Luật PPP có hiệu lực, TPHCM có thể gặp khó khi kêu gọi đầu tư các dự án

03/07/2020 - 16:15

PNO - Tới đây, khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt Luật PPP) có hiệu lực thi hành, TPHCM có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện hàng loạt dự án.

Sáng 3/7, Hội đồng nhân dân TPHCM tổ chức phiên giám sát UBND TPHCM đối với việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn.

Chủ đầu tư muốn khởi kiện nhà nước

Các đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM nhận định, tổng thể chung các dự án PPP, chủ yếu theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT) đều bị chậm tiến độ, do có nhiều vướng mắc như bồi thường hỗ trợ tái định cư, pháp lý không rõ ràng, chồng chéo...

Dự án càng kéo dài thì chi phí nhà nước phải gánh càng cao nhưng trên hết, tác động lớn đến dân sinh xã hội. Đơn cử, triển khai các dự án giao thông nhằm tháo gỡ áp lực giao thông nhưng việc thi công chậm trễ chỉ làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân.

Bà Phạm Quỳnh Anh
Bà Phạm Quỳnh Anh - đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM chất vấn 

Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM Phan Thị Thắng còn chia sẻ, qua làm việc với 8 chủ đầu tư thực hiện các dự án theo hình thức PPP thì chủ đầu tư nào cũng than gặp rất nhiều khó khăn. “Nếu thành phố không kịp tháo khó, nhà đầu tư sẽ không có điều kiện thuận lợi kinh doanh” - bà Thắng nói, đồng thời cho hay, nhiều nhà đầu tư khẳng định rất muốn kiện nhà nước; và họ thừa nhận nếu đơn vị họ đang làm việc không phải là Nhà nước thì đã khởi kiện lâu rồi!

Tại cuộc giám sát, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, qua 12 năm thực hiện các dự án PPP thì thấy có rất nhiều ưu điểm. Ông nói: “Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam và với nguồn lực nhà nước có hạn thì ưu điểm lớn nhất của PPP chính là huy động nguồn lực từ tư nhân, tạo điều kiện, nền tảng, môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”.

Lý giải việc dự án chậm tiến độ liên quan đến vướng mắc pháp lý, ông Hoan cho rằng các giai đoạn chuẩn bị triển khai thực hiện đều áp dụng đúng nhưng việc thực hiện lại không dễ dàng do gần như giai đoạn nào cũng có lỗ hổng pháp lý.

TPHCM sẽ gặp khó trong việc kêu gọi đầu tư các dự án

Tới đây, khi Luật PPP có hiệu lực (Luật PPP được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2020), theo ông Hoan, thành phố có thể bị gặp khó trong việc kêu gọi đầu tư các dự án. Nguyên nhân là Luật PPP không còn quy định đầu tư theo hình thức BT, cũng như hạn chế nhiều lĩnh vực.

Ông Võ Văn Hoan cho biết, Luật PPP sẽ có thể gây khó cho TPHCM trong triển khai dự án
Ông Võ Văn Hoan cho biết, Luật PPP sẽ có thể gây khó cho TPHCM trong triển khai dự án

Để giải bài toán này, ông Hoan cho biết, UBND TPHCM đang chuẩn bị một quy trình triển khai các dự án theo Luật PPP, có bao gồm kiến nghị các bộ ngành hỗ trợ địa phương. Do luật quy định quỹ đất phải có trước và phải được Thủ tướng phê duyệt mới cho phép triển khai thực hiện dự án.

Song song, có một thực tế là lâu nay, TPHCM thực hiện dự án theo hai nhóm. Một là nhà nước đề xuất dự án, hai là nhà đầu tư tự đề xuất. “Nhà nước đề xuất thì không thấy ai tham gia” - ông Hoan nói; đồng thời cho biết, thành phố đang nỗ lực xem xét vì sao, để từ đó hướng đến việc giành chủ động trong đề xuất dự án.

“Thành phố nói rất rõ là sẽ giành quyền chủ động đề xuất dự án, không để doanh nghiệp chủ động” - ông Hoan quả quyết, và nhận định, sau khi giành quyền chủ động đề xuất dự án thì việc đấu thầu công khai sẽ hiệu quả hơn.

Riêng các dự án bị "siết" phương thức thực hiện - tức không nằm trong danh mục cho phép áp dụng đầu tư theo hình thức PPP mà Luật PPP quy định, UBND TPHCM dự kiến sẽ tháo gỡ khó khăn này bằng hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao). Dù vậy, TPHCM vẫn đang nghiên cứu để tránh trường hợp khi chuyển giao, nhà nước chỉ nhận lại những dự án đã... xuống cấp.

Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI