LS Phạm Lĩnh Sơn tuyên truyền, tư vấn kiến thức pháp luật cho phụ nữ Q.Bình Tân
ĐƯỢC CỨU HAY TỰ CỨU?
Chị Phạm Thị L. (48 tuổi, hiện ở P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) kể: “Sau nhiều lần đánh tôi, năm 2008, chồng tôi bị công an phạt 500.000đ vì tạt ấm nước đang nấu trên bếp, khiến tôi bị phỏng ở mặt, tay, đùi, tỷ lệ thương tích 10%. Chồng quan hệ bất chính, có con riêng nên hành hạ, nhằm buộc tôi phải tự bỏ đi, để rước vợ nhỏ và con riêng về chung sống. Sau khi xử phạt hành chính, công an cho chồng tôi biết nếu tái phạm sẽ bị xử lý hình sự. Tại cơ quan công an, chồng tôi tỏ vẻ ăn năn, hứa khắc phục, nhưng về nhà, ông ấy lại dọa giết tôi. Tôi đành “bỏ của chạy lấy người”, rời quê Long An lên đây giúp việc nhà, trông trẻ, kiếm tiền lo cho con. Vì biện pháp xử phạt kẻ bạo hành chỉ như gãi ngứa, nên nạn nhân như tôi lãnh đủ”.
Tháng 8/2008, địa bàn xã An Phú, H.Củ Chi, TP.HCM xảy ra một vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng. Người vợ (tên L.T.T.) mang thai, sinh đôi, bị chồng hành hạ, đánh đập, ép đưa tiền đi cá độ đá gà, cá độ đá banh. Dù sau đó chị đã trốn về nhà mẹ nhưng vẫn bị chồng tìm đến đánh tiếp.
Một lần vào giữa đêm, nhận yêu cầu phối hợp từ Hội LHPN xã, công an đến hiện trường đưa người chồng về trụ sở, tạm giữ để lấy lời khai. Khi được phân tích những hành vi phạm luật thì anh ta có vẻ nhận ra sai lầm. Hóa ra hơn ba năm bạo hành, gây sức ép về kinh tế với vợ nhưng chưa bao giờ người chồng này bị chính quyền nhắc nhở. Lý do đơn giản vì người vợ không dám đi tố cáo.
5 năm, chúng tôi về An Phú gặp chị T., nhắc chuyện xưa, chị T. nhoẻn miệng cười: “Đêm ấy các cô ở Hội PN “làm dữ”, ép tôi ra xã tố cáo chồng, sau đó tôi quyết định ly hôn, nhờ vậy tôi mới thoát cảnh sống chung với bạo lực”. Phần lớn vụ việc BLGĐ khi công an, chính quyền vào cuộc, thì ít lâu sau, những nạn nhân như chị T., chị L. phải “tự thoát” bằng cách ly hôn hoặc bỏ trốn để tự cứu mình.
Thực tế, việc phổ biến Luật PCBLGĐ được thực hiện ở hầu hết các xã/phường, nhưng khi áp dụng cho từng trường hợp cụ thể thì không vướng điểm này, cũng mắc điểm kia. Như chị N.T.S. ở P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, bị chồng bạo hành nhiều năm, tháng 4/2013, Phòng Văn hóa gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch) xuống “làm việc”, Phó chủ tịch phường vẫn nói rằng chưa nghe báo cáo, trong khi chị S. nhiều lần kêu cứu với tổ dân phố, cảnh sát khu vực. Có nhiều trường hợp chồng đánh vợ tét đầu, rách môi, nhưng ở phường không hề có biên bản xử phạt.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó trưởng Công an Q.4, TP.HCM cho biết: “Đôi lúc, nạn nhân kêu cứu, nhưng khi cán bộ vào cuộc, lại năn nỉ bỏ qua cho chồng. Có chị mới vào bệnh viện, nghe công an đến, đã… trốn viện”.
Ông Phạm Văn Xoàn - Trưởng công an xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, TP.HCM bức xúc: “Tình thật, nhiều cảnh sát khu vực mệt mỏi với vấn nạn BLGĐ. Chuyện gia đình thường xảy ra lúc đêm hôm, yêu cầu “lập tức có mặt giúp dân” là điều mà chúng tôi đang rất cố gắng”.
ĐỂ LUẬT ĐI VÀO CUỘC SỐNG
Là người trực tiếp can thiệp nhiều vụ BLGĐ, ông Võ Thành Mỹ, Trưởng công an xã An Phú, H.Củ Chi, TP.HCM, cho rằng: “Chuyện BLGĐ là “chuyện dài nhiều tập”. Địa phương có hàng chục ngàn căn nhà là từng ấy hoàn cảnh gia đình: nơi ấm êm, thuận hòa; nơi lục đục, rạn nứt. Chỉ có điều, khi có Luật PCBLGĐ và Nghị định 110 của Chính phủ hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về BLGĐ với những điều khoản cụ thể, rõ ràng thì chúng tôi xử lý, vận dụng thuận lợi hơn”.
Dù vậy, trên thực tế, theo ông Mỹ vẫn còn nhiều vụ với những điều khoản luật đã quy định, nhưng rất khó thực thi. Do định kiến “chuyện riêng”, nên người lớn đã bỏ qua cho nhau khi thấy trẻ bị người lớn bạo hành. Chính vì vậy, dù luật có quy định rõ ràng, nhưng nhiều đứa trẻ vẫn đang bị bạo hành, ngay trong chính gia đình mình, không ai bảo vệ. “Theo tôi, vấn nạn BLGĐ chỉ được kéo giảm khi ý thức pháp luật của người dân tăng cao” - ông Mỹ nói.
Theo bà Đoàn Thị Thỉnh (nguyên Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Thuận Đông, Q.7, hiện là Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường), quan trọng là địa phương có vào cuộc rốt ráo hay không: “Trước đây ở phường có trường hợp vì mâu thuẫn, bất hòa, chồng đẩy vợ ra khỏi nhà, đóng cửa, không để vợ cho con bú. Tổ can thiệp ngay từ đầu khiến người chồng nhận thức được đó là hành vi bạo lực gia đình và khắc phục, cải thiện”.
NGHI ANH - DIỆU HIỀN
Các chế tài phải mang tính giáo dục Để ngăn chặn BLGĐ, phạt tiền không phải là biện pháp tối ưu, thậm chí gây hại thêm cho nạn nhân. Theo tôi, việc phạt tiền đối với người có hành vi BLGĐ là không phù hợp, bởi vì các cặp vợ chồng Việt Nam chủ yếu chỉ có tài sản chung mà không đặt ra vấn đề tài sản riêng (mặc dù điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình cho phép vợ, chồng có quyền có tài sản riêng). Để luật phù hợp với thực tế, không nên quá đặt nặng vấn đề phạt tiền người có hành vi BLGĐ. Các chế tài nên đánh vào tâm lý và nâng cao hiểu biết đối với người có hành vi BLGĐ như buộc người có hành vi BLGĐ phải lao động công ích, buộc phải học Luật PCBLGĐ hoặc đưa người có hành vi BLGĐ ra kiểm điểm trước tổ dân phố, thông báo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để xử lý về mặt đạo đức, lối sống (điều này hiện đang có quy định nhưng mỗi nơi thực hiện một kiểu, lỏng lẻo và không triệt để). Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) |