Cha mẹ có nên làm thầy dạy con?

Lúc ở nhà, mẹ có nên là cô giáo?

15/10/2020 - 11:01

PNO - Học là cả hành trình rất dài và rộng. Đôi lúc, bạn thấy “buông tay để con bay” là rất khó khăn, có vẻ như ngược dòng, nhưng đó là điều con cần. Giỏi sách vở vẫn quan trọng, nhưng con còn phải giỏi thực tế: biết quan sát, biết tư duy độc lập, logic, sáng tạo.

Tranh cãi về sách giáo khoa lớp Một vẫn chưa có hồi kết. Rõ ràng, “hoàn cảnh đặc biệt” từ việc thay sách đã khiến phụ huynh phải bước khỏi vị trí thực sự của mình để lên tiếng về sách giáo khoa - một sản phẩm thuộc trách nhiệm của hệ thống giáo dục. Vậy, vai trò thực sự của phụ huynh là gì? Một đứa trẻ đang tuổi ăn học cần điều gì ở cha mẹ? Nếu không trả lời rốt ráo câu hỏi này, cả phụ huynh lẫn hệ thống giáo dục đều sẽ cướp mất của con trẻ một nguồn trợ giúp chính đáng và cần thiết trên đường học.

Bạn mình, con một tuổi đã phải thuê gia sư dạy, học phí gần 1 triệu đồng/giờ. Có mẹ nhắn cho mình rất lo lắng: “Con em gần một tuổi, học flashcard mà cả năm nay vẫn chưa biết đọc. Em lo sau này con đi học không theo kịp các bạn. Em thấy trên mạng có bé mới hơn hai tuổi mà đọc ro ro rồi”.

Nếu đi học chỉ để tập viết và làm toán cộng trừ thì để con ở nhà học lẹ hơn nhiều. Đi học là để con bước vào cuộc sống, va chạm và tương tác với những người lạ, để con học cách tôn trọng người khác, cách chơi cùng người khác, cách tương tác với người khác. Con học cách nhận lời khen và cả lời chê. Con biết thế giới không phải toàn màu hồng, không phải ai cũng chiều chuộng mình vô điều kiện như ở nhà. Những chuyện bất công, những cảm xúc khó là bài thi, bài tập của con. Nên nếu muốn con học tập trung, việc đầu tiên nên làm là để con yêu trường, tin tưởng thầy cô, con thích đi học. Não bộ nó tinh vi lắm, thích gì thì sẽ tập trung và ghét gì thì sẽ xao nhãng ngay. Nguồn năng lượng từ cảm xúc rất quan trọng. 

Vậy nên, công việc của cha mẹ không phải là cầm tay con viết hết một trang, làm hết năm bài cô giao mà là trò chuyện với nhau thật nhiều, dành thời gian cho nhau thật nhiều, ôm nhau, âu yếm, tâm sự, tìm hiểu những chuyện xảy ra trên lớp với cô giáo và các bạn. 

Năm nay, Xu và Sim lên lớp Tám và lớp Chín, tôi vẫn bảo lưu quan điểm như xưa: không ép con học, không nhồi nhét, không kè kè kèm cặp, không định hướng, không cầm tay chỉ việc, không cho học thêm, không phấn đấu để đạt điểm cao. 

Chị Trần Thu Hà, tác giả cuốn sách nổi tiếng Buông tay để con bay, được nhiều phụ huynh yêu thích
Chị Trần Thu Hà, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Buông tay để con bay", và "Con nghĩ đi mẹ không biết" được nhiều phụ huynh yêu thích

Công việc của tôi hằng ngày từ chục năm nay không phải là dạy con mà chỉ làm bạn đồng hành với con. Tôi không chủ trương đổ thêm vào, mà chỉ là trút bớt ra cho con nhẹ nhõm. Tôi không dạy trước, không kèm con làm bài tập mà chỉ dạy những thứ nhà trường không dạy, chỉ làm những việc để giúp con tự học và yêu hành trình học hỏi này. Vì tôi muốn 10 năm, 15 năm sau, con mình sẽ là một người ham học, tự lập, tự do, có lối sống lành mạnh, có bạn tốt. Tôi muốn mình là người bạn của con, được con tin tưởng. Và khi có mục tiêu dài hạn đó để nhìn vào thì những điểm thi, những bài tập, những biến cố chỉ còn là những bước nho nhỏ, những điểm xuyết nho nhỏ, không dọa nạt được mình. 

Lần tôi qua Israel, được nghe ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Israel nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo ra những đứa trẻ tò mò. Giáo dục không phải là ráng nhồi nhét, đổ cho đầy thùng mà là khơi lên ngọn lửa trong mỗi đứa trẻ”.

Tôi vẫn tin rằng, điều quan trọng nhất cần dạy cho một đứa trẻ là tính tự lập, tự lập cả trong hành động và trong tư duy. Con cần có không gian và thời gian để trải nghiệm và tư duy sáng tạo, chủ động, linh hoạt để thích ứng trong mọi bối cảnh. Học - chơi - trải nghiệm, tư duy. Chữ học là cả hành trình rất dài và rộng. Đôi lúc bạn sẽ thấy “buông tay để con bay” là rất khó khăn, nhưng đó là điều con cần. Giỏi sách vở vẫn quan trọng, nhưng còn phải giỏi thực tế: biết quan sát, biết tư duy độc lập, logic, sáng tạo. 

Trần Thu Hà (Mẹ Su Xim)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI