Luật pháp quốc tế là ngọn roi đối với “cướp biển” ở Biển Đông

25/06/2014 - 08:03

PNO - PN - Trung Quốc (TQ) đã bật đèn xanh để ngư dân thành cướp biển và các lực lượng của chính phủ cũng hành xử theo kiểu cướp biển ở Biển Đông. Nhận định này được rút ra từ động thái bạo động và sự ngang ngược ngày càng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phóng viên VTV ghi nhận 7 tàu TQ đâm và làm hư hại tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam

Hành động mới nhất của TQ ở Biển Đông khiến dư luận trong nước và quốc tế phẫn nộ là vụ bảy tàu TQ bao vây, đâm hư hại tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam. Theo Cục Kiểm ngư, lúc 9g30 ngày 23/6, tàu kiểm ngư Việt Nam mang số hiệu KN-951 đã bị tàu kéo 284, 285 cùng tàu hải tuần 11 của TQ và một số tàu khác vây ép bên mạn phải, để tàu kéo Tân Hải 285 đâm vào mạn trái làm hỏng một số thiết bị lan can, biến dạng be mạn phải và mạn trái.

Theo quan sát của lực lượng kiểm ngư Việt Nam, trong ngày 24/6, TQ duy trì tại hiện trường giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) khoảng 102 - 108 tàu các loại; trong đó có 37 - 39 tàu hải cảnh, 12 - 14 tàu vận tải, 17 - 19 tàu kéo, 30 tàu cá và sáu tàu quân sự. Những tàu này thường xuyên có hành động hung hãn không khác gì “lục lâm thảo khấu”, ép hướng, tăng tốc độ bám sát các tàu Việt Nam, với khoảng cách từ 20-70m, sẵn sàng đâm va vào các tàu Việt Nam đang thực thi pháp luật. Ngoài ra, thường xuyên có 38 tàu cá TQ, dưới sự hỗ trợ của hai tàu hải cảnh số hiệu 46102 và 46106 ngăn cản, chặn hướng không cho các tàu cá Việt Nam đánh bắt trong ngư trường truyền thống của mình.

Luat phap quoc te la ngon roi doi voi “cuop bien” o Bien Dong

Tàu KN-951 sau khi bị  tàu TQ đâm - Ảnh: Tuổi Trẻ

Hành động của TQ đã bị giới quan sát quốc tế kịch liệt phản đối. Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc), chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á, nói: “Chính phủ TQ cố tình tạo môi trường để thậm chí ngư dân của TQ cũng trở thành cướp biển, có thể tấn công tàu Việt Nam, đánh ngư dân Việt Nam, mà không bị trừng phạt, bởi họ biết chính quyền Bắc Kinh bảo vệ họ”.

Các học giả nước ngoài, trong đó ngoài giáo sư Carl Thayer (Úc) còn có giáo sư Jerome Cohen - Chủ tịch Viện luật pháp Hoa Kỳ - châu Á (Mỹ), giáo sư Renato DeCastro, trường Đại học De La Salle, Manila (Philippines), Tướng Daniel Schaeffer (Pháp) đã “hiến kế” và ủng hộ Việt Nam trong việc đối phó với “cướp biển từ phương Bắc” bằng các giải pháp cụ thể. Trong đó, cần quyết liệt đẩy mạnh các công cụ pháp lý và cơ chế trọng tài quốc tế theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, để khởi kiện TQ, bảo vệ các quyền lợi và lợi ích của mình trước hành vi xâm lấn của TQ ở Biển Đông.

Việc giải quyết tranh chấp với TQ thông qua luật pháp quốc tế không chỉ được dư luận quốc tế hoàn toàn ủng hộ mà còn là hành động tất yếu mà các “nạn nhân” của TQ là Philippines và Nhật Bản theo đuổi. Theo AFP, trong chuyến thăm Nhật ngày 24/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cùng tuyên bố về việc cần thiết sử dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp ở khu vực.

Trong dòng chảy này, Việt Nam vừa ký Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tòa Trọng tài thường trực (PCA). Động thái này nhằm chính thức công nhận PCA có tư cách pháp lý cần thiết để tiến hành hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thông qua trọng tài, trung gian, hòa giải và ủy ban điều tra, cung cấp các hỗ trợ thích hợp khác liên quan hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế do PCA thực hiện tại Việt Nam, cũng như tiến hành các hoạt động hợp tác với Việt Nam.

 THANH HẢI - HUYỀN ANH
(Theo Reuters, AP, TTXVN, VTV)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI