Luật sư và cán cân công lý - Bài 4: Vụ án Bobigny

18/06/2013 - 20:06

PNO - PN - Hai nữ luật sư Michèle Cahen và Gisèle Halimi (ảnh) nổi tiếng ở Pháp vì luôn bênh vực quyết liệt quyền lợi phụ nữ trong những vụ án ly hôn và xâm phạm tình dục. Biệt danh “khắc tinh của đàn ông” mà báo chí đặt cho hai bà là...

Luat su va can can cong ly - Bai 4: Vu an Bobigny

Michèle Cahen được tặng Bắc đẩu bội tinh  (ảnh: Internet)

Tháng 10/2007, nước Pháp hân hoan chào đón tân Tổng thống Nicolas Sarkozy chưa được bao lâu thì xảy ra một sự kiện hy hữu trong lịch sử Điện Élysée (Phủ Tổng thống Pháp): ông Sarkozy tuyên bố ly hôn vợ, bà Cécilia Sarkozy, sau 11 năm chung sống. Lúc này, ông Sarkozy vốn là người thích phát biểu rôm rả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bỗng im lặng một cách khó hiểu. Trái lại, bà Cécilia xưa nay cam phận làm chiếc bóng của chồng lại xuất hiện dày đặc trên các tờ báo.

Chiến thuật gia khôn ngoan

Hình ảnh bà Cécilia tràn ngập trên tờ Paris - Match. Bà trải lòng trên trang nhất tờ l’Est républicain. Bà dành cho tạp chí Elle một cuộc phỏng vấn độc quyền về chuyện tình cảm cá nhân. Tóm lại, bà Cécilia, lúc đó 50 tuổi, đã áp đặt lối chơi tấn công tổng lực (nói theo ngôn ngữ bóng đá), đẩy ông Sarkozy vào thế bị động.

Trước diễn biến lạ lùng đó, báo chí không thể không đặt câu hỏi: Ai đứng phía sau cuộc trình diễn ngoạn mục của bà Cécilia? Câu trả lời không phải đợi lâu. Đó là luật sư Michèle Cahen ở Paris, người nổi tiếng với những vụ ly hôn đình đám.

Theo tờ L’Express, thật ra, cựu người mẫu Cécilia đã bày tỏ ý muốn ly hôn trước đó bảy tháng, khi ông Sarkozy vừa từ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ để vận động tranh cử Tổng thống Pháp. Bà cảnh báo: “Khi ông ấy đắc cử Tổng thống, tôi sẽ ra đi”. Lúc đó, bà Cécilia đã bí mật thuê luật sư Cahen vạch ra một kế hoạch ly hôn có lợi cho mình.

Bà Cahen đã áp dụng một chiến thuật rất khôn ngoan: bà Cécilia được cái mình muốn nhưng ông Sarkozy cũng không bị thiệt thòi nhiều, vì dù gì ông cũng là Tổng thống Pháp. Bà soạn thảo một hợp đồng ly hôn mà ông Sarkozy không thể không ký.

Không phải vô cớ mà bà Cécilia chọn bà Cahen bảo vệ quyền lợi của mình. Nói đến luật sư Michèle Cahen, người ta nhớ ngay đến những thân chủ nổi tiếng của bà như Elizabeth Depardieu (vợ ngôi sao điện ảnh Gérard Depardieu); Françoise Castro (vợ cựu Thủ tướng Laurent Fabius)… Nữ luật sư Béatrice Weiss-Gout, chuyên gia về luật hôn nhân gia đình, nhận xét: “Cahen là một trong những luật sư có bề dày kinh nghiệm về án ly hôn. Từng gây tranh cãi và thường bị ganh tỵ nhưng bà ấy xứng danh “luật sư ly hôn”.

Nổi tiếng trong giới nhưng luật sư Cahen ít khi lên báo bởi bà chỉ thích làm việc “ẩn danh”. Chiến lược này rất thích hợp với những thân chủ không muốn làm rùm beng chuyện nhà mình. Kỳ thực, bà Cahen không thích chút nào biệt danh “khắc tinh của đàn ông”, hơn nữa không phải lúc nào đàn ông cũng chịu thiệt.

Bà Cahen giải thích: “Tôi luôn chọn giải pháp hòa bình. Công việc của tôi âm thầm, tôn trọng sự riêng tư của hai bên và cố gắng đạt được một thỏa thuận theo hướng không có người thua kẻ thắng quá chênh lệch, dù thực tế không phải lúc nào cũng như ý”. Sau 46 năm hành nghề, trong đó có 31 năm chuyên xử lý các vụ án ly hôn, năm 2011 bà Cahen được vinh dự trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của Pháp.

Luật cấm phá thai và “Tuyên ngôn 343”

Bị bạn học cùng trường lớn hơn hai tuổi cưỡng hiếp, nữ sinh Marie Claire (16 tuổi) mang thai. Cô bé yêu cầu mẹ, bà Michèle Chevalier, nhân viên hỏa xa Pháp, giúp em phá thai vì xấu hổ và ảnh hưởng đến việc học. Hoàn cảnh của bà Michèle rất đáng thương, bị chồng bỏ rơi, phải nuôi ba con gái tuổi vị thành niên trong khi lương tháng chỉ có 1.500 quan.

Một bác sĩ sản khoa đã đồng ý phá thai chui với giá 4.500 quan - một khoản tiền bằng đến ba tháng lương là quá lớn so với khả năng của mình nên bà Michèle đã nhờ các đồng nghiệp tìm mối khác rẻ hơn. Bà B. Malade, cũng là một đồng nghiệp của bà Michèle có nghề tay trái là mụ vườn, từng phá thai chui nhiều lần trót lọt, đã nhận làm với giá 1.200 quan.

Ca phá thai thất bại. Nửa đêm, Marie Claire bị sốt cao và xuất huyết ồ ạt. Đưa con vào bệnh viện cấp cứu, bà Michèle bị yêu cầu đóng 1.200 quan tiền ký quỹ bệnh viện mới chịu chữa trị.

Luat su va can can cong ly - Bai 4: Vu an Bobigny

Halimi và thân chủ vụ Bobigny (ảnh: Internet)

Vụ việc có thể đã dừng ở đó nếu tên Daniel P. - kẻ hiếp dâm bé Marie Claire, không bị bắt về tội tham gia ăn cắp xe hơi. Trong lúc thẩm vấn, hắn tố cáo chuyện phá thai bất hợp pháp của Marie Claire để mong được giảm tội. Thế là hai mẹ con bà Michèle, ba đồng nghiệp và bà mụ vườn bị bắt. Từng đọc quyển sách Djamila Boupacha của bà Gisèle Halimi kể chuyện một nữ du kích Algeria bị cảnh sát Pháp tra tấn và hãm hiếp dã man, bà Michèle tìm đến nữ luật sư Pháp gốc Tunisia này nhờ bào chữa.

Thời điểm đó, nữ luật sư Halimi nổi tiếng khắp nước Pháp là một người đấu tranh không khoan nhượng cho quyền bình đẳng giới. Năm 1971, bà cùng với nhà văn nữ Simone de Beauvoir sáng lập hội Choisir (Chọn lựa), ủng hộ phụ nữ ký tên vào bản “Tuyên ngôn 343”. Đó là số người tự thú từng phá thai chui vi phạm Bộ luật 1920 cấm phá thai. Tuyên ngôn yêu cầu hợp pháp hóa việc ngừa thai và phá thai. Vụ án Bobigny chính là cơ hội để bà Halimi tấn công trực diện vào bộ luật mà bà cho là bất công

Chiến thuật của bà Halimi hết sức táo bạo. Ngày tòa án thiếu niên ở Bobigny mở phiên xét xử kín bé Marie Claire (ngày 11/10/1972) về tội phá thai lậu, bà Halimi đã tổ chức bên ngoài một cuộc biểu tình lớn của Phong trào Giải phóng phụ nữ và Hội Choisir, yêu cầu tha bổng bị cáo và hủy bỏ Bộ luật 1920.

Bà cũng biến phiên tòa ngày 8/11 xét xử bà Michèle Chevalier và bốn đồng nghiệp can tội đồng lõa phá thai lậu thành một diễn đàn chính trị, tạo cơ hội cho các nhà trí thức, nghệ sĩ, chính khách và nhà văn tiến bộ đến dự, phát biểu bênh vực bà Michèle, yêu cầu sửa đổi Bộ luật 1920.

Nhiều người dân ở Bobigny tham dự phiên tòa mô tả bà Halimi là một luật sư “dám ăn dám nói” vì bà cho rằng “bất tuân một bộ luật bất công là thúc đẩy dân chủ”. Trước mặt hội đồng xét xử, bà Halimi dõng dạc bào chữa: “Xin quý vị nhìn lại mình và nhìn lại chúng tôi, bốn người phụ nữ đứng trước những người đàn ông. Để nói chuyện gì? Về tử cung, mang thai và phá thai. Chẳng lẽ quý vị lại không biết rằng sự bất công nằm ngay trong những từ đó?”. Bà Halimi vạch rõ, trong khi những người giàu có tiền sang Thụy Sĩ và Anh để phá thai hợp pháp thì những người nghèo buộc phải phá thai lậu và chịu tù tội một cách bất công.

Kết quả, nữ sinh Marie Claire trắng án. Bà Michèle bị phạt 500 quan nhưng sau khi kháng cáo đã không mất đồng nào. Ba đồng nghiệp của bà cũng được trắng án. Chỉ có bà mụ vườn bị phạt một năm tù về tội phá thai lậu.

Vụ án Bobigny là một chiến tích vang dội của bà Halimi, gây nên một cuộc tranh luận gay gắt và sôi nổi, mở đường cho sự ra đời Bộ luật Veil năm 1975 cho phép phá thai trong một số điều kiện.

Trước vụ án Bobigny, bà Halimi đã được biết đến như một luật gia chính trị. Bà đấu tranh đòi quyền độc lập của quê hương Tunisia và Algeria. Bà tố cáo quân đội thực dân Pháp tra tấn tù nhân. Bà cũng từng làm Chủ nhiệm Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh Mỹ ở Việt Nam.

Năm nay 86 tuổi, nữ luật sư Gisèle Halimi vẫn hoạt động không mệt mỏi trong công cuộc đấu tranh cho nữ quyền, nhất là việc bảo vệ quyền lợi các nạn nhân bị xâm phạm tình dục.

 TRỌNG NGHĨA 

Kỳ tới: Khát vọng của những người trẻ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI