Luật sư Trương Thị Hòa: 'Tôi thuộc về những phụ nữ nghèo'

25/06/2015 - 07:29

PNO - PN - Với rất nhiều người lao động ở Sài Gòn và những tỉnh lân cận, luật sư (LS) Trương Thị Hòa như người thân, cần là chạy đến tìm cô, bởi “nhiều lúc cô không lấy phí tư vấn mà còn cho thêm tiền xe về”. Vị nữ LS nổi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Luat su Truong Thi Hoa: 'Toi thuoc ve nhung phu nu ngheo'

40 năm đi nói về luật

LS Trương Thị Hòa như “người nhà” của Hội LHPN TP.HCM, khi có lời mời đi nói chuyện pháp luật là hầu như bà gác lại các việc khác để tham gia. “Là LS, hơn ai hết, tôi thấu hiểu nỗi khổ sở, thiệt thòi của người dân, nhất là người lao động nghèo “mù” luật. Đã biết bao nhiêu trường hợp phạm tội chỉ vì không ý thức được hành động của mình phạm luật. Tôi quan niệm, tuyên truyền pháp luật giúp được người dân nhiều hơn là bắt tay vào từng sự vụ cụ thể khi đã xảy ra chuyện đáng tiếc”.

Sở dĩ nhiều người dân ở TP.HCM biết đến LS Hòa bởi bà thường đi nói chuyện chuyên đề pháp luật từ cấp phường, xã đến quận, huyện, thành phố. Nhắc chuyện cũ, vị nữ LS sắp bước vào tuổi thất thập hào hứng kể về giai đoạn những năm 1990, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh “bung” ra làm ăn nhưng không rành luật. Vậy là bà “đầu tắt mặt tối” trong việc đăng đàn trò chuyện pháp luật với tiểu thương, gỡ rối về thủ tục pháp lý cho quá nhiều trường hợp “xếp hàng” để thắc mắc.

Cũng vì tính bà ôn hòa, ân cần nên nhiều người tiếp xúc một lần là mến bà ngay. Sau đó, họ cứ xem bà như người thân. Từ thủ tục thành lập doanh nghiệp, đóng thuế, đến cả chuyện treo cái bảng hiệu cửa hàng hay để xe trên vỉa hè thế nào cho đúng luật, họ cũng gọi “cô Hòa”.

Nhiều “chân” trong các đoàn thể, nhiều việc ở văn phòng LS, nhưng hiện nay bà vẫn duy trì phụ trách khoảng năm buổi trò chuyện chuyên đề pháp luật/tuần. Và, những cuộc tư vấn pháp luật qua điện thoại hay người dân tìm đến văn phòng của bà thì không thể đếm hết.

“Đừng bắt phụ nữ thiệt thòi thêm nữa”

Theo đuổi nhiều vụ án, nhưng đến bây giờ, bà vẫn bị ám ảnh bởi những vụ kiện “cỏn con” liên quan đến những phụ nữ buôn gánh bán bưng. Đó là các câu chuyện mà bà gọi là bế tắc, khi người đàn ông trong gia đình đã không lo được kinh tế còn rượu chè, bài bạc, khiến phụ nữ phải trằn mình ra vỉa hè để kiếm sống.

Nhiều năm tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, nhưng LS Hòa khẳng định, vấn đề cốt lõi của bình đẳng giới không nằm ở luật mà là trình độ hiểu biết của người trong cuộc. Bà vẫn thường xuyên dặn dò chị em phụ nữ rằng, mình phải hiểu sâu sắc về bình đẳng giới thì mới thực thi đúng được. Khi thực thi cũng phải có nghệ thuật. Ví như chuyện vợ chồng bình đẳng trong việc nhà. Nếu người vợ gào thét, bắt chồng rửa chén, sẽ không hiệu quả bằng người vợ khéo léo ngọt nhạt: “Anh ơi, anh phụ em một tay”.

Là phụ nữ, bà thấu hiểu nỗi khổ, sự thiệt thòi của người cùng giới nên cách tuyên truyền, tư vấn pháp luật dễ dàng được chị em lãnh hội. Một số hội viên hội LHPN vẫn thuộc lời dặn dò của bà: “Chị em cần nhớ, mười lời nói to không bằng một lời nói nhỏ. Phụ nữ có thể hùng biện, nhưng đừng bao giờ hùng hổ, có như thế mới tìm được sự bình đẳng với đàn ông”.

“Đẹp giản dị mới là tôi”

Còn nhớ, trong chuyến cùng công tác ra thăm Trường Sa năm 2013, tôi ngạc nhiên và thắc mắc khi thấy LS Trương Thị Hòa vẫn mặc áo dài, trong khi ai cũng chọn những trang phục thoải mái. Lúc đó, bà chia sẻ: “Tôi rất thích mặc áo dài vì tôi yêu nét đẹp dung dị của nó. Biết là lên tàu, ra đảo mà mặc áo dài thì vướng víu lắm, nhưng tôi không thể bỏ sở thích theo suốt cả cuộc đời mình. Đã là phụ nữ thì phải biết làm đẹp, nhưng tôi chọn sự đơn giản. Đẹp giản dị mới là tôi”.

Dù sớm thành danh và nhận được nhiều lời mời bảo vệ thân chủ trong những vụ án kinh tế lớn, nhưng trong buổi trò chuyện với phóng viên, bà chỉ kể về những người nghèo. Trước đây, khi tòa án còn chưa buộc LS phải mặc vest, bà thích được mặc một chiếc áo dài nền nã, đơn giản để sát cánh bên thân chủ nghèo khó, thân cô thế cô. Bà tâm tình: “Suốt bao năm nay tôi chọn hình ảnh giản dị như vậy để những thân chủ là phụ nữ lao động nghèo có được cảm giác gần gũi, tin cậy với LS của mình”.

Bà chia sẻ, niềm vui đơn giản của mình là mỗi ngày chứng kiến cảnh những người nghèo bước vào văn phòng của bà thì vẻ mặt căng thẳng, sau khi nghe tư vấn đã nở nụ cười nhẹ nhàng chào bà để bước ra. “Văn phòng của tôi như nơi quẳng gánh lo đi để mà vui sống vậy đó” - bà dí dỏm. Rồi ánh mắt bà sáng lên khi kể chuyện mới đây có một chị từ An Giang đón xe lên Sài Gòn để cảm ơn LS Hòa bằng một… buồng chuối. Trước đó, có chị được bồi thường thỏa đáng trong vụ giải tỏa đất ở Nhà Bè đến văn phòng biếu bà một chục trứng gà…

“Nhưng nếu gặp chuyện gì, chị em cũng gọi LS Hòa thì chắc là phiền lắm?”, tôi hỏi. Bà cười xòa: “Biết làm sao bây giờ, được mọi người thương là cái phúc của mình”.

Cách LS Hòa kể lại những câu chuyện này liên quan đến người nghèo đều lấp lánh niềm lạc quan, khiến tôi hiểu được rằng, việc giúp người nghèo chính là cảm hứng giúp bà không bao giờ mệt mỏi trên con đường cùng họ đi tìm công lý.

 TRẦN TRIỀU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI