Lúc ở nhà vợ cũng là... cô giáo

02/11/2015 - 13:58

PNO - Trường sư phạm không dạy người ta làm vợ, làm mẹ, nhưng thiên chức của người phụ nữ có phần gần gũi với nghề, với môi trường sư phạm...

Lâu lắm rồi Hạnh Dung mới gom đủ can đảm để viết thư cho những chị em làm cô giáo. Nghề dạy học đẹp từ tâm hồn đến hình thức, người làm nghề được ngợi ca như mẹ hiền.

Bao chàng trai ôm mộng lấy vợ làm cô giáo, để có người vợ khéo dạy con, tính tình mềm mỏng, nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng, nghề giáo cũng để lại những nếp hằn trên tính cách, khiến đôi khi việc sống cùng cô giáo dưới một mái nhà chưa hẳn đã là hạnh phúc.

Luc o nha vo cung la... co giao
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Trong thư gửi Hạnh Dung một anh kể: Vợ tôi là giáo viên dạy toán cấp II. Với cô ấy, một cộng một là hai, tuyệt đối không có đáp số khác. Em gái tôi bảo, vợ anh là cái máy tính chứ không phải con người.

Nguyên do vì cô em tôi lúc làm nhà có mượn một ít tiền, nói tháng Hai trả nhưng đến tận tháng Mười mới trả, vì làm nhà phát sinh, chồng cô ấy lại bị tai nạn phải nằm bệnh viện hơn tháng. Lúc cô ấy trả, vợ tôi cứ nhân tiền lãi theo ngân hàng, không thiếu một xu.

Đành rằng kiếm đồng tiền khó khăn, nhưng làm vậy cũng hơi quá. Tôi góp ý, vợ tôi bảo: Mượn ra mượn, cho ra cho, không thể nhập nhằng! Em gái tôi cũng trả tiền, nhưng giận hờn nói là may mà chưa phải đưa sổ đỏ đến thế chấp cho anh chị! Vài chuyện như vậy, họ hàng, bạn bè mất dần mà vợ tôi không nhận ra.

Một lá thư khác: Lấy vợ là giáo viên, tôi đau khổ nhận ra mình đã lấy một cái “máy nói”. Vợ tôi nhìn bất kỳ việc gì, chỗ nào cũng “lẩy” ra được vấn đề. Rồi là phân tích, là liên hệ bản thân và người xung quanh, là lấy dẫn chứng xác thực, là kết luận và nhắc đi nhắc lại phần ghi nhớ, cho đến khi nào “người vi phạm” thuộc bài mới thôi!

Tái phạm thì phải biết với bà ấy! Không hiểu vợ tôi lấy đâu ra năng lượng để nói triền miên như thế, cũng không biết làm cách nào để bà ấy thôi giáo điều, thôi giảng bài, thôi coi những người quanh mình đều là học sinh, đều cần phải được dạy dỗ…

Hạnh Dung mang chuyện này hỏi những người quen cũng là giáo viên, một thầy giáo tâm sự: Tôi thấy các cô giáo thường có thói quen… chê chồng! Chị cứ đến phòng giáo viên trong giờ giải lao là thấy rõ. Đầy ắp chuyện, cô nào cũng cho là chồng mình đầy nhược điểm.

Tại sao à? Bệnh nghề nghiệp thôi. Giáo viên mà! Thường xuyên nhìn thấy học trò phạm lỗi, thường xuyên phải chấn chỉnh, sửa lỗi, lỗi lớn lỗi nhỏ gì cũng phải sửa, cứ vậy thành quen. Về nhà, chồng đã sai, lại còn không chịu sửa, làm sao chịu nổi!

Công bằng mà nói, các bà vợ làm nghề nào cũng có thể có những tính cách trên, đâu chỉ riêng các bà làm nghề giáo. Nhưng có lẽ, nghề nghiệp đã tạo cho các chị một thói quen. Nghề giáo đòi hỏi sự chỉn chu, mực thước.

Lên lớp đúng giờ, giáo án chuẩn bị sẵn, sổ sách nghiêm ngặt, cất lời nói thì học trò phải im lặng nghe… Mình có tự do mấy, thì cũng phải tự khép mình vào kỷ luật. Một năm, hai năm không sao, nhưng người đã giữ nếp sống kỷ luật ấy hàng chục năm thì khó mà c hịu nổi những ai vô kỷ luật!

Nghề giáo truyền thụ kiến thức, những điều nói ở lớp là chân lý, nên những điều nói ở nhà cũng phải là chân lý, cũng phải được tiếp thu, thực hiện. Nếu không sẽ là phạm lỗi, là nhược điểm. Đầy rẫy nhược điểm mà không chịu sửa, thì thành chuyện đáng chê trách. Cái bệnh chê chồng cũng từ đó mà ra.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI