Luật sư vào cuộc vụ bé gái 13 tuổi tự tử sau khi nghi vấn bị hiếp dâm

08/04/2017 - 03:00

PNO - Chiều 7/4, chị Lợi đã ký đơn yêu cầu công ty cử luật sư tham gia trợ giúp pháp lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cháu K. (bé gái 13 tuổi tự tử sau nghi vấn bị hiếp dâm) hoàn toàn miễn phí.

Sau bài báo “Mẹ ơi, các chú xử tới đâu rồi? Ông B. gần bị bắt chưa?” viết về vụ bé Hồ Mộng K. (13 tuổi, ở xã Tân Lộc, H. Thới Bình, Cà Mau, bị xâm hại tình dục và tự tử sau khi không được giải quyết thỏa đáng) đăng trên PNO ngày 15/3, bức xúc và xót xa cho hành trình đơn độc đi tìm công lý của mẹ bé K. là chị Hữu Thị Lợi, năm luật sư thuộc Công ty luật TNHH Thanh và cộng sự (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã tình nguyện vào cuộc.

Luat su vao cuoc vu be gai 13 tuoi tu tu sau khi nghi van bi hiep dam
Chị Hữu Thị Lợi (áo đỏ) quá đau đớn vì cái chết tức tưởi sau khi bị xâm hại của con gái Mộng K.

Luật sư thạc sĩ Nguyễn Thanh Thanh (Giám đốc Công ty) cho biết: “Chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau trong vài ngày tới. Cháu K. đã mượn cái chết để chứng minh sự thật khiến chúng tôi không thể làm ngơ”.

Theo phân tích của luật sư Thanh, vụ cháu K. có nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Thời điểm Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Cà Mau ra quyết định trưng cầu giám định pháp y cho đến ra thông báo về nội dung kết luận giám định chỉ trong ba ngày; về trình tự quy trình thì đúng nhưng trên thực tế là quá vội, không phù hợp, thời gian này trên thực tế thường kéo dài khoảng hai tháng.

Thông báo giám định này lại quá sơ sài. Theo kết luận, màng trinh cháu K. có vết rách cũ, nhưng lại không điều tra làm rõ rách là do nguyên nhân gì, từ ai? Trong khi K. tố giác ông B. (SN 1960, nhà cách nhà ngoại K. khoảng 300m).

Cơ quan điều tra sau đó lại quyết định không khởi tố hình sự vì: “Chỉ có lời khai của Hồ Mộng K., ngoài ra không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh ông B. có hành vi hiếp dâm trẻ em và dâm ô với trẻ em đối với Hồ Mộng K.”.

Luat su vao cuoc vu be gai 13 tuoi tu tu sau khi nghi van bi hiep dam
Chị Hữu Thị Lợi cảm động rơi nước mắt khi ký đơn yêu cầu các luật sư hỗ trợ miễn phí.

Trình tự cung cấp văn bản cũng không đúng. Các quyết định không được tống đạt đến gia đình cháu K. mà chỉ là thông báo ra quyết định không khởi tố hình sự và sau đó là thông báo hủy quyết định không khởi tố này, đồng thời cũng không nêu rõ nguyên nhân.

Trong cái chết của cháu K. có một phần trách nhiệm từ cơ quan điều tra vì từ khi chị Lợi gửi đơn tố giác đến khi cháu K. tự tử chết là khoảng thời gian dài gần ba tháng (từ tháng 9/2016 đến tháng 2/2017) nhưng không tổ chức cho cháu K. và ông B. đối chất nhiều lần, ghi nhận tất cả mâu thuẫn trong lời khai.

Ông B. phủ nhận việc có sàm sỡ và xâm hại cháu K. trong khi cháu K. có thể mô tả chi tiết những đặc điểm riêng ở vùng kín của ông B. Bà ngoại sang nhà ông B. gọi cháu K. về, lúc đó cháu đang trong buồng nhà ông.

Cháu K. cho biết ông B. đã dụ dỗ cháu bằng cách cho tiền mua son phấn, cho hút thuốc lá đến nghiện. Và gia đình còn phát hiện bức thư K. xin ông tiền mua thuốc hút khi gặp nhau và có cả phần ông B. phản hồi “đi rồi tính”.

Chị Lợi tức tưởi khóc, nói: “Con gái tôi trước khi chết có nói không thể sống vì quá nhục nhã và để lại bức thư mong sự thật được phơi bày, cháu mới nhắm mắt được. Nghĩ đến con, tôi đau thắt. Tôi mong pháp luật được thực thi để trả lại công bằng cho con tôi, để những kẻ vi phạm phải đền tội, không sống nhởn nhơ ngoài xã hội, tiếp tục gây hại cho những đứa trẻ khác”.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) chia sẻ: “Chúng tôi sẽ đồng tâm hiệp lực để đem lại quyền lợi chính đáng, sự công bằng cho cháu, tìm đúng người đúng tội để nơi suối vàng cháu được nhẹ nhàng, thanh thản”.

Diệu Hiền





 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI