mạng xã hội về sự việc trên, tôi ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng việc lục soát điện thoại của con đương nhiên là nhiệm vụ và quyền của cha mẹ. Kiểm soát như thế cũng chỉ vì muốn tốt cho con mà thôi.

Luc soat dien thoai cua con la quyen cua cha me?
Nhiều phụ huynh cho rằng việc "lục soát" đời sống cá nhân của con là quyền của cha mẹ. Ảnh minh hoạ

Thậm chí có người còn kết luận cô bé 13 tuổi ấy còn bé mà “hư thân mất nết”, “mất dạy”… Tất nhiên, hành động của cô bé là bồng bột và để lại hậu quả cho cả bản thân lẫn gia đình, nhưng không thể phủ nhận lỗi của người mẹ trong việc giáo dục con.

Tôi dám chắc, đây không phải lần đầu bà mẹ xem điện thoại của con, mà có thể hành động này đã lặp lại nhiều lần mới dẫn đến phản ứng quyết liệt của bé như thế. Không biết các ông bố bà mẹ đang âm thầm theo dõi con, đột nhập vào Facbook cá nhân đọc tin nhắn, lục lọi điện thoại… có thấy giật mình.

Có lẽ, nhiều cha mẹ vẫn biết làm như vậy là không đúng nhưng tự bao biện rằng, con hư mới đáng sợ chứ việc nhảy lầu hay có hành động tiêu cực chắc hiếm khi xảy ra. Và trên thực tế, những đứa trẻ đã chọn những cách phản ứng khác nhau để thể hiện thái độ của mình đối với hành động can thiệp của ba mẹ. Dù chưa đến mức tận cùng là tìm đến cái chết để phản kháng, nhưng chắc chắn tình cảm giữa ba mẹ và con cái sẽ có một hố sâu không gì bù đắp được.

Chị gái tôi đã chọn cách kiểm soát con chặt chẽ thay vì trò chuyện trao đổi, xem con như một người bạn. Mặc dù con chị không phản ứng gì, cháu chỉ im lặng và chấp nhận sự quản lý của mẹ. Nhưng đến khi con vào đại học, chị không còn cách nào để tiếp cận con nữa. Con chị gần như cắt liên lạc hoàn toàn với mẹ, không nghe điện thoại, đến nghỉ hè, ngày lễ cũng không về nhà.

Khi con chị tốt nghiệp, gia đình đã lo cho một công việc ổn định gần nhà nhưng nó nhất quyết không về. Chấp nhận ở lại thành phố tự kiếm việc, làm phục vụ nhà hàng lấy tiền trang trải khi ba mẹ doạ cắt tiền chu cấp.

Chị ngỡ ngàng đến đau đớn khi biết lý do con không về chỉ vì “không muốn sống dưới sự kiểm soát của mẹ thêm nữa”. Thậm chí, nó còn tâm sự với đứa em họ, những năm tháng ở nhà không khác gì “nhà tù”, mẹ đã biến nó thành một kẻ lập dị trong mắt bạn bè.

Chính tôi cũng thấy cách kiểm soát con cái của chị gái có phần hà khắc và thiếu tôn trọng. Ngày đó, điện thoại di động chưa phổ biến, nhà chị có điện thoại cố định và chị kiêm luôn việc trực điện thoại. Mỗi lần bạn bè của con gọi điện, chị hỏi cặn kẽ tên tuổi, địa chỉ, lý do mới cho gặp con khiến chúng nó khiếp sợ, không dám gọi.

Luc soat dien thoai cua con la quyen cua cha me?
Không phải cứ theo dõi, kiểm soát là hiểu được con cái mà chính sự tôn trọng từ ba mẹ, con sẽ tự khắc chia sẻ tâm tư suy nghĩ của mình. Ảnh minh hoạ

Chị xem việc đọc nhật ký của con trai là một việc hiển nhiên để thấu hiểu tâm tư suy nghĩ của con và cậu bé đã phải ngừng viết khi biết mẹ hay lục lọi. Nhà gần trường nhưng hàng ngày, chị vẫn cần mẫn đưa đón con đi học bất kể học chính khoá hay học thêm. Hình ảnh bà mẹ nhỏ nhắn chở cậu con trai cao hơn mét bảy học lớp 12 sau xe khiến không ít người buồn cười. Và tất nhiên, chuyện đó khiến con chị mất mặt với bạn bè khi ai cũng tự túc đến trường.

Chị tôi đã từng rất tự hào khi con trai thi đậu đại học trong lúc nhiều người đau đầu vì con ham chơi. Chị nghĩ con được như thế là nhờ mình đã kiểm soát gắt gao nên không có cơ hội hư hỏng. Nhưng chị không biết, bên trong vẻ thuần phục của con là sự phản đối ngấm ngầm, và mãi về sau con mới bộc lộ.

Mỗi đứa trẻ đều cần nhận được sự tôn trọng từ chính người sinh ra mình. Không phải cứ theo dõi, kiểm soát là hiểu được con cái, mà chính sự tôn trọng từ ba mẹ sẽ khiến con tự khắc chia sẻ tâm tư của mình.

                                                              Minh Tâm            

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI