Luật sư: Cần xử lý nghiêm người nhập cảnh không khai báo y tế trung thực

08/03/2020 - 17:43

PNO - Theo các luật sư, hành vi không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối về hành trình di chuyển cần phải xử lý nghiêm theo luật định.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, bệnh nhân N.H.N. (26 tuổi, bệnh nhân thứ 17) xuất cảnh ngày 15/2 bay sang London (Anh), ngày 18/2/2020 từ Anh bay sang Milan (tỉnh Lombardy, Ý) du lịch. Tại thời điểm này, tại tỉnh Lombardy chưa ghi nhận dịch COVID-19 bùng phát.

Phố Trúc Bạch bị cách ly vào đêm ngày 6/3
Phố Trúc Bạch bị cách ly vào đêm 6/3

Đến ngày 20/2/2020, bệnh nhân quay trở về Anh; ngày 25/2/2020, bệnh nhân từ Anh sang Paris, Pháp du lịch 1 ngày. Ngày 29/2/2020, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện ho, nhưng không đi khám. Đến ngày 1/3/2020, bệnh nhân bị thêm đau mỏi người, không rõ sốt. Sau đó bệnh nhân lên máy bay trở về Việt Nam trên chuyến bay có số hiệu VN0054 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4g30 sáng ngày 2/3/2020.

Do bệnh nhân lúc này không sốt, không khai báo tình trạng sức khỏe, không khai báo y tế là có đi qua vùng dịch của Ý nên đã được nhập cảnh. Kể từ khi về nước, bệnh nhân biết mình bị bệnh nên đã chủ động tự cách ly tại phòng riêng.

Đáng nói, trước đó vào ngày 28/2, Bộ Y tế cho biết đã gửi Công văn đến các tỉnh có hoạt động kiểm dịch y tế về việc thực hiện áp dụng tờ khai y tế đối với khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Iran và Ý. Theo đó, bắt buộc khai báo y tế với người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Iran và Ý. Địa điểm áp dụng tại tất cả các cửa khẩu, thời gian áp dụng từ 0g ngày 29/2/2020. Việc khai báo bắt buộc đã được công bố rộng rãi trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, hành vi của bệnh nhân N.H.N. có thể được xem như cố tình không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực.

Theo luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty luật My Way cho biết, hành vi của bệnh nhân N.H.N. có thể vì phạm vào điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi của "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người". Cụ thể khoản 1 quy định:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

"Từ “hành vi khác” có thể hiểu rất rộng, không loại trừ trường hợp N.H.N có thể bị khởi tố theo tội danh này", luật sư Hồi phân tích.

Luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty luật My Way.
Luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty luật My Way

Trong diễn biến mới nhất khi UBND TP. Hà Nội gửi công văn đề nghị công bố dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, hành vi không khai báo y tế gây lây nhiễm bệnh cũng có thể vi phạm vào khoản điểm a khoản 2 của Điều 240. Cụ thể: 

- Người phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Ngoài ra, theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Với hành vi của chị N.H.N được quy định xử lý tại Điều 10 về việc vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với một trong các hành vi "Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch".

- Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi "Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A".

Hoặc tại Điều 12 của Nghị định này quy định xử lý với hành vi "Vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới" như sau:

- Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi "Không chấp hành hướng dẫn thực hiện kiểm tra thực tế của kiểm dịch viên y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế".

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI