Luật sư nói gì về việc ca sĩ bị lợi dụng hình ảnh bán vé?

24/04/2023 - 14:11

PNO - Thời gian qua, ca sĩ Noo Phước Thịnh, Tuấn Hưng, Mỹ Tâm, Đức Phúc, Erik, Trúc Nhân... liên tiếp bị lợi dụng hình ảnh để bán vé. Luật sư cho biết cá nhân bị vi phạm có thể kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Ngày 23/4, đại diện ca sĩ Noo Phước Thịnh cho biết một tổ chức tại Quảng Ninh lợi dụng hình ảnh của nam ca sĩ để bán vé cho một đêm nhạc, dự kiến tổ chức ngày 20/5. Ban đầu, đơn vị này có làm việc với nam ca sĩ để mời biểu diễn cho sự kiện bất động sản.  

Khi hợp đồng hoàn tất, đơn vị thay đổi nội dung chương trình thành đêm nhạc bán vé. Phía ca sĩ Noo Phước Thịnh quyết định hủy hợp đồng. Tuy nhiên sau đó, đơn vị này vẫn sử dụng hình ảnh của nam ca sĩ để bán vé.  

Đơn vị
Đơn vị tổ chức vẫn sử dụng hình ảnh của ca sĩ Noo Phước Thịnh để bán vé. Hình ảnh được đăng tải trên trang cá nhân của quản lý nam ca sĩ.

Mới đây, ca sĩ Tuấn Hưng cũng lên tiếng về việc bị một đơn vị tổ chức hội chợ sử dụng hình ảnh để bán vé. Nam ca sĩ có nhờ người quen đến tận nơi tổ chức để xác nhận, thì người đại diện đơn vị này đổ lỗi cho cá nhân khác, liên tục đùn đẩy trách nhiệm.

Cho đến khi ca sĩ Tuấn Hưng lên tiếng trên trang cá nhân (có hơn 1,3 triệu người theo dõi), đã có không ít khán giả chi tiền mua vé.

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM -  cho biết căn cứ Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi muốn sử dụng hình ảnh của người khác, phải được người đó đồng ý, nếu sử dụng vì mục đích thương mại phải trả thù lao, trừ khi có thỏa thuận khác.

Chương trình hội chợ sử dụng hình ảnh của ca sĩ Tuấn Hưng
Chương trình hội chợ sử dụng hình ảnh của ca sĩ Tuấn Hưng mà không có sự đồng ý 

“Việc sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích quảng cáo mà không được người đó đồng ý sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm b Khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (được sửa đổi bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP).

Cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần mức quy định. Đồng thời buộc phải tháo gỡ, xóa bỏ quảng cáo và xin lỗi bằng văn bản đến người có hình ảnh bị xâm phạm”, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Trong trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác mà gây hậu quả nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Người phạm tội có thể chịu mức án là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù nặng nhất 5 năm. Ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với người bị sử dụng hình ảnh trái phép, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc chủ thể vi phạm và các bên có liên quan thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật (căn cứ Khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015).

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, có một điểm đáng lưu ý được quy định trong Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015: “Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác, mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh, thì không cần được sự đồng ý của người đó”.

“Do đó, khi hình ảnh bị sử dụng trái phép, nghệ sĩ cần phải xem xét liệu hành vi đó có làm tổn hại gì đến mình hay không, rồi mới quyết định trình báo đến cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu bảo vệ quyền lợi và bồi thường thiệt hại”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói thêm.

Khi quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị xâm phạm, cá nhân có quyền bảo vệ quyền nhân thân thông qua các phương thức:

Thứ nhất, yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án, yêu cầu tòa án ra quyết định liên quan bao gồm buộc chủ thể vi phạm hoặc liên quan phải: thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại nếu có.

Thứ hai, áp dụng biện pháp xử lý khác theo quy định pháp luật, nếu thấy hình ảnh của mình bị sử dụng không xin phép, gây hậu quả xấu, các nghệ sĩ có thể nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, xử lý và bảo vệ quyền lợi của mình.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI