Giải cứu điện ảnh Pháp
Điện ảnh Pháp, “cái nôi của nghệ thuật thứ bảy”, nền nghệ thuật và công nghiệp điện ảnh thuộc hàng lâu đời nhất thế giới với số lượng đồ sộ tác phẩm để đời, sao lại cần giải cứu?
Nền điện ảnh Pháp từng có thời dẫn đầu giới làm nghề quốc tế với trào lưu “Làn sóng mới” vào cuối thập niên 1950. Xuyên suốt các thập niên 1950, 1960, 1970 và 1980, điện ảnh Pháp được các tín đồ điện ảnh toàn cầu “chết mê chết mệt” với các nam tài tử: Jean-Paul Belmondo, Alain Delon, Gérard Depardieu... cùng các nữ minh tinh: Brigitte Bardot, Catherine Deneuve...
Oái oăm thay, kể từ thập niên 1980 cho đến khoảng năm 2005, điện ảnh Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng khá trầm trọng về phương diện thị trường. Thậm chí đến tận năm 2015, điện ảnh Pháp vẫn liên tục bị mất thị phần ngay trên “sân nhà” trước các đối thủ “nặng ký” từ Hollywood. Thời điểm đó, thị phần phim Pháp ở chính thị trường Pháp chỉ còn 35%, đến độ báo Le Figaro từng có bài viết mang cảm thán rằng “Hollywood xô ngã điện ảnh Pháp” khi tổng kết mùa phim ảnh cuối năm 2015.
Trước khi phim Forces spéciales được thực hiện, một sự kiện có thật đã từng xảy ra với giới báo chí Pháp tại chiến trường Afghanistan: ngày 29/12/2009, nhà báo Stéphane Taponier (quay phim) và Hervé Ghesquière (phóng viên) của kênh truyền hình France 3 đã bị Taliban bắt cóc tại vùng núi Kapisa, một khu vực bất ổn cách thủ đô Kabul khoảng 60 cây số. Họ đã bị Taliban giam giữ suốt 18 tháng tại Afghanistan, cuối cùng được thả tự do, về đến Pháp vào ngày 30/6/2011. Họ đã trở thành hai trong số những “con tin” phương Tây bị Taliban giam giữ lâu nhất tại Afghanistan. Sự việc trên diễn ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và luôn được các báo lớn ở Pháp (Le Parisien, Le Figaro, L’Humanité…) quan tâm. |
Trong danh sách “100 bộ phim ăn khách nhất tại Pháp” được Trung tâm Điện ảnh quốc gia trực thuộc Bộ Văn hóa Pháp thống kê, tính đến năm 2015, phim Pháp chỉ có tỷ suất khiêm tốn ở mức trên dưới 1/4 của toàn thị trường phát hành phim ở đất nước này. Bất kể đến đầu thập niên 1990, điện ảnh Pháp đã có thế hệ kế thừa đầy tài năng, được Hollywood ghi nhận chào đón, như nam diễn viên Jean Reno, Vincent Cassel... và dàn sao nữ thế hệ mới của điện ảnh Pháp ở tầm quốc tế như Isabelle Huppert, Isabelle Adjani, Sophie Marceau, Marion Cotillard...
Điện ảnh Pháp còn có cả đạo diễn Luc Besson nổi tiếng “mát tay” trong dòng phim thương mại giải trí “Hollywood kiểu Pháp” nhưng cũng chỉ có một phim trong danh sách “phim ăn khách” - bộ phim Le Grand Bleu ra mắt năm 1988, với hơn 9 triệu lượt người xem.
Trong chương trình “Toàn cảnh Điện ảnh Pháp tại Việt Nam lần 1”, diễn ra tại TP.HCM vào năm 2007, đạo diễn lừng danh người Pháp Régis Wargnier - người làm bộ phim Đông Dương (Indochine) đoạt giải Oscar năm 1993 ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc - đã mang bộ phim mới nhất của mình là Pars vite et reviens tard đến với khán giả Việt. Bộ phim thể loại hình sự và giật gân này, về cơ bản cũng chính là để Hiệp hội Các nhà làm phim Pháp tìm cách chống lại sự thống trị của điện ảnh Mỹ, đưa điện ảnh Pháp ra thế giới, dưới sự “cầm cờ” của Régis Wargnier cùng các thế hệ đạo diễn trẻ tiếp nối của điện ảnh Pháp thời điểm ấy.
|
Nữ chính của phim, nhân vật nữ nhà báo Pháp bị Taliban bắt cóc, do Diane Kruger thủ vai |
Về doanh thu phòng vé, Pars vite et reviens tard là một thất bại (ngân sách đầu tư khoảng 18,2 triệu USD nhưng doanh thu chỉ đạt 6,2 triệu USD). Tuy nhiên, bộ phim mới của nhà làm phim kỳ cựu nước Pháp lại là một cột mốc đáng lưu ý về đường hướng “tái sinh” của điện ảnh Pháp với dòng phim thương mại tiệm cận thị trường toàn cầu. Đó cũng là lần đầu một phim điện ảnh Pháp chính thức được phát hành thương mại tại thị trường Việt Nam - phim Hors de prix (tựa tiếng Việt: Kẻ săn tình).
Vì sao lại là "Lực lượng đặc biệt"?
Năm 2011, đạo diễn Stéphane Rybojad đã dẫn dắt một “lực lượng đặc biệt” của điện ảnh Pháp đối đầu sống còn với lực lượng Taliban nơi chiến trường Afghanistan trên màn ảnh, thông qua bộ phim hành động chiến tranh Forces spéciales thuộc hàng “bom tấn” về mức đầu tư của phim Pháp (kinh phí sản xuất được công bố là 10 triệu euro) giai đoạn đó.
Bộ phim đã “dội bom” khán giả bằng những hình ảnh dữ đội trong một cuộc tập kích của lực lượng đặc nhiệm Pháp. Trực thăng đổ quân dàn hàng ngang bay dũng mãnh giữa bầu trời. Suốt bộ phim là rất nhiều cảnh với hàng loạt chiến đấu cơ vận chuyển, rồi tàu ngầm, hàng không mẫu hạm...
|
Bộ phim Lực lượng đặc biệt gánh sứ mệnh giải cứu điện ảnh Pháp |
Nữ chính của phim, nhân vật nữ nhà báo Pháp bị Taliban bắt cóc, do Diane Kruger thủ vai. Cô từng vào vai Helen - người đẹp huyền thoại của thành Troy trong phim Troy (ra mắt năm 2004, đạo diễn Wolfgang Petersen), cùng với nam tài tử Brad Pitt (vai Achilles). Đến năm 2009, cô tiếp tục đóng cặp cùng Brad Pitt trong phim Inglourious Basterds (phim nhận được đề cử Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2009) của đạo diễn Quentin Tarantino.
Trước khi gia nhập Lực lượng đặc biệt, Diane Kruger cũng từng nhận được giải thưởng Female Revelation tại Cannes 2003. Đến năm 2017, một lần nữa Diane Kruger chứng thực tài năng diễn xuất của mình với giới phê bình khi chiến thắng giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Cannes 2017, với phim Aus dem Nichts của đạo diễn Fatih Akin.
Diễn viên Djimon Hounsou, trước khi gia nhập Lực lượng đặc biệt đã nức tiếng quốc tế, từng hai lần được đề cử Oscar vào các năm 2004 (phim In America) và 2007 (phim Blood Diamond); xa hơn là đề cử Địa cầu vàng năm 1998 (phim Amistad).
Lực lượng đặc biệt cũng có sự góp mặt của nam diễn viên cự phách Benoit Magimel, từng chiến thắng giải Nam diễn viên xuất sắc ở Cannes 2001 (phim La pianiste) của đạo diễn kỳ cựu Michael Haneke. Đáng chú ý là sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Lực lượng đặc biệt, anh tiếp tục thắng giải César năm 2016 của điện ảnh Pháp với vai diễn trong phim La tête haute, đạo diễn Emmanuelle Bercot)…
Đoàn phim Forces spéciales, với sự giúp đỡ của quân đội Pháp, đã ghi hình một số cảnh “nhà binh” tại Djibouti, một quốc gia nhỏ ở châu Phi. Djibouti từng là thuộc địa cũ của nước Pháp, đồng thời là căn cứ quân sự thường trực lớn nhất của Pháp ở châu Phi. Các bối cảnh dân sự được ghi hình tại vùng núi Pamir của Tajikistan, giáp biên giới với Afghanistan. Điều này giúp Forces spéciales trở nên thực tế hơn về bối cảnh liên quan Afghanistan và Pakistan.
Lực lượng đặc biệt còn có sự tham gia góp sức của lực lượng biệt kích, thủy quân lục chiến thực sự và cả trung tá Jackie Fouquereau - cựu huấn luyện viên Marius nổi tiếng qua một bộ phim tài liệu được phát sóng trên France 2, cựu “trùm” truyền thông quân đội Pháp và là chuyên gia về can thiệp quân sự vào Afghanistan... Những nhân vật đặc biệt này đã đồng hành cùng đoàn làm phim suốt quá trình sản xuất.
Forces spéciales vẫn thường được khán giả khắp thế giới so sánh với một vài phim tương tự có cùng đề tài, bối cảnh. Phim từng gặp phản ứng khá tồi tệ từ chính các nhà phê bình tại Pháp ngay khi vừa ra mắt nhưng lại được khán giả Pháp đón nhận tương đối tốt, đồng thời được truyền thông bên ngoài nước nhìn nhận tích cực, đặc biệt là về phương diện hình ảnh phim, liên quan khí tài quân sự cùng sự hỗ trợ cực kỳ hiệu quả từ quân đội Pháp. Thậm chí, Forces spéciales được khán giả đánh giá là hấp dẫn và sắc nét hơn so với Act of Valor. Tương tự, khi so với Forces spéciales thì Lone Survivor bị giới phê bình cho là một bộ phim tuyên truyền của quân đội Mỹ.
Trailer phim Forces spéciales:
Forces spéciales - bộ phim điện ảnh đầu tay và duy nhất của đạo diễn Stéphane Rybojad - đã “lãnh ấn tiên phong” mở đường tái hòa nhập về dòng phim thương mại giải trí của điện ảnh Pháp với thị trường quốc tế, dưới sự bảo trợ của hãng phim Canal+ - “lá cờ đầu” của khuynh hướng cải tổ việc làm phim ở Pháp để đưa điện ảnh Pháp trở thành đối trọng với Hollywood.
Phước Châu