Luật sư Trương Trọng Nghĩa:Phải xem lại lỗi hoàn toàn thuộc về họ hay có cả lỗi của chúng ta

01/07/2016 - 11:00

PNO - Không thể có tư tưởng ở bên họ thì họ sạch, còn vào nước mình thì họ bẩn để giúp kinh tế của ta phát triển. Nếu lãnh đạo nào để cho nhà đầu tư như vậy là có khuyết điểm lớn và không thể chấp nhận.

Liên quan đến sự kiện Formosa xả thải độc hại ra biển miền Trung, báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM. Về mức bồi thường 500 triệu USD (tương đương 11.000 tỷ đồng) cho hành vi phạm pháp mà phía Formosa đưa ra, luật sư Nghĩa nói:

- Thiệt hại về môi trường thường phức tạp và việc cân-đo-đong-đếm là cực kỳ khó khăn. Phương thức thứ nhất mà người ta thường áp dụng là thương lượng để nhất trí về một con số nào đó mà hai bên cùng cho là thỏa đáng. Còn khi hai bên không thống nhất được thì phải cân, đo, đong, đếm để đưa ra một kết luận tương đối chính xác, rồi tiếp tục thương lượng. Nếu không thương lượng được thì đưa vụ việc ra tòa.

Trường hợp của Formosa, phía Nhà nước Việt Nam và Formosa đã đưa ra con số 500 triệu USD, tương đương 11.000 tỷ đồng thì không phải nhỏ. Nhưng nói nhiều hay ít, đủ hay chưa thì một người ngoài cuộc như tôi không có cơ sở. Song bước đầu, một doanh nghiệp đầu tư như Formosa chấp nhận bồi thường mức đó thì tôi cho đó là một cử chỉ thể hiện sự phục thiện.

Luat su Truong Trong Nghia:Phai xem lai loi hoan toan thuoc ve ho hay co ca loi cua chung ta
Ảnh cắt từ Clip

* Trong thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phía Formosa nêu, dẫn đến sự cố là do một số ngày mất điện vào đầu tháng 4/2016, khiến hệ thống quản lý của họ không kiểm soát được chất lượng nước thải. Cảm nhận của ông về sự trung thực của Formosa?

- Theo luật pháp Việt Nam, khi anh điều hành một nguồn nguy hiểm cao độ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp cụ thể, Formosa đã có những vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, sai phạm trong quá trình điều hành xây dựng và xả thải của nhà máy. Tôi cho rằng những sai phạm này thuộc về chủ quan chứ không do khách quan và cần được phía Formosa thừa nhận nghiêm túc.

Mặt khác, đã sai phạm thì phải chế tài. Nếu phía Formosa ra sức khắc phục hậu quả đến mức không cần xử lý hình sự thì cũng phải chế tài hành chính và vật chất. Nhưng chế tài phải làm sao, một mặt tạo điều kiện để họ khắc phục hậu quả một cách thỏa đáng, làm cho nhân dân cảm thấy yên tâm và chấp nhận được, đồng thời cũng tạo điều kiện để họ tiếp tục dự án.

Luat su Truong Trong Nghia:Phai xem lai loi hoan toan thuoc ve ho hay co ca loi cua chung ta
Luật sư Trương Trọng Nghĩa

* Bài học lớn nhất và cơ bản nhất qua vụ Formosa xả chất độc ra môi trường cũng như dự án Nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang đang được dư luận quan tâm là gì thưa ông?

- Bài học quan trọng cần rút ra là phải có nhận thức đúng đắn về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Việc thu hút đầu tư là có lợi cho cả hai phía, nhưng phải nhận thức rõ, khi anh đầu tư vào nước tôi, đặc biệt là những lĩnh vực tôi cần khuyến khích thì sẽ được ưu đãi về đất, về thuế và nhân công lao động rẻ, chứ không ưu đãi bằng cách cho phép anh vi phạm về môi trường, hủy hoại môi trường, xâm phạm lịch sử và văn hóa, xâm phạm chủ quyền, an ninh bằng cách đưa lao động trái phép vào.

Qua hai vụ Formosa ở Vũng Áng, Lee & Man ở Hậu Giang (đang còn xem xét) cho thấy chúng ta phải kiên quyết với các nhà đầu tư. Họ sạch ở nước họ thế nào thì vào Việt Nam cũng phải sạch như thế; luật pháp của nước họ bảo vệ môi trường thế nào thì vào Việt Nam họ cũng phải làm như vậy. Không thể có tư tưởng ở bên họ thì họ sạch, còn vào nước mình thì họ bẩn để giúp kinh tế của ta phát triển.

Nếu lãnh đạo nào để cho nhà đầu tư như vậy là có khuyết điểm lớn và không thể chấp nhận. Như vừa rồi ở Nha Trang, để thu hút khách du lịch mà lại để người Trung Quốc vào vi phạm những quy định về lao động, rồi đốt tiền. Đã vậy, Tổng cục Du lịch Việt Nam còn đề nghị Tổng cục Du lịch Trung Quốc xem xét, xử lý. Thật là buồn cười! Tất cả thể hiện sự yếu kém trong quản lý nhà nước của chúng ta.

Bài học thứ hai là càng ngày càng phát triển thì Việt Nam càng phải chọn lọc và quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, khi người ta đến với đất nước chúng ta, có sai phạm, thì phải xem lại có phải là lỗi hoàn toàn thuộc về họ, hay có cả lỗi của chúng ta. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước hết phải xem lại mình, xem việc phê duyệt các dự án ấy có tắc trách, có hời hợt không và có làm hết trách nhiệm chưa.

Hậu quả của việc phát triển kinh tế mà không quan tâm đến gìn giữ môi trường là vô cùng lớn và nghiêm trọng. Các chuyên gia hàng đầu thế giới như Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế, từng làm cố vấn cho tổng thống Mỹ về kinh tế, đã nói rằng: phát triển kinh tế phải gắn với bền vững, nghĩa là phát triển nhưng phải bảo vệ được nguồn nhân lực (trách nhiệm xã hội) và bảo vệ môi trường. Người ta từng chứng minh nếu lấy giá trị tăng trưởng (GDP) trừ đi những hao tổn về môi trường thì GDP sẽ giảm đi rất nhiều. Đó là chưa kể tác hại môi trường thì rất dai dẳng không chỉ với thiên nhiên mà còn đối với cả nhiều thế hệ mai sau.

Tất nhiên với những quốc gia có khởi điểm quá thấp, trong thời kỳ đầu của phát triển có thể xem nhẹ về mặt môi trường khi phải khai thác tài nguyên để bán đi, còn với nhà đầu tư nước ngoài thì phải chấp nhận cho họ đưa vào những thiết bị công nghệ thấp để tạo công ăn việc làm. Điều đó chỉ có tính chất tình thế và phải giảm dần từng bước. Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài được 30 năm với hàng trăm tỷ đô la thì không thể nào cho phép thu hút đầu tư như cách đây 30 năm. Nhân dân Việt Nam cũng không cho phép. Cuối cùng, chúng ta cũng phải hết sức thận trọng với quy định, quy trình. Quy định, quy trình cần phải có nhưng quan trọng là phải giám sát để nó không bị vô hiệu hóa bởi những con người tiêu cực, tham nhũng.

Minh Nhật (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI