Luật sư: Người dân cùng nhau bắt giữ "lái xe điên" là cần thiết

16/03/2024 - 09:40

PNO - Liên quan vụ ô tô bán tải bỏ chạy gây tai nạn liên hoàn, tài xế này được xác định dương tính với ma túy.

Tối 15/3, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã ra quyết định tạm giữ hình sự Lê Tiến Dũng (sinh năm 1987, trú tại Yên Tân, Ý Yên, Nam Định) để làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ. Qua test nhanh với Lê Tiến Dũng cho kết quả dương tính với ma túy.

Lái xe Lê Tiến Dũng tại cơ quan công an
Lái xe Lê Tiến Dũng tại cơ quan công an

Trước đó, tổ công tác của Công an phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) phát hiện xe bán tải mang BKS 29C-856.42 vi phạm lỗi “Đỗ ở nơi có biển cấm đỗ” trước số 93 Trương Định nên tiến hành kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, lái xe đã điều khiển xe bỏ chạy gây tai nạn liên hoàn và chỉ dừng lại khi bị người dân vây bắt.

TS. LS Đặng Văn Cường cho biết với những gì diễn ra qua clip và thông tin, kết quả xác minh bước đầu của cơ quan chức năng thì hành vi của người lái xe ô tô bán tải này là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm của các hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và cố ý làm hư hỏng tài sản. Việc người dân chặn bắt người đàn ông này là cần thiết để ngăn chặn hậu quả tai nạn giao thông có thể xảy ra, bảo vệ tính mạng sức khỏe tài sản của những người tham gia giao thông. 

Trường hợp không ngăn chặn kịp thời thì tính mạng, sức khỏe, tài sản của những người tham gia giao thông trong khu vực đó có thể bị xâm phạm bởi hành vi mất kiểm soát của người đàn ông này. Việc người dân đập phá kính, lôi người này xuống xe để cơ quan chức năng bắt giữ là trường hợp bắt người phạm tội quả tang, là trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc là "tình thế cấp thiết" không phải là tội phạm, pháp luật cho phép công dân được quyền bắt giữ những đối tượng như thế này, trong quá trình bắt giữ có thể gây ra thiệt hại hoặc thương tích thì vẫn được loại trừ trách nhiệm hình sự. 

Cụ thể, Điều 23 Bộ luật Hình sự quy định một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong tình thế cấp thiết vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

Điều 24 Bộ luật này cũng quy định việc gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội. Theo đó hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

Bởi vậy việc khống chế bắt giữ tài xế lái xe trong tình huống này là rất cần thiết. Dù đối tượng này có bị thiệt hại về tài sản, về sức khỏe thì cũng không có quyền yêu cầu những người bắt giữ phải bồi thường vì pháp luật cho họ được quyền bắt giữ người phạm tội quả tang bằng những hành động như vậy để tránh có thể gây thiệt hại thêm cho những người khác, để bảo vệ tính mạng sức khỏe tài sản của những người khác.

Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI