LS John Flynn và Miranda (phải) trong một buổi tiếp xúc
Sau đó ba tháng, dựa vào những lời thú tội được viết ra giấy của Ernesto Miranda, tòa án quận Maricopa, thành phố Phoenix phán quyết chàng trai 21 tuổi này bản án 20 năm tù vì ba tội: trộm, bắt cóc và hiếp dâm. Chuyện tưởng đã xong, tuy nhiên, vị luật sư 73 tuổi Alvin Moore - người được chỉ định bào chữa cho Miranda - lại phát hiện một điều có lợi cho Miranda. Tuy Miranda đã ký tên nhận tội, nhưng khi cảnh sát bắt Miranda, họ không hề thông báo với anh là anh có quyền không trả lời bất cứ câu hỏi nào của cảnh sát khi chưa có sự hiện diện của luật sư.
Thế là, luật sư Moore đề nghị Miranda kháng án, tìm cách bào chữa cho thân chủ của mình theo hướng khai thác sai lầm này của cảnh sát chứ không đụng gì đến nội dung bản án.
Lỗ hổng pháp lý
Tại Mỹ, trên đầu mỗi bản nhận tội đều có in sẵn câu “Bản nhận tội này được viết từ sự tự nguyện và ý chí của tôi mà không có bất cứ sự đe dọa hay hứa hẹn miễn tội nào. Với sự hiểu biết về những quyền hợp pháp của mình, tôi biết là những lời khai của tôi có thể và sẽ được dùng để chống lại tôi”. Bản khai của Ernesto cũng khởi đầu bằng câu đó, tuy nhiên luật sư Moore lại phát hiện một sai sót chí tử của cảnh sát Phoenix: Miranda không hề được thông báo “quyền được giữ im lặng” cho đến khi có mặt luật sư bào chữa cho anh. Trong phiên tòa thứ nhì, tòa án bang Arizona vẫn giữ nguyên bản án ban đầu. Luật sư Moore lại khuyến khích Miranda tiếp tục kháng án lên Tòa án Tối cao.
Tự nhận là một người nghèo, Miranda nộp đơn xin Tòa án Tối cao Mỹ xem xét lại bản án của mình, đồng thời cử luật sư chỉ định để bào chữa cho anh tại phiên kháng án đó.
Trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư Alvin Moore bị ốm nặng nên Hiệp hội Luật sư Mỹ chỉ định luật sư John J. Flynn, một chuyên gia về các vụ án hình sự, bào chữa cho Miranda. Với sự cộng tác của các luật sư John P. Frank và Peter D. Baird, ông Flynn bắt đầu việc bào chữa trong một vụ án mà sau này đã làm thay đổi sâu sắc tiến trình tố tụng tại Mỹ. John J. Flynn và John P. Frank là hai luật sư hàng đầu trong lĩnh vực hình sự ở Mỹ. Họ đứng đầu Công ty luật Lewis & Roca lớn nhất bang Arizona và từng bào chữa thành công trong nhiều vụ án quan trọng. Thế nhưng, họ đã đồng ý trở thành luật sư chỉ định để bào chữa cho Miranda, dù không được hưởng bất cứ thù lao nào.
Tháng 1/1966, các luật sư khởi đầu bằng việc gửi một đề nghị dài đến 2.500 chữ để Tòa án Tối cao Mỹ xem xét lại vụ án từ đầu vì theo Tu chính án thứ năm của Hiến pháp Mỹ, quyền của Miranda đã bị cảnh sát Phoenix vi phạm thô bạo. Hai tuần sau, chính quyền bang Arizona bác bỏ cáo buộc của các luật sư về vụ án Miranda. Phiên xử chính thức của Tòa án Tối cao Mỹ diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng 2/1966 với các thẩm phán đều là những chuyên gia luật hàng đầu của nước Mỹ.
Luận điểm quan trọng nhất mà các luật sư bào chữa nêu ra là Miranda không được thông báo quyền được giữ im lặng khi bị cảnh sát bắt cũng như khi bị thẩm vấn. Flynn khẳng định, không thể hy vọng một người ít học và ở tầng lớp thấp trong xã hội như Miranda lại biết đến Tu chính án thứ năm để có thể nêu ra nhằm tự bảo vệ mình. Anh phải được thông báo điều đó khi bị bắt, nhưng cảnh sát đã không làm như thế.
Số phận đen đủi
Ngày 13/6/1966, Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ việc kết tội Ernesto Miranda dựa trên lời nhận tội của anh vì điều đó được thực hiện qua quá trình thẩm vấn không đúng nguyên tắc. Từ nhà tù bang Arizona, Miranda nhận được tin là lời nhận tội của mình đã bị vô hiệu hóa. Anh và gia đình nghĩ đến chuyện tổ chức ăn mừng sau khi ra tù. Tuy nhiên, chính quyền bang Arizona không nghĩ như thế. Tòa án bang Arizona mở lại phiên tòa xét xử Miranda, lần này không dùng lời thú tội của anh như một chứng cứ chống lại anh. Tòa xử Miranda về cáo buộc trộm cắp cùng bắt cóc và hãm hiếp - là những điều không được đề cập trong phán quyết của Tòa án Tối cao về bản án của Miranda. Không may cho Miranda. Lần này, người vợ từ lâu ghẻ lạnh với anh đưa ra chứng cứ mới chứng minh Miranda thực sự bắt cóc và hãm hiếp cô gái tên là Patti McGees. Miranda bị kết án tù từ 20 đến 30 năm.
Lần này, các luật sư không thể giúp được gì cho Miranda. Nhưng, từ vụ bào chữa cho Miranda, các luật sư John J. Flynn và John P. Frank đã làm biến đổi tiến trình tố tụng của nước Mỹ. Từ đó, cảnh sát khắp nước Mỹ luôn thông báo với can phạm khi tiến hành việc bắt giữ như sau: “Anh có quyền giữ im lặng. Nếu anh từ bỏ điều này, bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh khi tòa xét xử. Anh có quyền có luật sư và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư mà không phải trả phí. Trong bất cứ cuộc thẩm vấn nào, anh cũng có quyền sử dụng các quyền này, không trả lời bất cứ câu hỏi nào và không đưa ra tuyên bố nào. Anh có hiểu những gì tôi vừa nói với anh?”.
Không chỉ ở Mỹ, cả những nước chịu ảnh hưởng nền pháp lý của Mỹ cũng sử dụng câu này - được cảnh sát gọi một cách ngắn gọn là “Lời cảnh báo Miranda” - khi tiến hành việc bắt giữ.
Ernesto Miranda được ân xá năm 1972. Sau khi ra tù, anh ta kiếm sống bằng cách bán tấm ảnh với dòng chữ “Quyền của Miranda” (ảnh) với chữ ký của mình với giá 1,5 USD mỗi bản. Ngày 31/1/1976, trong một cuộc ẩu đả tại quán rượu ở Kingman, Arizona, Miranda bị đâm chết khi trên người vẫn còn nhiều “Lời cảnh báo Miranda” chưa kịp bán hết.
Thật mỉa mai, nghi phạm giết Miranda, một người Mexico nhập cư tên Eseziquiel Moreno, hiểu rất rõ quyền của mình. Hắn kiên quyết không nói điều gì khi bị bắt cũng như trong các cuộc thẩm vấn. Cảnh sát không thể tìm ra được chứng cứ đáng tin cậy nên cuối cùng đã phải thả nghi phạm này. Có tin là sau khi được phóng thích, hắn đã nhanh chóng trở về Mexico và lặn mất tăm.
THIỆN NGA
Kỳ tới: vụ án Bobigny