Lúc ăn tiêu sướng tay sướng miệng, mặt vênh lên trời, có nghĩ đến ngày này không?

11/09/2016 - 17:11

PNO - Mấy hôm đi chợ, tôi thường tránh con đường đó, hoặc đi mà không dám ngó nghiêng hai người đàn bà tội nghiệp. Nghe nói, số nợ ấy là do người chồng, cờ bạc mà ra.

Tại khu phố tôi đang ở, gần đây liên tiếp xảy ra hai vụ xiết nợ, trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người. Người trẻ tò mò những hậu quả. Người già tặc lưỡi xót xa. Cũng có người không tiếc lời nhiếc mắng: “Đáng đời cái lũ lừa lọc. Trời có mắt”. “Tưởng ăn được của người ta sao? Lúc ăn tiêu sướng tay sướng miệng, mặt vênh lên trời, có nghĩ đến ngày này không?”.

Tôi từng giật mình tỉnh giấc nhiều đêm vì tiếng đá ném vỡ cửa kính nhà đối diện. Tiếng vỡ vừa chát chúa vừa như tức tối. Thật ra, những người sống ở đó không phải chủ nhà.

Họ thuê trọ từ hơn một năm trước, sống cũng ít va chạm với những người xung quanh. Chồng chạy xe ôm, vợ bán quán nước ngoài đường lớn, thỉnh thoảng thấy bán thêm thịt xiên, bánh mì, nhưng nghe đâu đó chỉ là vỏ bọc, nghề chính của họ là ghi số đề.

Họ có hai con, một đứa học cấp I ít khi thấy ra khỏi nhà. Một đứa vừa lên cấp III, tóc uốn quăn, môi son đỏ chót, suốt ngày đưa người yêu đến nhà ôm ấp công khai; cứ vài hôm lại bị bà mẹ chửi mắng tới tấp vì tội đòi bỏ học lấy chồng. Cũng có khi, người vợ dựng cả khu phố dậy bằng lối chửi chồng chua ngoa, đáo để. Rồi họ lặng lẽ dọn đi trong một đêm, bỏ lại xác nhà trống trơn và các hóa đơn tiền điện nước cho chủ nhà. Vài hôm trước khi họ đi, tôi thấy nhiều tay anh chị đến xiết đồ đạc. Từ cái ti vi, tủ lạnh, điều hòa cho đến cái ấm nhôm, mấy chiếc ghế nhựa, nồi niêu xoong chảo.

Nhưng, họ chuyển đi rồi khu phố vẫn chưa được yên. Chủ nợ vẫn tìm đến, đập phá căn nhà, bất chấp chủ nhà thật sự đã in rõ bảng thông báo “Anh T. chị H. hiện không thuê nhà ở đây nữa”. Người thuê mới chuyển đến, nhà toàn con nhỏ. Sau mấy lần bị ném đá ban đêm, họ thay cửa kính bằng cửa sắt, khóa cửa im ỉm suốt ngày. Tôi vẫn gặp người thuê nhà cũ mưu sinh trên đường phố quen. Anh vẫn xe ôm, chị bịt khẩu trang ngồi bán nước.

* * *

Sáng Chủ nhật tuần trước đi chợ, tôi bỗng thấy một đám đông xúm xít trước cửa nhà bán hoa. Lại gần thì nhận ra có khoảng hơn chục anh vệ sĩ ăn mặc hầm hố, tay cầm dùi cui xếp hàng dài bên đường. Có cả dân phòng, bảo vệ đeo băng đỏ đến để tịch thu nhà. Lúc này tôi mới để ý thấy căn nhà đang khóa cửa nhưng mùi dầu hỏa bốc lên khó chịu.

Luc an tieu suong tay suong mieng, mat venh len troi, co nghi den ngay nay khong?
Ảnh minh họa

Người dân, kể cả những chủ nợ, còn thuê xã hội đen đến ném phân vào nhà, sáng dậy thối um. Bốn người sống trong căn nhà đó đã đi trốn nợ, nhưng hàng xóm kế bên nói, đêm nào họ cũng về ngủ, mờ sáng lại lặng lẽ rời khỏi nhà. Bẵng đi một tuần, lại thấy có hai người đàn bà mắc võng nằm suốt ngày đêm trước nhà. Chủ nợ cũng thuê dân phòng và hai người bảo vệ ngồi canh. Tường nhà dán dòng chữ “nhà đang tranh chấp, không bán”.

Nhà nằm sát chợ, cạnh hàng bún phở, hàng đậu phụ, hàng giò chả. Mọi người thường vừa ngồi ăn sáng vừa kiếm câu chuyện làm quà. Họ chỉ trỏ, bình phẩm không biết chán. Hai mẹ con người đàn bà bị đuổi ra đường bỗng nhiên tay trắng, ngồi co ro trong cái rét đầu mùa. Họ gầy rộc đi so với thời còn ngồi bán nhang và hoa cúng ngày rằm, mùng Một.

Ông chồng và đứa cháu nhỏ xíu không thấy, chắc đang chật vật sống đâu đó giữa cơn hoạn nạn này. Cũng may căn nhà nằm đúng đoạn đường rộng, vỉa hè có những tán cây che mưa che nắng. Có hôm, chắc vì để tránh bớt con mắt người đời, họ ngồi khuất sau chiếc xe ô tô thường đỗ ở đó. Thêm bịch ổi, nắm xôi, cả những gói mì tôm sống. Lần nào đi qua họ tôi cũng thấy nhói lòng.

Giống như khi xem tin người trộm chó bị đánh chết, ông cụ ăn cắp gà phải ngậm chân gà quỳ giữa đám đông. Vẫn biết tất cả đều do lòng tham và tội lỗi của con người, nhưng chúng ta làm sao có thể hả hê, bất nhẫn như vậy?

Người thân của tôi cũng từng nhiều lần trốn nợ. Từng có nhiều đêm tôi nằm trong chăn ấm mà thương máu mủ không biết lang bạt nơi nào. Cũng có những cảnh dọa nạt, đánh đập. Cũng từng bị người dưng xúm vào đâm những cây kim ngôn từ nhọn hoắt. Cũng đã ê chề, bất lực không biết phải làm sao. Những ngày tháng ấy đi qua, để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Mấy hôm nay đi chợ, tôi thường tránh con đường đó, hoặc đi mà không dám ngó nghiêng hai người đàn bà tội nghiệp. Nghe nói, số nợ ấy là do người chồng, người cha cờ bạc mà ra. Họ chỉ là những người đàn bà khốn khổ phải hứng chịu cơn sóng gió.

Miền Bắc đón đợt gió lạnh đầu mùa kéo theo những cơn mưa bất chợt, nhưng dường như cũng không đáng sợ bằng cơn gió của lòng người thổi qua ngõ chợ…

Bùi Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI