Luật sư và cán cân công lý - Bài 2: Khắc tinh của án tử hình

14/06/2013 - 07:30

PNO - PN - Khi nhận bào chữa cho Dzhokhar Tsarnaev, nghi can vụ đánh bom cuộc đua marathon ở Boston ngày 15/4, gần như bà Judy Clarke đã thách thức 70% người Mỹ đang đòi tử hình bị cáo này. Người chống án tử hình nổi tiếng ở Mỹ Judy Clarke tin...

Theo bà Clarke, bị cáo chỉ mới 19 tuổi, quá trẻ để nhận thức đầy đủ hậu quả do mình gây ra và để lãnh án tử hình. Án tù chung thân là phù hợp với chàng trai nông nổi này, nếu xét thấy anh ta có tội, vì như vậy, anh ta sẽ còn có cơ hội suy ngẫm lại việc mình đã góp phần khiến ba người chết và 264 người bị thương. “Tôi không yêu cầu quý vị thông cảm với bị cáo. Tôi chỉ yêu cầu quý vị hiểu bị cáo” - bà Clarke từng nói như vậy trong nhiều vụ án hình sự nổi đình nổi đám ở Mỹ.

Luat su va can can cong ly - Bai 2: Khac tinh cua an tu hinh

Luật sư Judy Clarke tại tòa (ảnh: Internet)

Chuyên gia cứu mạng

Nữ luật sư Judy Clarke năm nay 61 tuổi, ở San Jose, bang California, từng bào chữa cho những sát thủ máu lạnh khét tiếng. Không phải là bác sĩ nhưng bà lại là người chuyên cứu mạng cho những người gần như cầm chắc cái chết.

Do tòa án công luận đã kết án tử hình Tsarnaev (theo kết quả thăm dò ý kiến của báo Washington Post và Đài truyền hình ABC News, có 70% những người được hỏi đòi tử hình Tsarnaev), nên thách đố lớn nhất đối với bà Clarke là làm sao thuyết phục tòa án cho bị cáo được sống, như bà từng làm trong những vụ án lớn trước đây. Đó là một nhiệm vụ rõ ràng không đơn giản. Luật sư Ronald Kuby thuộc nhóm luật sư bào chữa cho Tsarnaev nhận định: “Không những có nhiều mà cả một núi bằng chứng chống lại Tsarnaev. Bào chữa cho bị cáo, chúng tôi chỉ còn một chọn lựa là làm sao để cứu mạng sống của anh ta”.

Hãng tin AP từng đánh giá Judy Clarke là một trong những luật sư hàng đầu ở Mỹ bào chữa thành công cho nhiều bị cáo hầu như nắm chắc cái chết. Đó là những kẻ khủng bố nội địa gây ra hàng loạt vụ đánh bom tự chế Ted Kaczynski (với biệt danh Unabomber) và Eric Rudolf, một tín hữu Công giáo căm ghét những người ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng tính.Thân chủ của bà còn là tín đồ Hồi giáo mang quốc tịch Pháp Zacarias Moussaoui, tên khủng bố thứ 20 gây ra sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ và Susan Smith, một bà mẹ vô nhân tính ở South Carolina đã nhẫn tâm dìm chết hai đứa con trai của mình trong hồ nước vào năm 1995... Liệu lần này, bào chữa cho Tsarnaev, người nổi tiếng chống án tử hình có thành công?

Hiện bà Clarke vẫn từ chối trả lời phỏng vấn báo chí về tương lai của bị cáo Tsarnaev, theo người phát ngôn của Trường luật Đại học tư Washington and Lee, bang Virginia, nơi giáo sư thỉnh giảng Judy Clarke dạy môn tội phạm học cho sinh viên năm ba. Văn phòng luật sư của bà ở San Diego cũng không bình luận gì về vụ án. Bà vốn là một người thích làm hơn nói, kín đáo và thận trọng đối với truyền thông.

Ông Quin Denvir, cựu luật sư công ở Sacramento, bang California nhận định về đồng nghiệp Judy Clarke: “Đó là một luật sư vĩ đại, một cuốn bách khoa từ điển sống. Bà ấy hiểu rõ mọi ngóc ngách luật pháp và đồng cảm sâu sắc với thân chủ”.

Luat su va can can cong ly - Bai 2: Khac tinh cua an tu hinh

Luật sư Judy Clarke luôn tránh sự soi mói của giới truyền thông (ảnh Internet)

Đánh thức nhân tính

Rất bình dị trong cách ăn mặc, không ăn nói kiểu “đao to búa lớn”, không cần báo chí quảng cáo để câu khách sộp, luật sư Clarke được đồng nghiệp và giới quan chức tư pháp rất kính nể.

Suốt 30 năm qua, bà điều hành Văn phòng luật sư công Tòa án liên bang Mỹ ở San Diego, bang California và Spokane, bang Washington. Giữa thập niên 1990, bà là luật sư công đầu tiên đứng đầu Hội Luật sư Tòa hình Quốc gia.

Bà Clarke quyết tâm chống án tử hình đến cùng khi cách đây 18 năm, bà tham gia nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Susan Smith, 23 tuổi, can tội giết con. Vụ án gây chấn động nước Mỹ và thế giới, vì ban đầu bị cáo trình báo một gã da đen đã ăn trộm xe hơi và bắt cóc luôn hai đứa con trai (14 tháng và ba tuổi) ở trong xe. Tuy nhiên, bị thẩm vấn ráo riết, chín ngày sau, Susan thú nhận, do quẫn trí nên đã lái xe chở con đến một cái hồ lớn rồi dìm cả xe lẫn con trong làn nước để có thể lấy một người đàn ông không muốn vướng bận con riêng của bị cáo. Với tội trạng nghiêm trọng như vậy, Susan Smith khó tránh khỏi án tử hình.

Nói chuyện trước cử tọa bao gồm luật gia, thẩm phán và sinh viên Trường luật Loyola, Đại học Marymount ở Los Angeles ngày 26/4 vừa qua, bà Clarke kể chuyện bị hút vào “hố đen và cơn lốc”của án tử hình như thế nào qua vụ án nói trên. Bà rút ra kết luận: “Một xã hội văn minh không nên hợp thức hóa việc giết người”. Đó chính là động cơ thúc giục bà chống án tử hình đến cùng. Bà chia sẻ: “Lúc đó tôi thấu hiểu phần nào hành vi con người và lãnh hội được bài học mà bản án tử hình dành cho chúng ta”. Theo bà Clarke, những phát hiện mới đây trong nghiên cứu bộ não cho thấy, mức độ tác động hết sức nghiêm trọng của những chấn thương não đối với bị cáo, những chấn thương ngoài sức tưởng tượng khiến người ta dễ mất trí, không nhận thức được hậu quả việc mình làm.

Bà Clarke cho biết, hầu hết bị cáo đều không muốn nhận tội ngay từ đầu, do đó, nhiệm vụ của bà là cung cấp cho bị cáo một lẽ sống, thuyết phục họ thay đổi ý định. Bị cáo nhận tội, bà sẽ có cơ hội thương thảo với thẩm phán đổi bản án tử hình thành án chung thân.

Đó là chiến thuật bà áp dụng đối với bị cáo Susan Smith và sau đó là với các bị cáo khét tiếng Unabomber Theodore Kaczynski, Eric Rudolf và gần đây nhất là Jared Loughner. Tất cả đều thoát án tử hình, kể cả Rudolph, người nhận đến bốn án chung thân thay cho án tử hình. Riêng bị cáo Susan Smith còn có khả năng được thả có điều kiện vào ngày 4/11/2024 nếu có hạnh kiểm tốt sau 30 năm thụ án.

TRỌNG NGHĨA
Kỳ tới: Quyền giữ im lặng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI