Lúc lìa đời, người vợ không biết bí mật sau những bức thư chồng gửi

24/04/2017 - 06:45

PNO - Mười năm chồng đi làm xa nhà, bà Hướng Nguyệt ngày ngày trông chồng, và cho đến lúc chết, bà không biết được bí mật sau những lá thư của ông.

Ở thôn Lưu Gia Hà, huyện Trang Vân (Trung Quốc) có một bà lão tên Chu Hướng Nguyệt, đang bệnh nặng, đã 2 ngày bà không ăn uống gì.

Bà biết mình chẳng sống được bao lâu nữa nhưng bà vẫn chưa thể yên lòng ra đi, bà còn phải đợi chồng là ông Trương Cường trở về, để gặp mặt lần cuối.

Thôn Lưu Gia Hà là một vùng quê hẻo lánh, nghèo khó, chỉ vỏn vẹn có 20 hộ gia đình.

Vì cuộc sống thiếu thốn, bà Chu Hướng Nguyệt chỉ sinh được một cô con gái nhưng không may đến năm cô 14 tuổi lại mắc bệnh nặng qua đời.

Nỗi đau mất con làm bà suy sụp, sức khỏe ngày một yếu, tiền thuốc thang mỗi năm cũng không phải là ít.

Tuổi tác 2 ông bà ngày một cao, việc đồng áng thì không thể làm mãi được, nên ông Trương Cường quyết định cùng mấy người trong thôn ra ngoài kiếm tiền.

Ông đi một mạch 10 năm, không về thăm bà lấy 1 lần, mà chỉ gửi tiền cho bà hàng năm.

Ông đi làm ăn được 3 năm, bà bị bệnh phải nằm viện. Bà liền nhờ cô bé hàng xóm dựa vào địa chỉ trên phiếu chuyển tiền viết thư cho ông.

Luc lia doi, nguoi vo khong biet bi mat sau nhung buc thu chong gui
Bà Hướng Nguyệt bị bệnh phải nằm viện, được cô gái hàng xóm chăm sóc

Một tháng sau bà nhận được thư của ông, mới biết mấy năm qua ông đi đào than, làm việc tuy có hơi vất vả nhưng tiền công cũng ổn.

Ông nhắc bà ở nhà giữ gìn sức khỏe, đợi ông kiếm đủ tiền dưỡng già rồi sẽ về với bà.

Sau đó, cứ hai tháng là bà nhận được tiền ông gửi. Quãng chừng nửa năm một lần, bà nhận được thư ông nhờ người viết, trên thư lấm lem vết than.

Đã vài lần bà nghĩ đến chuyện đi tìm ông, nhưng sức yếu sợ không chịu nổi đường xa, bà đành ở nhà, cô đơn mong ngóng.

Vị khách lạ ghé thăm

Gần đây bà lại đổ bệnh nặng, bà thấy sức khỏe mình giảm sút rõ rệt. Bà lại nhờ cô bé hàng xóm viết cho ông 3 bức thư, nói ông hãy nhanh về nhà.

Bà tiếp tục chờ đợi, và nghĩ đến cảnh vợ chồng đoàn tụ ăn với nhau bữa cơm, nói chuyện vui vẻ.

10 ngày sau, bà tự nhiên cảm thấy tỉnh táo. Bà còn thấy đói bụng nên dậy nấu lấy bát mì. Vừa ăn được vài miếng, thì trước cửa nhà bà xuất hiện 1 người đàn ông trung tuổi.

Người này tên Thanh, làm cùng ở mỏ than với ông Cường. Ông nói mấy ngày trước trong lúc làm việc, ông Cường không cẩn thận nên bị trẹo chân, không đi lại được, nghe tin bà ốm nặng nên nhờ ông về thăm bà.

Bà Hướng Nguyệt tuy có chút hụt hẫng, nhưng thấy ông nhà nhờ người về thăm mình bà cũng rất vui, còn mời ông Thanh ăn mì cùng. Sau đó 2 người ngồi hàn huyên tâm sự.

Ông Thanh kể bà nghe cuộc sống, công việc của ông Cường ở mỏ than. Còn bà thì ríu rít nói về những việc trong nhà.

Chiều tối, bà thấy mệt, nói muốn đi nghỉ. Ông Thanh dìu bà về giường, rửa chân cho bà. Thấy vậy, bà cười nói giá mình có thằng con trai như ông thì thật tốt.

Ông Thanh liền bảo: ‘Nếu bác không chê, cho con được làm con bác’.

‘Vậy gọi ta một tiếng mẹ đi. Sau này tiền ông ấy kiếm được đều cho con hết.’ Ông Thanh rớt nước mắt: ‘Mẹ à, con không cần tiền của bố mẹ, chỉ mong bố mẹ sống tốt là con vui rồi’.

Sự thật sau những lá thư

Có một sự thật mà ông Thanh giấu người ‘mẹ’ sắp lìa trần, đó là ông Cường đã mất 6 năm trước rồi.

Lúc ấy, ông Cường cùng 7 người khác đang đi đào than thì hầm bị sạt lở. Ông Cường nhanh tay nhanh mắt đẩy ông Thanh ra ngoài nên Thanh may mắn không sao. Còn ông Cường thì bị thương nặng.

Trong lúc đợi cứu trợ đến, ông Cường kể cho Thanh nghe hoàn cảnh gia đình mình, nói: ‘Nếu tôi có chết thì đừng nói với vợ tôi vội, khi nào có tiền bồi thường cũng đừng đưa cả cho bà ấy, cứ cách 1 tháng thì gửi cho bà ấy 1 lần, để bà ấy nghĩ tôi còn sống’.

Ông Cường mặc dù được cứu chữa tận tình nhưng không qua khỏi. Sau khi ông mất, ông Thanh làm đúng như di nguyện của ông.

Hôm ấy, ông Thanh nhận được cùng lúc 3 bức thư của bà Nguyệt, biết sức khỏe bà không ổn rồi nên quyết định mang theo tro cốt của ông Cường về thăm bà lão.

Vốn định kể hết mọi chuyện cho bà, nhưng khi nhìn thấy bà cụ thương nhớ chồng như vậy, ông lại không nỡ.

Lúc ông Thanh gọi bà 1 tiếng ‘mẹ’, bà nở nụ cười mãn nguyện rồi nhắm mắt lại.

Ông Thanh còn nói chuyện với bà thêm một lúc, nhưng không thấy bà có phản ứng gì, mới biết bà đã ra đi.

Ông Thanh ở lại lo hậu sự cho bà lão, rồi chôn bà cùng với tro cốt của ông và lập bia mộ.

Trên bia mộ của đôi vợ chồng ông bà, ông Thanh lấy thân phận là con trai họ và khắc tên mình lên...

Luc lia doi, nguoi vo khong biet bi mat sau nhung buc thu chong gui
Ông Thanh lo hậu sự cho bà Hướng Nguyệt rồi đưa vợ chồng bà về chung một mộ.

Cha Chi (Theo Sina)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI