Luật sư đề nghị mức án khoan hồng hơn cho các bị cáo trong "vụ án Vạn Thịnh Phát"

25/03/2024 - 21:22

PNO - Chiều 25/3, tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo trong “vụ án Vạn Thịnh Phát”, các luật sư đều mong các thân chủ nhận được mức án khoan hồng hơn.

Bào chữa cho ông Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), luật sư Huyền Trang không tranh luận về tội danh, chỉ mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét một mức án phù hợp hơn.

Ông Nguyễn Phương Anh bị VKS đề nghị mức án 19 - 20 năm tù về tội Tham ô tài sản.
Ông Nguyễn Phương Anh bị VKS đề nghị mức án 19 - 20 năm tù về tội "Tham ô tài sản".

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Phương Anh được bà Trương Mỹ Lan giao nhiệm vụ tạo lập các “pháp nhân ma” để hợp thức hóa việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Từ ngày 1/1/2018 đến 7/10/2022, thực hiện chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, ông Nguyễn Phương Anh đã thành lập, quản lý, theo dõi, sử dụng 290 pháp nhân và 188 cá nhân để tạo lập hồ sơ 709 khoản vay. Tổng số tiền SCB đã giải ngân cho 709 khoản vay này đến ngày 17/10/2022 có dư nợ cả gốc, lãi là hơn 534.776 tỉ đồng.

Bà Lan cũng giao ông Phương Anh theo dõi toàn bộ việc thu, chi tiền giải ngân từ SCB và các nguồn tiền khác nhau; phối hợp với ông Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và bà Đặng Phương Hoài Tâm (Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)… để “giải quỹ” các khoản vay đã được SCB giải ngân vào công ty thụ hưởng cuối cùng.

Theo luật sư, hành vi của ông Nguyễn Phương Anh không trực tiếp gây hậu quả khi chỉ hợp pháp hóa giấy tờ sau khi “giải quỹ” – đã hoàn thành việc rút tiền ra khỏi ngân hàng. Vì thiếu hiểu biết pháp luật, ông Nguyễn Phương Anh không có ý tưởng về việc “giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan”, chỉ nghĩ rằng phải ra sức làm việc cho công ty để nhận lương, thưởng xứng đáng. Việc ông Phương Anh đứng tên Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula cũng chỉ “cho có lệ”, chứ không có thực quyền đúng nghĩa.

Luật sư cũng trình bày việc ông Phương Anh thực hiện hành vi phạm tội trong hoàn cảnh rất khó khăn khi vợ bị ung thư, con còn nhỏ, cha mẹ đã già yếu. Bản thân ông Phương Anh chỉ là người làm công ăn lương, không hưởng thêm lợi ích (cổ phần, cổ phiếu, quà biếu), nếu không làm theo chỉ đạo sẽ mất việc, mất thu nhập lo cho gia đình.

Ngoài ra, từ khi vụ án chưa được khởi tố, ông Phương Anh đã tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, giảm thiểu thiệt hại cho vụ án. Trong quá trình điều tra, dù chưa biết hành vi của mình có bị buộc trách nhiệm dân sự hay không, theo hướng dẫn của luật sư, ông Phương Anh đã chủ động nộp 300 triệu đồng để khắc phục dù hoàn cảnh khó khăn. Số tiền này, vợ của ông Phương Anh phải vay mượn để khắc phục hậu quả vụ án. Vì vậy, luật sư mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Phương Anh.

Các luật sư tích cực làm việc tại phiên tòa.
Các luật sư tích cực làm việc tại phiên tòa.

Bào chữa cho ông Uông Văn Ngọc Ẩn (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), luật sư Lê Thị Bích Chi mong HĐXX xem xét hành vi phạm tội diễn ra trong giai đoạn đặc thù khi 3 ngân hàng hợp nhất và tình hình SCB rất khó khăn, việc xử lý nợ xấu, cơ cấu nợ cũ là nhiệm vụ hàng đầu.

Ông Uông Văn Ngọc Ẩn biết các khoản vay sử dụng không đúng mục đích nhưng bản chất là phục vụ cho việc tái cơ cấu, vay mới để trả nợ cũ, dòng tiền không ra khỏi ngân hàng, không phải là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho SCB.

Luật sư cho rằng, vai trò của ông Uông Văn Ngọc Ẩn trong vụ án không đáng kể, chỉ mang tính thứ yếu. Ông Ẩn cũng chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi ích khác và cũng đã chủ động xin nghỉ việc khi nhận thấy những dấu hiệu sai phạm tại SCB (nộp đơn xin nghỉ vào tháng 1/2013, được duyệt vào tháng 4/2013).

Ngoài ra, ông Ẩn luôn thành khẩn khai báo, hiện đã lớn tuổi, gia đình có truyền thống cách mạng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS, cho ông Uông Văn Ngọc Ẩn được hưởng án treo cũng đủ sức răn đe, giáo dục.

Phiên tòa vào chiều 25/3.
Phiên tòa vào chiều 25/3.

Luật sư bào chữa cho ông Khổng Minh Thế (nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB) đề nghị xem xét thực tế ông Thế làm việc gián đoạn tại SCB, có 2 giai đoạn nghỉ việc khá dài (tháng 2/2015 – 5/2017 và tháng 5/2018 – 11/2021) nên không theo sát hoạt động.

Vai trò của ông Thế trong quy trình cho vay cũng chỉ mang tính tham mưu chứ không quyết định. Ông Thế chỉ phê duyệt tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, không liên quan khối khách hàng do hội sở đưa xuống, vì thế cũng không biết khoản vay nào liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

Các hành vi sai phạm phần lớn xảy ra trước năm 2018, do đó, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho bị cáo, xem xét ông Khổng Minh Thế chỉ phạm tội theo điều 179 Bộ luật hình sự 2009 là “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.

Trình bày tại tòa, ông Nguyễn Văn Dũng thừa nhận có những sai sót nhưng không cố ý hay chỉ đạo sai. Theo ông Dũng, lượng công việc đảm trách quá nhiều, nhân sự thiếu nên không thể không có sai sót. Mong HĐXX xem xét khoan hồng.
Trình bày tại tòa, ông Nguyễn Văn Dũng thừa nhận có những sai sót nhưng không cố ý hay chỉ đạo sai. Theo ông Dũng, lượng công việc đảm trách quá nhiều, nhân sự thiếu nên không thể không có sai sót. Mong HĐXX xem xét khoan hồng.

Các luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Văn Dũng (Cục trưởng Cục II; Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM phụ trách công tác thanh tra, giám sát) cho rằng mức hình phạt đối với bị cáo là quá nặng. Theo luật sư, ông Dũng chỉ mang tính lỗi cố ý gián tiếp, việc nhận tiền quà thực chất chỉ là những khoản quà tết chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp để cố tình làm sai. Đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ hoàn cảnh nhân thân để có mức hình phạt khoan hồng.

Các luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Anh Phước (nguyên Phó Tổng giám đốc SCB), Trần Văn Nhị (Phó giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC), Nguyễn Cửu Tính (nguyên Phó Tổng giám đốc SCB), Phan Tấn Khôi (Giám đốc SCB chi nhánh Đông Sài Gòn) không tranh luận về tội danh, chỉ đề nghị HĐXX xem xét vai trò thứ yếu, chỉ thực hiện một công đoạn trong chuỗi hành vi của vụ án. Chỉ là những người làm công ăn lương, các bị cáo không có động cơ tư lợi cá nhân. Từ đó, đề nghị xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ, nhân thân của các bị cáo để có một mức hình phạt khoan hồng nhất.

Khi bào chữa cho ông Nguyễn Phương Anh, luật sư Huyền Trang đề nghị HĐXX xem xét về khoản tiền hơn 1.600 tỉ đồng bà Trương Mỹ Lan đề nghị chuyển khắc phục cho ông Chu Lập Cơ và bà Trương Huệ Vân. Luật sư cho rằng số tiền này cần dùng khắc phục chung hậu quả vụ án, khắc phục cho tất cả các bị cáo chứ không riêng gì cho chồng hay cháu gái bà Trương Mỹ Lan.

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI