O.J.Simpson và các luật sư sau khi có phán quyết
Cuộc rượt đuổi ly kỳ
12g10 ngày 13/6/1994, Nicole Brown và Ronald Goldman được phát hiện bị đâm chết bằng nhiều nhát dao vào đầu và cổ bên ngoài căn nhà của Nicole ở khu Brentwood, Los Angeles. Nicole và O.J. Simpson đã ly hôn từ hai năm trước, nhưng từ những vật chứng thu được tại hiện trường, nghi phạm đầu tiên mà cảnh sát nghĩ đến chính là O.J. Simpson.
Lệnh tạm giam O.J. Simpson được đưa ra, nhưng luật sư của anh đã thuyết phục được cảnh sát là hãy để anh tự đến trình diện vào lúc 11g ngày 17/6/1994. Có đến hơn 1.000 phóng viên chen chúc tại đồn cảnh sát vào đúng giờ đó nhưng O.J. Simpson đã không xuất hiện. Đến 14g, cảnh sát Los Angeles ban hành lệnh truy nã. 17g, Robert Kardashian, bạn thân và cũng là luật sư của Simpson, đọc một lá thư của Simpson gửi cho giới truyền thông. Lá thư viết: “Xin mọi người hiểu là tôi chẳng dính dáng gì đến cái chết của Nicole. Đừng lấy thế làm tội nghiệp cho tôi. Tôi đã có một cuộc đời đáng sống”. Với nhiều người, lá thư đó có vẻ như của một người sắp tự tử. Không chỉ cảnh sát mà mọi tờ báo đều cử những phóng viên giỏi nhất của mình săn tìm Simpson.
18g20 tối cùng ngày, một người đi xe mô tô phát hiện O.J. Simpson trên chiếc Bronco trắng của anh, người cầm lái là A.C. Cowlings, bạn của anh. Người này báo tin cho cảnh sát ngay và chỉ hai phút sau, một xe tuần tra phát hiện chiếc Bronco chạy lên hướng Bắc trên xa lộ 405. Khi xe cảnh sát hụ còi, chiếc Bronco dừng lại. Viên cảnh sát đến gần xe để kiểm tra, Cowlings cho biết O.J. Simpson ngồi ở băng sau với khẩu súng đang chĩa vào đầu và lời dọa “sẽ nổ súng tự sát ngay”. Viên cảnh sát lùi lại, Cowlings tiếp tục lái chiếc Bronco đi. Thế là, cuộc rượt đuổi vô tiền khoáng hậu với chiếc Bronco dẫn đầu và hơn 20 xe cảnh sát hú còi inh ỏi theo sau nhưng không có vẻ gì là cảnh sát sẽ dùng vũ lực để dừng chiếc Bronco lại.
Giới truyền thông nhanh chóng vào cuộc. Không chỉ các hãng truyền hình mà những tờ báo lớn cũng thuê trực thăng để tường thuật trực tiếp diễn biến. Ngoài trực thăng của cảnh sát còn có hơn 20 trực thăng của giới truyền thông quần thảo trên bầu trời California lúc đó. Hầu như mọi gia đình Mỹ đều bỏ dở công việc để theo dõi cuộc rượt đuổi này trên sóng truyền hình và radio. Qua các phương tiện truyền thông, các bạn của O.J. Simpson liên tục kêu gọi anh từ bỏ ý định tự tử và đầu hàng. Simpson đáp lại bằng lời nhắn: “Tôi sẽ đến với Nicole”.
Sau cùng O.J. Simpson thay đổi ý định. Anh hứa sẽ đầu hàng sau khi được nói chuyện với mẹ anh. Cảnh sát chấp thuận yêu cầu này. Chiếc Bronco cùng đoàn xe cảnh sát quay trở lại nhà anh ở Brentwood, chấm dứt cuộc rượt đuổi kéo dài 80km. Simpson được vào nhà khoảng 60 phút để nói chuyện với mẹ anh và đứa con nhỏ. Sau đó, anh trở ra với vẻ mặt tươi tỉnh hơn, đưa tay vào còng. Trong chiếc Bronco, cảnh sát tìm thấy 8.000 USD, một bộ quần áo, hộ chiếu, các bức ảnh gia đình, một khẩu súng ngắn và một chùm râu giả.
Gia đình Simpson khi còn hạnh phúc
Phiên tòa phá nhiều kỷ lục
O.J. Simpson thuê một nhóm luật sư bào chữa gồm: F. Lee Bailey, Robert Shapiro, Alan Dershowitz, Robert Kardashian, Gerald Uelmen, Carl E. Douglas và Johnnie Cochran. Tất cả đều là luật sư hàng đầu mà báo chí gọi đó là “dream team” (đội hình như mơ) của làng luật sư Mỹ. Thêm vào đó là hai chuyên gia về ADN, vì các luật sư quyết định bào chữa theo hướng cảnh sát đã sai lầm trong thu thập chứng cứ. Sau này, báo chí cho là thù lao của nhóm luật sư là từ ba đến sáu triệu USD, được xem là rất lớn so với thời giá năm 1995.
Dù không tìm được hung khí cũng như nhân chứng nào chứng kiến án mạng, nhưng phía công tố vẫn tin rằng họ đã tìm được đúng thủ phạm của hai vụ giết người. Dựa vào những mẫu máu (sau đó được thử ADN) tìm được tại hiện trường, các công tố viên xác định Simpson đã đến nhà của Nicole vào chiều 12/6 và đâm cô đến chết bằng nhiều nhát dao liên tiếp, dù cô đã chống trả bằng cách cào cấu vào mặt và cổ của O.J. Simpson. Cảnh sát cũng xác định, Ronald Goldman đến nhà Nicole ngay khi O.J. Simpson ra tay nên đã bị đâm nhiều nhát dao cho đến chết. Bằng chứng khiến các công tố viên tin chắc phần thắng sẽ thuộc về mình là họ tìm được những vết máu của O.J. Simpson rơi xuống từ vết cào cấu của Nicole cũng như sự chống trả quyết liệt của Goldman.
Ngược lại, “dream team” bào chữa cho O.J. Simpson đã tìm đủ chứng cứ và lý lẽ để phản bác những lập luận của bên công tố. Họ đưa ra bằng chứng cho thấy O.J. Simpson, 47 tuổi, không đủ thể lực để giết Goldman, 25 tuổi, vì anh có một đầu gối thương tật và mắc chứng viêm khớp mạn tính sau những năm thi đấu thể thao, còn Goldman đang ở tuổi trai tráng, lại có thân hình cao to chẳng kém O.J. Simpson. Các luật sư cũng chứng minh được rằng cảnh sát Mark Fuhrman, người có mặt tại hiện trường và thu thập mẫu máu của O.J. Simpson, là một người có tính phân biệt chủng tộc, dù trước đó Fuhrman luôn phủ nhận điều đó. Từ đó, các luật sư cho rằng việc khép tội O.J. Simpson là một hành vi mang tính phân biệt chủng tộc với các chứng cứ được dựng lên để phục vụ mục đích này.
Glen Rogers tự nhận là đã giết Nicole và Goldman
Các luật sư còn tìm ra bằng chứng cho thấy cả Nicole lẫn Goldman đều nghiện ma túy. Nhiều nhân chứng xác nhận từng thấy những tên buôn ma túy vào nhà của Nicole để giao hàng. Phải chăng, một trong những tên này đã giết Nicole và Goldman để cướp của và cảnh sát dùng O. J. Simpson như vật tế thần để che giấu sự yếu kém của mình? Các luật sư đề nghị bồi thẩm đoàn lưu ý đến điểm này. Thêm một đòn chí tử của các luật sư dành cho bên công tố: những dấu giày thu thập tại hiện trường cho thấy có đến hai người đột nhập vào nhà của Nicole, các chuyên gia ADN đã chứng minh mẫu máu mà cảnh sát thu được không đủ để xác định O.J. Simpson là thủ phạm giết hai mạng người.
Sau ba giờ nghị án, bồi thẩm đoàn ra phán quyết “O.J. Simpson vô tội”. Với 150 người được mời làm nhân chứng trong 133 ngày xét xử và phí tổn lên đến hơn 15 triệu USD, phiên tòa này đã phá mọi kỷ lục trong lĩnh vực tố tụng ở bang California. Có đến hơn phân nửa dân số nước Mỹ xem trực tiếp cảnh tòa ra phán quyết vụ án, khiến chương trình tường thuật phiên tòa trở thành một trong những chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ.
Các luật sư đã chiến thắng trong việc giúp O.J. Simpson thoát án hình sự, nhưng sau đó tất cả đều từ chối bào chữa khi gia đình Nicole Brown kiện O.J. Simpson đòi bồi thường tổn hại vật chất. O.J. Simpson thua trong vụ kiện dân sự này, khi tòa phán xử anh phải bồi thường 8,5 triệu USD cho gia đình vợ cũ của mình. Mọi thứ quý giá nhất của O.J. Simpson đều bị bán đấu giá để thanh toán, anh chỉ còn sống nhờ tiền lương hưu mỗi tháng nhờ thời gian thi đấu thể thao.
Về sau, báo chí Mỹ đưa tin Glen Rogers, người đang chờ thi hành án tử hình tại Florida vì giết chết hai phụ nữ hồi năm 1995, từng thừa nhận hắn là thủ phạm giết Nicole Brown và Ronald Goldman, sau đó đã tẩu thoát khỏi hiện trường. Tuy nhiên, hai gia đình Brown và Goldman không tin những gì Rogers nói mà vẫn tin kẻ giết con họ chính là O.J. Simpson.
THIỆN NGA
Kỳ cuối: ADN giá trị hơn lời thú tội